Tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh hiện nay vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng năm 2023, cả nước đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, cướp đi mạng sống của gần 500 người và làm bị thương gần 900 người. Trong 7 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông ở nhóm tuổi này đã tăng tới gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội - cả trước mắt và lâu dài.
Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, phần lớn các em học sinh còn thiếu kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông và cũng không có kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn cũng như xử lý tình huống kịp thời. Ở lứa tuổi này các em lại thường có những hành vi thích thể hiện, bốc đồng. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn là do sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của một số phụ huynh khi tự giao những phương tiện cho con em.
Học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thường mắc phải những cái lỗi như: chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, đi sai phần đường, làn đường không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn hoặc đi xe dàn hàng ngang, đùa nghịch chạy quá tốc độ. Bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp lạng lách, đánh võng hoặc tham gia đua xe trái phép.
Ở nước ta, trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4 – 15. Trước thực trạng này, lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cho rằng cần có nhiều biện pháp kết hợp thì mới có thể giải quyết được bài toán vi phạm trật tự về an toàn giao thông cho học sinh.
“Công tác tuyên truyền phải đa dạng các hình thức, phải tuyên truyền cá biệt cho phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn. Ứng dụng mạng xã hội để học sinh dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện. Trang bị cho học sinh các kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn và kỹ năng khi đi trên các phương tiện. Từng gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển hoặc chưa có giấy phép lái xe theo quy định. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, lực lượng chức năng và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con em chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Thực hiện nghiêm túc các chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo” - Thượng Tá Tạ Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Hiện nay, việc xử lý học sinh và cả phụ huynh, chủ phương tiện giao xe cho các em khi các em chưa đủ điều kiện tham gia giao thông đã được quy định rất cụ thể. Theo đó, với lứa tuổi 14 đến dưới 16 tuổi sẽ bị phạt cảnh cáo; đối với các em từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tùy từng hành vi để bị xử lý theo quy định. Ví dụ hành vi điều khiển mô tô có dung tích xi lanh 50 cm3 trở lên sẽ bị phạt 400.000 đến 600.000 đồng. Ngoài ra, người giao xe cũng bị phạt từ 800.000 đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.6.000.000 đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mà giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển. Tuy nhiên ý thức của chính các em học sinh vẫn là quan trọng nhất.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh lưu ý: “Yếu tố gia đình là yếu tố quan trọng nhất, giữ vai trò quyết định trong việc quản lý và giáo dục con em mình. Tất nhiên là mỗi gia đình sẽ có cách giáo dục, cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Nhưng tựu chung lại là gia đình nào cũng muốn con em mình ngoan ngoãn, trưởng thành và an toàn. Vậy thì gia đình cũng phải quản lý để biết con đi đâu, làm gì. Người lớn trong gia đình thì cũng phải gương mẫu để các con nhìn vào để noi gương, tạo điều kiện tốt nhất để cho con được học, được đào tạo các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Tất cả những điều đó sẽ hình thành môi trường tham gia giao thông an toàn trong tương lai”.
An toàn giao thông là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Bởi lẽ số vụ tai nạn giao thông ở nước ta vẫn đang ở mức rất cao. Càng nhức nhối hơn khi một thống kê gần đây cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 2 nghìn trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó phần lớn là học sinh. Chính vì thế, sự chung tay của toàn xã hội và ý thức tự giác của mỗi học sinh chính là giải pháp để các em tham gia giao thông an toàn.