Những ngày cuối năm, Tết nguyên đán kéo theo là những buổi liên hoan, tổng kết, những dịp gặp mặt tất niên, tân niên… và đương nhiên không thể tránh khỏi đó là uống rượu, bia. Không khó bắt gặp từng nhóm đông người hô to “dô, dô, dô” trong các quán bia, nhà hàng. Và nhiều người trong số đó, vẫn tự đi xe về sau các trận nhậu. Sự nguy hiểm khi đã uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông luôn rình rập.

“Rất khó để định lượng uống bao nhiêu hay uống như thế nào thì kiểm soát được tình trạng của mình. Mà sự nguy hiểm nó xảy đến rất nhanh, chỉ trong một tích tắc thôi, chúng ta uống bia rượu sinh ra buồn ngủ, mất kiểm soát sẽ dẫn đến tai nạn", một người dân chia sẻ.

Mặc dù nhiều quán nhậu, nhà hàng ở Hà Nội đều có lực lượng xe công nghệ, sẵn sàng chở khách về sau khi đã sử dụng rượu bia, nhưng do giá cả còn cao, hoặc do tâm lý khách chủ quan, nên vẫn tự lái xe về.

Nghị định 100 đã công bố mức xử phạt với những trường hợp xử dụng rượu bia khi tham gia giao thông với mức phạt khá cao, thậm chí còn thu giữ bằng lái xe thời gian dài, nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ, vô cảm vi phạm. Theo anh Nguyễn Đức Hiệp, Giám đốc Công ty tư vấn kiến trúc Việt Nam, người dân cần nhanh chóng thay đổi ý thức, nhận thức này của mình để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và toàn xã hội

“Cần tiếp tục xử phạt, thậm chí nặng hơn với những người đã uống rượu bia mà vẫn lái xe. Chế tài nặng mới có tính răn đe, tạo ra được văn hóa giao thông. Sau khi bị phạt, người vi phạm mới có ý thức hơn và không tái phạm”, anh Nguyễn Đức Hiệp phân tích.

Cùng chung quan điểm đó anh Tạ Ngọc Tuấn, ở phố Nguyễn Du, Hà Nội nêu một ví dụ: “Tuần trước tôi có một bữa tiệc ở Eco Park, và như một phản xạ, có 2 người trong nhóm không uống rượu bia để lái xe chở những người khác về. Bình thường thì mọi người vẫn uống, nhưng khi đã là Luật rồi, vi phạm là bị phạt, ảnh hưởng đến tiền túi của mình, của gia đình thì mọi người đã biết kiềm chế”.

Trong ngày đầu ra quân Năm An toàn giao thông 2024 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024, cảnh sát Giao thông toàn quốc xử lý hơn 10.000 trường hợp vi phạm; phạt tiền gần 24 tỷ đồng, điều đáng nói vẫn còn 2.393 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Đại tá Trần Đình Nghĩa, trưởng phòng CSGT công an Hà Nội cho biết, các cơ quan báo chí thông tấn cần tuyên truyền sâu đậm hơn về xử phạt vi phạm nồng độ cồn, để người dân thay đổi nếp nghĩ, nếp quen để trở thành văn hóa tham gia giao thông là không rượu bia. Công an và các lực lượng khác sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm. "Chúng tôi xác định rõ các tuyến đường, tuyến phố tập trung nhiều nhà hàng, để bố trí lực lượng đúng, trúng đạt hiệu quả cao nhất để giảm vi phạm nồng độ cồn”, đại tá Trần Đình Nghĩa nhấn mạnh.

Thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông-trật tự xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội đầu Xuân, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ với mục tiêu kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; hạn chế ùn tắc giao thông; phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông; hỗ trợ, phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, lễ hội trong dịp cuối năm, Tết và các Lễ hội đầu Xuân 2024 của người dân../.