Bảng bách phân vị tổng điểm một số tổ hợp phổ biến của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sau khi được hiệu chuẩn vừa được Bộ GD-ĐT công bố gồm 5 tổ hợp truyền thống gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh).
Căn cứ vào bảng quy đổi này, 28,75 điểm tổ hợp A00 sẽ tương đương 28,25 điểm B00, 29 điểm C00 và 27,5 điểm D01.
Dựa vào bảng quy đổi này, các cơ sở đào tạo tham khảo, thực hiện việc quy đổi của đơn vị mình.
Theo bảng quy đổi điểm tương đương điểm trúng tuyển của ĐHSP Hà Nội theo phương pháp Bách phân vị, 26,07 điểm thi Đánh giá năng lực do trường này tổ chức (SPT) theo tổ hợp C00 tương đương với 29,58 điểm thi tốt nghiệp THPT. Cũng ở tổ hợp này, 20,06 điểm SPT tương đương 27,25 điểm thi tốt nghiệp.
Ở tổ hợp A00, 28,33 điểm thi SPT tương đương với 29,75 điểm thi tốt nghiệp THPT. Ở tổ hợp D01, 25,12 điểm thi SPT tương đương 27,75 điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị tổ chức thi đánh gia năng lực - quy đổi 100 điểm tương đương 27,25 điểm tổ hợp A00, 26,5 tổ hợp B00, 27,75 C00 và 24,25 D01.

Đối sánh giữa các phương thức, Đại học Kinh tế quốc dân quy đổi 28 - 30 điểm thi tốt nghiệp THPT tương đương 114 - 128 điểm thi đánh giá năng lực HSA; 22 - 24 điểm thi tốt nghiệp THPT tương đương 85 - 89 điểm thi đánh giá năng lực HSA.
Bách phân vị là gì?
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố Bảng bách phân vị điểm thi THPT cũng nhưng so sánh điểm 7 tổ hợp chính, không ít thí sinh, phụ huynh chưa thực hiểu rõ phương pháp quy đổi điểm tương đương theo phương pháp Bách phân vị cũng như vì sao cần thiết quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết, "Bách phân vị" (hay còn gọi là percentile) là khái niệm thống kê đơn giản nhưng hữu ích, giúp xác định vị trí tương đối của một cá nhân trong một nhóm dựa trên điểm số hoặc giá trị đo lường.
Thay vì chỉ nhìn vào điểm số tuyệt đối (ví dụ: bạn được 8/10 điểm), bách phân vị cho biết thí sinh “xếp hạng” như thế nào so với toàn bộ nhóm tham gia.
Ông Dũng lấy ví dụ, nếu có 100 thí sinh dự thi và đạt bách phân vị thứ 90. Điều này có nghĩa là điểm của thí sinh này cao hơn 90% số thí sinh còn lại, chỉ có 10% thí sinh có điểm cao hơn. Ngược lại, nếu thí sinh ở bách phân vị thứ 50 là đang ở mức trung bình, cao hơn 50% thí sinh.
"Phương pháp này không phụ thuộc vào điểm số tuyệt đối mà tập trung vào phân bố điểm của toàn bộ nhóm, giúp đánh giá công bằng hơn, đặc biệt khi điểm số có thể biến động do độ khó của đề thi", PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.

Lý giải vì sao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2025, Bách phân vị được áp dụng, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh là nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc xét tuyển đại học.
Cụ thể, theo ông Dũng, Bách phân vị được sử dụng để quy đổi và so sánh điểm giữa các bài thi tốt nghiệp THPT và kết quả các kỳ thi riêng, các phương thức xét tuyển khác do các cơ sở đào tạo tổ chức.
Một thí sinh có kết quả thi Đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức và đạt điểm số cao, điểm đó sẽ được quy đổi sang điểm tương đương trong tổ hợp THPT để xét tuyển chung.
Mục tiêu là tránh tình trạng “lệch lạc” do đề thi khác nhau, đảm bảo mọi thí sinh đều được đánh giá trên cùng một “sân chơi”, giảm tranh cãi về độ khó đề thi và khuyến khích thí sinh chọn phương thức thi phù hợp với sở trường.
"Để dễ hình dung, Bách phân vị như một thang đo thứ hạng trong trò chơi trực tuyến: Không chỉ điểm cao là thắng mà còn phải xem bạn xếp hạng bao nhiêu so với người chơi khác. Trong THPT 2025, Bộ GD-ĐT đã công bố bách phân vị cho 7 tổ hợp truyền thống nhằm giúp thí sinh dự đoán cơ hội trúng tuyển. Điều này đặc biệt quan trọng khi số lượng thí sinh năm nay lên đến hàng trăm nghìn và phổ điểm có thể khác nhau giữa các tổ hợp", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm phân tích.

Phân tích cụ thể hơn về Khung quy đổi điểm theo phương pháp Bách phân vị, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, khung quy đổi là bảng liệt kê các khoảng điểm tương ứng theo các mức bách phân vị (ví dụ: top 0,5%, top 1%, top 3%, top 5%, top 10%...).
Ví dụ, nếu điểm của thí sinh ở bách phân vị 95 trong bài thi Đánh giá năng lực - HSA (nghĩa là thí sinh đó ở top 5% cao nhất), nó sẽ được quy đổi sang điểm tương đương ở bách phân vị 95 của tổ hợp A00 trong kỳ thi THPT.
Bộ GD-ĐT yêu cầu khung này phải được xây dựng dựa trên dữ liệu thực tế từ thí sinh tham gia cả hai loại thi, đảm bảo tính khoa học và minh bạch.
Về cách thức quy đổi điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết phải dựa trên phân tích phổ điểm của các thí sinh bao gồm cả phổ điểm của các kỳ thi riêng và điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường đại học sẽ sử dụng dữ liệu này để tạo bảng quy đổi.
Công thức quy đổi thường sử dụng phương pháp nội suy tuyến tính để tính điểm chính xác trong một khoảng phân vị. Ví dụ: Giả sử điểm trúng tuyển theo tổ hợp A00 (T_A00) nằm trong khoảng từ A2 (điểm cao của khoảng phân vị 2) đến A3 (điểm thấp của khoảng phân vị 3), thì điểm quy đổi sang HSA (T_HSA) sẽ là:
T_HSA = HSA3 + (T_A00 – A3) × (HSA2 – HSA3) / (A2 – A3)
Trong đó:
-HSA2 và HSA3 là điểm tương ứng ở khoảng phân vị 2 và 3 của bài thi HSA.
"Hãy tưởng tượng bạn đang so sánh chiều cao: Không phải ai cao 1m8 đều “cao nhất”, mà phải xem trong nhóm người Việt (có thể top 90%) hay nhóm cầu thủ bóng rổ (có thể chỉ top 50%). Tương tự, khung quy đổi giúp “chuẩn hóa” điểm số, đặc biệt khi phổ điểm THPT 2025 cho thấy sự lệch lạc giữa các tổ hợp (ví dụ: khối A cao hơn khối D khoảng 1-2 điểm ở cùng phân vị).
Thí sinh có thể tra cứu bảng quy đổi trên website của Bộ GD-ĐT hoặc các trường để dự đoán điểm chuẩn", PGS.TS Đỗ Văn Dũng phân tích./.