Bộ GD-ĐT đã công bố Bảng bách phân vị điểm thi tốt nghiệp THPT của 7 tổ hợp xét tuyển đại học. Theo bảng này, 28,75 điểm thi THPT của tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) tương đương 27,5 điểm D01 (Toán, tiếng Anh, Ngữ văn) và tương đương 29,00 điểm C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Bảng bách phân vị này, một số cơ sở đào tạo đã công bố Bảng quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển.

Mặc dù việc quy đổi điểm theo phương pháp Bách phân vị như hướng dẫn Bộ GD-ĐT nhưng mỗi cơ sở đào tạo lại có kết quả khác nhau với độ chênh lệch đáng kể.

Cụ thể, Học viện Ngân hàng lấy tổ hợp gốc là D01 (Toán, Văn, Anh) để thực hiện việc quy đổi. Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D09 (Toán, Anh, Sử), D14 (Văn, Sử, Anh) sẽ được áp dụng mức điểm chuẩn bằng tổ hợp gốc D01.

Trong khi đó, tổ hợp C00, C03 có điểm trúng tuyển cao hơn so với tổ hợp D01 là 2,5 điểm trên thang 30.

Trong khi đó, Học viện Ngoại giao công bố, độ lệch giữa các tổ hợp xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Học viện Ngoại giao cho biết tổ hợp môn xét tuyển C00 sẽ cao hơn tổ hợp môn xét tuyển D01 là 3 điểm. Các tổ hợp môn xét tuyển còn lại không có độ lệch điểm.

Theo công bố của Đại học Ngoại thương ngày 23/7, bảng quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển/nhóm đối tượng xét tuyển trong tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 được xác định căn cứ trên dữ liệu tuyển sinh của 3 năm gần nhất, kết quả học tập tại trường của sinh viên đã trúng tuyển của từng nhóm, phổ điểm xét tuyển kết hợp theo từng nhóm thí sinh/phương thức xét tuyển và phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo các tổ hợp môn xét tuyển của trường.

Đối với chương trình tiêu chuẩn (không bao gồm chương trình tiêu chuẩn ngôn ngữ thương mại), bảng quy đổi căn cứ trên dữ liệu điểm xét tuyển theo nhóm thí sinh xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của ba môn trong tổ hợp môn xét tuyển của trường (theo tổ hợp gốc A00 trên thang điểm 30).

Với bảng quy đổi trên, nhà trường lưu ý điểm xét tuyển của thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT các tổ hợp môn xét tuyển A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07 thấp hơn tổ hợp gốc A00 là 1 điểm trên thang điểm 30.

Trường đại học Công nghiệp Hà Nội quy định, thí sinh đạt 100 điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội (thang điểm 150) sẽ được quy đổi tương đương 24,25 điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trong khi đó, ĐHQG Hà Nội - đơn vị tổ chức thi đánh gia năng lực - quy đổi 100 điểm tương đương 27,25 điểm tổ hợp A00, 26,5 tổ hợp B00, 27,75 C00 và 24,25 D01.

Như vậy cùng một mức điểm đánh giá năng lực, điểm quy đổi về thang điểm 30 của Trường đại học Công nghiệp Hà Nội chênh nhau rất lớn so với Đại học Quốc gia Hà Nội, cao nhất lên đến 3,75 điểm.

Bên cạnh đó, không ít trường đại học không quy đổi điểm giữa các tổ hợp xét tuyển bằng phương thức thi tốt nghiệp THPT, dù có những chênh lệch nhất định trong phổ điểm.

Thầy Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội) cho biết, khi Bộ GD-ĐT công bố Bảng bách phân vị 7 tổ hợp xét tuyển đại học nhiều thí sinh nghĩ rằng có thể dựa vào dữ liệu này để đặt nguyện vọng. Tuy nhiên ngay sau đó, các cơ sở đào tạo công bố bảng Bách phân vị quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khác nhau.

"Mặc dù biết rằng Bảng bách phân vị của Bộ GD-ĐT được tổng hợp trên một tập hợp lớn còn các cơ sở đào tạo lại dựa vào kinh nghiệm, dựa vào tệp thí sinh đăng ký xét tuyển nên có quyền đưa ra Bảng bách phân vị phù hợp với đặc thù của trường mình.

Tuy nhiên mỗi trường đưa ra một Bảng bách phân vị khác nhau như vậy khiến thí sinh, phụ huynh bối rối và đặt câu hỏi sự khác nhau về quy đổi điểm như vậy có đảm bảo công bằng không?", thầy Vũ Khắc Ngọc đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, thầy Vũ Khắc Ngọc băn khoăn, bách phân vị đối với điểm thi các tổ hợp xét tuyển truyền thống tương đối rõ ràng, hợp lý nhưng đối với kết quả các kỳ thi riêng, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế... mỗi cơ sở đào tạo tính theo cách thức khác nhau và có sự chênh lệch đáng kể.

"Ví dụ, chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 6.5 có cơ sở đào tạo quy đổi tương đương 10 điểm, có trường chỉ quy đổi 8 điểm, có nơi thí sinh có chứng IELTS được cộng điểm ưu tiên 4-5 điểm, có trường chỉ cộng 1-2 điểm...", thầy Ngọc cho rằng điều này có sự không công bằng.

Theo quy định, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của bộ sẽ kết thúc vào 17h ngày 28/7. Tuy nhiên, tính đến ngày 24/7, nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa công bố Bảng quy đổi điểm tương đương để thí sinh tham khảo.

Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, Bộ GD-ĐT nên nới thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống để thí sinh, phụ huynh có đủ thời gian tính toán kỹ lưỡng và các cơ sở đào tạo cũng cần có thời gian để đưa ra Bảng bách phân vị quy đổi điểm hợp lý nhất.

Quy đổi điểm khác nhau do "tệp" thí sinh mỗi trường khác nhau

Lý giải Bảng quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển do các cơ sở đào tạo công bố có sự khác biệt với Bảng bách phân vị tổ hợp xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT công bố, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, Bảng bách phân vị do Bộ công bố là dữ liệu để các cơ sở đào tạo tham khảo.

Điều này cũng giống như các cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi riêng như kỳ thi đánh giá tư duy (TSA) do ĐH Bách khoa Hà Nội chức, kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) do ĐHQG Hà Nội tổ chức... cũng đưa ra Bảng phân vị với các top thí sinh khác nhau để các cơ sở đào tạo khác tham khảo làm căn cứ để quy đổi tương đương điểm trúng tuyển.

"Tuy nhiên khi xây dựng quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển theo phương pháp Bách phân vị, để đảm bảo sự tương đồng giữa các phương thức khác nhau thì các trường căn cứ vào tập dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường và điều này mang tính đặc thù của mỗi cơ sở đào tạo", PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nói.

Trước băn khoăn của thí sinh về tính công bằng khi mỗi trường thực hiện quy đổi tương đương điểm trúng tuyển cho ra kết quả khác nhau, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, mỗi thí sinh đăng ký vào nhiều trường hoặc nhiều ngành trong một trường. Nếu coi mỗi ngành có một tập thí sinh thì bản thân thí sinh chỉ cạnh tranh trong chính ngành/lĩnh vực đó.

"Nếu cơ sở đào tạo phân vị số lượng thí sinh hợp lý sẽ đảm bảo sự công bằng đối với tập thí sinh cùng đăng ký các phương thức xét tuyển vào cùng một ngành/chương trình đào tạo", ông Điền phân tích.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, các cơ sở đào tạo công bố Bảng phân vị, quy tắc quy đổi để thí sinh nắm được để làm căn cứ đăng ký nguyện vọng.

Tuy nhiên ông Điền cho rằng, thí sinh không nên quá băn khoăn về quy tắc quy đổi mà tập trung lựa chọn ngành nghề, nguyện vọng phù hợp, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Việc còn lại sẽ do phần mềm xét tuyển thực hiện./.