Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:

Lo bất công bằng khi xét tuyển các tổ hợp khác nhau vào cùng ngành

Trước khi Bộ GD-ĐT công bố bảng điểm chênh lệch giữa 5 tổ hợp truyền thống theo điểm thi tốt nghiệp THPT, cô Tuyết Lan, giáo viên Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội) lo ngại vì đề thi môn Toán và Tiếng Anh khó, học sinh xét tuyển ở các tổ hợp có 2 môn này chịu thiệt thòi.

Tương tự, một phụ huynh ở Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) băn khoăn về việc các trường tuyển sinh bằng nhiều tổ hợp khác nhau vào cùng một ngành. Chị lo lắng liệu có bất công bằng khi điểm các tổ hợp năm nay có sự chênh lệch.

“Nhiều ngành của Trường ĐH Thủ đô (Hà Nội) hay ĐH Thái Nguyên xét tuyển bằng cả tổ hợp khối D01, A01, và khối C. Năm nay, điểm khối C cao như thế, đấu sao lại được?”, phụ huynh này đặt câu hỏi.

Anh Đỗ Minh Tùng, một phụ huynh ở xã Đông Anh, Hà Nội băn khoăn việc kết nối dữ liệu của các trường ra sao để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh khi hệ thống đăng kí nguyện vọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có phần đăng kí thông tin về nguyện vọng và cập nhật dữ liệu chứng chỉ ngoại ngữ. Trong khi đó, thí sinh còn có nhiều điều kiện xét tuyển khác như kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… thì không có chỗ để nhập dữ liệu.

Nhiều phụ huynh cho biết, do không theo dõi sát lịch tuyển sinh của các trường nên họ chưa kịp cập nhật các chứng chỉ ngoại ngữ lên hệ thống xét tuyển của trường mà con mình muốn ứng tuyển. Đến thời điểm này nhiều trường đã hết hạn đăng ký. Đó cũng là trường hợp con anh Nguyễn Quốc Thành ở xã Đông Anh, Hà Nội.

“Con mải mê việc thi tốt nghiệp, trước việc nhiều trường có nhiều đề án tuyển sinh nên không cập nhật chứng chỉ lên cổng tuyển sinh của trường, giờ thi xong, nhiều trường hết hạn. Tôi gọi phòng đào tạo nhưng khả năng không được cộng chứng chỉ để quy đổi xét ĐH. Mong Bộ và nhà trường tạo điều kiện tối đa”, anh Thành nêu nguyện vọng.

Thầy Nguyễn Văn Đức, giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội cũng nhận thấy những lo lắng của thí sinh và người nhà về việc xét tuyển đại học năm nay.

“Việc quy đổi điểm cũng đang gây nên những băn khoăn, lo lắng. Kết quả đánh giá tư duy, đánh giá năng lực khi quy đổi liệu có được xét vào tất cả các khối ngành hay không? Giả sử như Đại học Quốc gia Hà Nội công bố điểm quy đổi đánh giá năng lực HSA sang điểm thi THPT ở các khối nhưng lại không có khối A01 (gồm Toán, Vật lí, Tiếng Anh). Do đó học sinh đăng kí vào ngành, trường tuyển khối A01 sẽ không biết sẽ quy đổi ra kết quả nào”, thầy Đức phân tích.

Cũng theo quan sát của thầy Đức, có nhiều thí sinh và người nhà thậm chí còn chưa xác định được cả ngành học phù hợp mà vẫn chỉ chăm chăm lo lắng với kết quả đạt chừng đó điểm, các em sẽ đỗ được vào trường đại học nào?

Bộ GD-ĐT cần thống nhất về kĩ thuật để thí sinh và người nhà yên tâm lựa chọn ngành học, trường học

Trong bối cảnh đổi mới thi cử, tuyển sinh đại học như mùa tuyển sinh 2025, việc vừa phải bám sát những thay đổi đã khó khăn, nhiều thí sinh và gia đình đến thời điểm này vẫn hoang mang không biết chọn học ngành gì, trường nào, đặc biệt khi số điểm chới với và lại cũng chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

GS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm nay dự báo sẽ có sự thay đổi về điểm chuẩn, bởi các tổ hợp thi tốt nghiệp THPT đều có sự thay đổi.

Tuy nhiên, khác với mọi năm, điểm trúng tuyển năm nay được quy đổi giữa các tổ hợp để đảm bảo sự công bằng tối đa cho các thí sinh. Một ngành đào tạo có thể xét tuyển bằng nhiều tổ hợp, điểm chênh lệch giữa các tổ hợp sẽ được điều chỉnh theo bách phân vị.

“Không nên lo lắng vì điểm D01 thấp, C00 cao thì bất công. Năm nay, một trường xét tuyển bằng cả hai tổ hợp D01 và C00, sẽ có hiệu chỉnh theo bách phân vị. D01 có thể được cộng thêm điểm; C00 có thể trừ 0,5 - 1 điểm, tùy theo sự điều chỉnh của các trường để đảm bảo quyền lợi thí sinh”, GS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.

Hôm nay (22/7), Bộ GD-ĐT cũng đã công bố điểm chênh lệch của 5 tổ hợp truyền thống. Tuy nhiên, GS. Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT chỉ khuyến cáo quy tắc chung, không đưa ra một con số tuyệt đối mà chỉ đưa ra quy tắc giữa các tổ hợp. Còn giữa các phương thức khác như xét tuyển điểm IELTS, SAT,... các trường phải căn cứ vào hồ sơ, số lượng thí sinh những năm trước trúng tuyển theo học để đưa ngưỡng mức quy đổi tương ứng.

Do vậy, các trường vẫn phải đưa ra cách quy đổi và chịu trách nhiệm với kết quả đó. Trường hợp, các trường đưa ra mức điểm giữa các tổ hợp ngoài bách phân vị mà Bộ GD-ĐT khuyến cáo thì có trách nhiệm giải trình.

Hiện, hệ thống đăng ký xét tuyển mà Bộ GD-ĐT mở ra từ ngày 16-28/7, thí sinh chỉ việc thực hiện đúng 3 thao tác: nhập thứ tự nguyện vọng, chọn trường, chọn ngành học. Sau đó ấn lưu là hoàn tất. PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban tuyển sinh - hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hệ thống của Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm xét tuyển cho từng nguyện vọng của thí sinh đăng ký.

“Đối với mỗi nguyện vọng như vậy, hệ thống sẽ tính toán và tự chọn ra điểm nào mà thí sinh có được cao nhất thì dùng để xét tuyển. Như vậy, thí sinh không cần phải đăng ký tổ hợp, đầu điểm các kỳ thi,... Nhiệm vụ này sẽ thuộc về hệ thống phần mềm tính hộ thí sinh. Đảm bảo 100% rằng không có thí sinh nào bị chọn tổ hợp hay cách tính điểm nào thấp hơn để xét. Thí sinh sẽ được chọn mức điểm cao nhất để xét tuyển cho nguyện vọng đó”, thầy Hải khẳng định.

Chuyên gia tuyển sinh cũng cho biết, nếu một ngành xét tuyển bằng nhiều tổ hợp thì hệ thống của Bộ GD-ĐT sẽ chọn tổ hợp nào có điểm cao nhất để xét nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh.

Từ góc độ của một giáo viên phổ thông, thường xuyên nghe phản hồi, đặc biệt những lo lắng từ phụ huynh, học sinh, thầy Nguyễn Văn Đức cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thí sinh nhập tất cả thông tin xét tuyển lên cùng một cổng thông tin sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh khi quy tất cả về một đầu mối phụ trách, giảm thiểu nhưng nhầm lẫn hoặc quá tải thông tin, đỡ những nhầm lẫn trong giai đoạn thí sinh phải cùng lúc xử lí quá nhiều vấn đề nhằm đạt được nguyện vọng về ngành học, trường học.

"Thực tế, hiện có quá nhiều trường đại học yêu cầu thí sinh nộp thông tin, các điều kiện xét tuyển khác nhau trên trang riêng của nhà trường. Điều này gây nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang cho thí sinh trong trường hợp các em bỏ lỡ thời hạn nộp bổ sung các điều kiện nhà trường đặt ra.

Tôi nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm có thông tin thống nhất, quy tất cả về một đầu mối thông tin nhằm đơn giản thủ tục đăng kí tuyển sinh giúp thí sinh và người nhà các em đỡ lo lắng về phần kĩ thuật để tập trung chọn ngành, chọn trường phù hợp”, thầy Đức nêu quan điểm.

Thầy Đức khuyên các thí sinh cần thận trọng khi chốt các nguyện vọng. Các em nên ghi ra những nguyện vọng bản thân mong muốn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Nếu so sánh thấy khả năng của bản thân hụt một chút so với điều kiện đỗ của trường yêu thích vẫn nên đặt làm ưu tiên vì khi không đạt, hệ thống sẽ tiếp tục xét đến các nguyện vọng tiếp theo.

Tiếp theo, thí sinh cần theo sát, cập nhật thông tin đề án tuyển sinh của những trường mình định chọn vì thời điểm này, chính các nhà trường cũng sẽ liên tục đưa ra những thông tin mới phù hợp thực tế công tác tuyển sinh./.