(Ảnh: Getty Images)
Năm 2020, trang Znews.vn trích dịch bài đăng từ The Lily và The Washington Post có tiêu đề “Cởi khẩu trang ra cũng là câu nói quấy rối”. Bài viết đề cập câu chuyện thời Covid-19, một số khách hàng nam yêu cầu nữ phục vụ cởi khẩu trang để “ngắm nhìn gương mặt xinh đẹp” và dọa cắt tiền boa nếu không thực hiện theo.
Thời điểm đó, mạng xã hội Threads chưa xuất hiện và Facebook vẫn bá chủ không gian mạng với hơn 80 triệu tài khoản người dùng ở Việt Nam. Bài viết đó được chia sẻ trên mạng xã hội Việt như một “hiện tượng lạ” với các bình luận: “Tây họ thế”.
Bao nhiêu nhân viên phục vụ trong nhà hàng ở Việt Nam dám gọi thẳng câu “cởi khẩu trang ra” là “câu nói bẩn thỉu của mấy gã đàn ông” như Haeli Maas 22 tuổi, nữ bồi bàn ở bang Kansas (Mỹ) trong bài báo? Hay phần lớn sẽ chấp nhận như như một lời trêu đùa không độc hại.
Ba hành vi quấy rối tình dục thể hiện trong văn bản luật (Bộ luật Lao động 2019) gồm: dạng hành vi tác động đến thể chất (sờ mó, tiếp xúc cơ thể, cấu véo, thậm chí tấn công…); Dạng lời nói (trực tiếp hoặc các phương tiện điện tử) và dạng phi lời nói (ngôn ngữ cơ thể, không đúng đắn, phô bày tài liệu khiêu dâm...)
Thế nhưng, một nạn nhân nào đó dám lên tiếng việc mình bị quấy rối, lời ngụy biện của đối phương luôn là “sự quý mến” hoặc cho rằng đã có sự đồng thuận của người kia. Bởi chúng ta đang sống trong một xã hội mà quan điểm của không ít người, đụng chạm “nhẹ nhàng” được coi là vô hại, lời trêu đùa sỗ sàng được xem như “tếu đùa cho vui”, và hành vi quấy rối tình dục – một dạng xâm hại tinh thần nghiêm trọng vẫn thường bị che lấp bởi văn hóa gia trưởng cổ hủ, bám rễ sâu lâu đời.
Nguy hiểm hơn, quấy rối tình dục không chỉ nằm ở những “cú chạm” mà còn ở cách xã hội định nghĩa “cú chạm” ấy. Một cái vỗ vai không xin phép, một câu hỏi thô thiển về cơ thể, hay một ánh mắt “lột trần” đối phương, tất cả thường bị gói gọn trong cụm từ “có gì đâu mà nghiêm trọng”, “sao cứ phải làm quá lên”, “thích mà còn ngại”…
Tỉ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối tình dục là 87% (theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid). Họ không chỉ bị xâm phạm về thể chất hay tinh thần, mà bị ép phải cảm thấy hành vi đó là bình thường. Và khi họ dám phá vỡ cái “bình thường giả tạo” ấy để lên tiếng, câu hỏi không phải là “chuyện gì đã xảy ra?” mà là quy chụp: “ai bảo ăn mặc hở hang”, “có phải cô ấy tưởng tượng?”, “định làm to chuyện để nổi tiếng à?”. Vậy là người dũng cảm lên tiếng bị tổn thương thêm lần nữa.
Sự nghi ngờ, xét nét, đàm tiếu… được bày biện trọn vẹn như một bản án lặng lẽ. Đau đớn hơn, người chịu hậu quả lại không phải là kẻ gây hại, mà là người tố cáo. Bởi vậy, nhiều phụ nữ đã chọn im lặng để sinh tồn. Họ không yếu đuối mà là họ đang bảo vệ mình trong một nền văn hóa luôn cần “chứng cứ” mang tính “hiện vật” cho một nỗi đau tinh thần.
Mong lắm một sự thay đổi căn bản trong suy nghĩ của cộng đồng rằng, “thân mật” không đồng nghĩa với “quyền động chạm”, “gợi cảm” không đồng nghĩa với “cho phép”. Và tất cả chúng ta phải biết rằng: ranh giới cá nhân là thiêng liêng và không ai có quyền vượt qua, dù là sếp, thầy giáo, hay người thân quen…
Từ năm 2023, những người trẻ, thế hệ gen Z trở nên ưa chuộng Threads, nơi họ được bày tỏ quan điểm nhiều hơn, kể những trải nghiệm cá nhân và nhận dạng quấy rối tình dục mà không sợ bị phán xét.
Nếu những nạn nhân dũng cảm lên tiếng đều bị đánh đổi bằng sự tổn thương thì sẽ không có một cô gái nào dám bước ra khỏi phòng làm việc và nói: “Tôi cảm thấy bị xúc phạm”. Thay vào đó, họ im lặng rút về nơi an toàn, chia sẻ cảm xúc tồi tệ đó ở một dòng trạng thái ẩn danh và ủ chậm một cơn đau dai dẳng./.