Hành trình đầy rủi ro
Cứ mỗi mùa mưa bão, hình ảnh người dân đội mưa, lội nước, kẹt xe, tai nạn… lại xuất hiện khắp mọi nơi. Có người ra đường vì công việc bắt buộc, có người vì chủ quan “chắc không sao”. Nhưng theo ông Trần Hữu Minh, chuyên gia an toàn giao thông, trong điều kiện thời tiết cực đoan, mỗi lần ra đường không chỉ là vì công việc, mà là một lần mạo hiểm.
“Tham gia giao thông trong điều kiện thời tiết có mưa bão tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: mặt đường trơn trượt, xe chết máy, cây đổ, hố ga, người điều khiển phương tiện bị hạn chế tầm nhìn, phản xạ. Ngoài ra, tâm lý mọi người đi trong mưa bão thường vội vàng, không nhường nhịn nên khả năng va chạm cao, khả năng ùn tắc giao thông cũng rất lớn”, ông Minh nhấn mạnh.
Không đi nếu không thực sự cần thiết
Với nhiều người, việc hoãn chuyến đi được xem như “mất cơ hội”, nhưng ông Minh khẳng định điều ngược lại: “Luôn luôn có nhiều giải pháp cho cùng một vấn đề. Nếu bạn cảm nhận và đánh giá thấy nguy hiểm như nước ngập quá sâu, cây đổ, dây điện mắc qua đường thì cần quyết tâm dừng lại và chờ ở vị trí an toàn hơn cho đến khi tình hình tốt hơn hãy đi, bởi vì phía trước bạn là cả cuộc sống. Việc hủy một chuyến đi trong mưa bão không bao giờ là một thảm họa. Tính mạng con người luôn là trên hết, bởi vậy tôi nghĩ đấy là quyết định sáng suốt”.
Không có công việc nào quan trọng hơn mạng sống. Vì vậy, trước khi bước chân ra đường, hãy tự hỏi: Có thật sự cần thiết phải đi lúc này không?

Nếu bắt buộc phải ra đường, hãy chuẩn bị thật kỹ càng
Nếu không thể trì hoãn việc ra đường, khâu chuẩn bị là điều rất quan trọng. Cần kiểm tra kỹ hệ thống đèn, phanh, lốp, nhiên liệu và trang bị các vật dụng cần thiết như ô, áo mưa, dụng cụ sửa chữa cơ bản. Sự chuẩn bị trước, kể cả những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất đôi khi có thể cứu nguy trong tình huống bất ngờ.
“Đôi khi chỉ vì không có áo mưa mà người ta cố chạy thật nhanh để tránh ướt, dễ gây tai nạn. Hay như băng qua đường mà không có ô, cũng khiến người ta hành động vội vàng vì sợ ướt. Những sự cố đó hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chuẩn bị tốt”.
Rèn luyện kỹ năng điều khiển phương tiện trong mưa bão
Lái xe dưới mưa không giống như điều kiện bình thường. Người điều khiển phương tiện cần rèn luyện các kỹ năng đặc biệt:
- Bật đèn chiếu sáng, đèn sương mù để tăng tầm nhìn.
- Giữ tốc độ chậm, đều, tránh phanh gấp.
- Phanh sau nhiều hơn phanh trước để tránh trượt bánh.
- Đi theo vệt xe trước, đi vào phần tim đường.
- Không cố vượt chỗ ngập sâu, tránh chết máy.
- Giữ khoảng cách xa hơn bình thường để kịp xử lý tình huống bất ngờ.
“Với nam giới, trang bị kỹ năng như xử lý như thế nào khi xe bị chết máy cũng là điều cần thiết”, ông Minh khuyên.
Đừng ích kỷ
Ngoài kỹ năng, thái độ khi tham gia giao thông cũng là yếu tố then chốt. Càng trong điều kiện khắc nghiệt, người đi đường càng phải điềm tĩnh và tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông.
“Chỉ vì vài người cố vượt đèn đỏ để tránh mưa mà gây tắc cả tuyến phố. Nếu ai cũng tuần tự, nhường nhịn, chúng ta sẽ về nhà nhanh hơn, an toàn hơn".
Đừng để sự vội vàng dẫn đến chuỗi nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến mình mà còn ảnh hưởng đến những người cùng tham gia giao thông.
Giữa những cơn mưa trắng trời, mỗi quyết định ra đường đều cần được cân nhắc kỹ. Hãy nhớ rằng: không có chuyến đi nào quan trọng bằng chuyến đi trở về nhà an toàn. Sự sống là vô giá và an toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu./.