Vừa qua Bộ GD-ĐT đã tổ chức lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục Đại học và các cơ sở đào tạo Sư phạm để trình Chính phủ phê duyệt. Việc xây dựng quy hoạch này nhằm mục tiêu gì? Có thúc đẩy sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục và các ngành đào tạo hay tạo ra cú hích cho giáo dục đại học hay không? Việc chọn ra các cơ sở giáo dục Đại học trọng điểm căn cứ vào những tiêu chí nào và sẽ được đầu tư phát triển ra sao? Phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn về nội dung này.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, tại sao chúng ta cần phải quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở đào tạo sư phạm?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm (bao gồm cả các trường cao đẳng sư phạm) là một quy hoạch ngành quốc gia, được quy định trong Luật quy hoạch. Bản chất việc lập quy hoạch là sắp xếp, phân bố không gian phát triển cho các cơ sở GDĐH và trường cao đẳng sư phạm theo một cách tối ưu nhằm giải quyết những bất cập của mạng lưới hiện nay, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển trong nhiều năm tới. Quy hoạch mạng lưới sẽ là căn cứ để bố trí quỹ đất, phân bổ và huy động các nguồn lực đầu tư cho mở rộng, nâng cấp các cơ sở GDDH và trường cao đẳng sư phạm hiện có, cũng như là căn cứ trong việc xem xét thành lập mới, sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở GDĐH, phân hiệu của cơ sở GDĐH và các trường cao đẳng sư phạm. Quy hoạch mạng lưới lần này áp dụng cho thời kỳ tới 2030 và tầm nhìn 2050, thay thế cho quy hoạch giai đoạn 2006-2020.

Phóng viên: Các quy hoạch trước đây thường dựa vào chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo đầu vào đại học có chất lượng cũng như cân bằng về nhân lực có trình độ đại học cũng như nhân lực được đào tạo nghề, vậy quy hoạch lần này có tính đến yếu tố đó?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Một trong những khó khăn của việc lập quy hoạch lần này là chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo cùng thời kỳ chưa được phê duyệt. Mặc dù vậy, quan điểm phát triển được đặt ra rất rõ trong dự thảo quy hoạch là phải gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo làm nền tảng để từng bước mở rộng quy mô, cân bằng cơ cấu đào tạo, gia tăng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Mục tiêu về quy mô đào tạo trình độ đại học thì đã được xác định rõ căn cứ chỉ tiêu số sinh viên trên một vạn dân theo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Xét theo số liệu thống kê học sinh trong độ tuổi và xu hướng gia tăng nhu cầu học đại học của người dân, thì mục tiêu về quy mô đào tạo trình độ đại học là hoàn toàn hợp lý và không mâu thuẫn gì với mục tiêu về quy mô đào tạo nghề. Tuy nhiên, việc huy động, phát triển các nguồn lực tương xứng với tốc độ tăng quy mô để bảo đảm chất lượng đào tạo mới là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo các trình độ sau đại học quá nhỏ (nhất là đào tạo tiến sĩ) cũng là một thách thức lớn mà quy hoạch lần này phải giải quyết.

Ưu tiên mở rộng quy mô các cơ sở giáo dục đại học hiện có

Phóng viên: Vấn đề phát triển và liên kết mạng lưới được đề cập như thế nào trong dự thảo này? Tính khả thi của nó ra sao?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Phát triển và liên kết mạng lưới là nội dung chủ yếu và quan trọng nhất của quy hoạch, cùng lúc để thực hiện nhiều mục tiêu, đó là tăng quy mô và điều chỉnh cơ cấu đào tạo, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới và gia tăng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân. Mục tiêu tới năm 2030 phải đạt 260 sinh viên đại học trên một vạn dân đã được quy định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, mặc dù còn thấp hơn so với nhóm quốc gia có cùng trình độ phát triển, nhưng cũng là một thách thức lớn cho bài toán xây dựng và thực hiện quy hoạch.

Khi đặt ra yêu cầu mở rộng quy mô, ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học và nguồn nhân lực của một địa phương, một vùng hay cả nước, chúng ta sẽ có hai phương án phát triển mạng lưới. Phương án thứ nhất đó là đầu tư thành lập thêm một số trường đại học, nhất là tại một số địa phương có mức độ tiếp cận đại học còn thấp. Phương án thứ hai đó là mở rộng không gian phát triển và đầu tư tăng cường năng lực cho các cơ sở GDĐH hiện có.

Phân tích thực trạng mạng lưới cho thấy số lượng cơ sở GDĐH như hiện nay không nhỏ, mức độ bao phủ của mạng lưới cũng khá lớn, trừ một vài địa phương vùng khó khăn chưa có trường đại học hoặc phân hiệu. Việc thành lập một trường đại học mới cần một nguồn lực đầu tư rất lớn và phải mất nhiều năm mới có thể tạo dựng được uy tín đối với xã hội và đạt được một quy mô nhất định để hoạt động hiệu quả, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này ngày càng khốc liệt. Trong khi đó, đối với các cơ sở GDĐH lớn, có uy tín từ nhiều năm nay, việc mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo, hay phát triển thêm các phân hiệu sẽ đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.

Vì vậy, dự thảo quy hoạch đã ưu tiên phương án thứ hai, cụ thể là sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, mở rộng không gian phát triển, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các cơ sở GDĐH hiện có. Nói như vậy không có nghĩa là phương án thứ nhất không được xem xét, thực tế là dự thảo vẫn để mở khả năng thành lập một số trường đại học công lập mới (với các điều kiện chặt chẽ hơn), đồng thời khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH tư thục, phân hiệu của các cơ sở GDĐH nước ngoài có uy tín.

Về liên kết mạng lưới, dự thảo quy hoạch đã đưa ra 5 định hướng chính, bao trùm cả liên kết trong – ngoài mạng lưới, liên kết ngang và liên kết dọc trong mạng lưới, liên kết trên không gian thực và không gian số. Thứ nhất, dự thảo đã xác định rõ quan điểm phát triển mỗi cơ sở GDĐH là một tổ chức khoa học và công nghệ vững mạnh, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH là nòng cốt của mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ; hình thành hệ sinh thái đại học phục vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương, vùng và cả nước.

Thứ hai, lựa chọn và tập trung đầu tư phát triển các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm các đại học quốc gia, đại học vùng và cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia, làm nòng cốt thúc đẩy và dẫn dắt phát triển toàn hệ thống, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, định hướng phát triển vùng và ngành.

Thứ ba, hình thành và phát triển các mạng lưới cơ sở GDĐH theo các vùng, tiểu vùng, lấy các đại học quốc gia, đại học vùng làm hạt nhân; gắn kết với cơ sở nghiên cứu, khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển vùng, phát triển địa phương.

Thứ tư, hình thành và phát triển các mạng lưới cơ sở GDĐH theo từng ngành, lĩnh vực trọng điểm, lấy các đại học quốc gia, cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia làm hạt nhân; gắn kết với các cơ sở nghiên cứu, khu vực công nghiệp và doanh nghiệp liên quan để phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển ngành theo chiến lược, quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể quốc gia.

Thứ năm, phát triển hệ thống GDĐH số quốc gia nhằm liên kết các cơ sở GDĐH cùng chia sẻ, sử dụng hiệu quả tài nguyên và dịch vụ GDĐH trên không gian số, tạo đột phá thực hiện mục tiêu tăng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Hai thách thức lớn nhất để thực hiện các định hướng phát triển, liên kết mạng lưới nói trên bao gồm việc huy động nguồn lực đầu tư để mở rộng diện tích đất và hiện đại hóa cơ sở vật chất, và phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Dự thảo quy hoạch cũng đã đưa ra các yêu cầu cụ thể về nguồn lực đầu tư và hệ thống các giải pháp để thực hiện quy hoạch. Nhìn nhận đúng vai trò của GDĐH trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như trong nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030 và 2045, thì những yêu cầu về nguồn lực đầu tư và hệ thống các giải pháp được đề xuất là hoàn toàn hợp lý và khả thi.

Lựa chọn phát triển trường trọng điểm dựa trên hiệu quả đầu tư

Phóng viên: Vấn đề công bằng, bình đẳng được xử lý thế nào trong Dự thảo? Đặc biệt đối với việc chọn ra các trường ĐH trọng điểm cần căn cứ vào đâu? Vai trò của Bộ, ngành chủ quản đối với việc chọn trường ĐH trọng điểm thế nào?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Khi nói tới phát triển GDĐH, hai yếu tố luôn phải được đề cao, đó là công bằng cho người học và giữa các nhóm người học, bình đẳng giữa các cơ sở GDĐH và giữa các loại hình cơ sở GDĐH.

Định hướng phát triển các đại học vùng, mở rộng quy mô đào tạo và địa bàn hoạt động của các cơ sở GDĐH, củng cố, sắp xếp và thành lập mới các trường đại học và phân hiệu đại học được đưa ra trong Dự thảo, cùng nhiều giải pháp khác về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh và đào tạo, chính sách và cơ chế tài chính đại học, thực hiện tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và cũng được đề cập trong Dự thảo, chính là nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận đại học và bảo đảm công bằng cho người học, giữa các nhóm người học.

Yếu tố bình đẳng giữa các loại hình cơ sở GDĐH công lập và tư thục thuộc phạm vi quy định của pháp luật, cũng đã được nhấn mạnh trong các giải pháp của Dự thảo về huy động và phân bổ vốn đầu tư. Còn vấn đề bình đẳng giữa các cơ sở GDĐH công lập, nhất là trong lựa chọn, quy hoạch và đầu tư phát triển các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, chúng ta cần nhìn nhận theo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng dựa trên hiệu quả đầu tư. Muốn đầu tư đạt hiệu quả cao thì phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư vun cao vào các cơ sở GDĐH có tiềm lực mạnh, hoạt động hiệu quả, có khả năng dẫn dắt phát triển hệ thống.

Quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các cơ sở GDĐH lớn, trong các lĩnh vực trọng điểm để đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế cũng đã được xác định rõ trong nhiều nghị quyết của Đảng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã xác định rõ chính sách của Nhà nước “Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”. Đây cũng là kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia trong khu vực đã đi trước chúng ta rất xa, trong đó có Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Trung Quốc.

Dự thảo đề xuất nhóm cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia bao gồm đại học quốc gia, đại học vùng và các cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia, với sứ mạng và mục tiêu làm nòng cốt và đầu tầu cho mạng lưới trong toàn quốc, từng vùng và theo từng lĩnh vực. Với sứ mạng và mục tiêu như vậy, tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn các cơ sở GDĐH trọng điểm đó là năng lực đội ngũ giảng viên (số lượng và tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ), tiềm lực cơ sở vật chất, thành tích đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, uy tín và tầm ảnh hưởng trong mạng lưới, sự đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vị trí xếp hạng quốc tế hoặc tiềm năng đạt được các vị trí cao trong các bảng xếp hạng quốc tế. Phân tích các số liệu nhiều năm về năng lực và hiệu quả hoạt động của các đại học quốc gia, đại học vùng, đại học và một số các trường đại học lớn khác cho thấy những cơ sở đào tạo này có những thế mạnh vượt trội trong mạng lưới về những tiêu chí này. Phần lớn các cơ sở GDĐH được đề xuất hiện đang là trọng điểm quốc gia, đang được ưu tiên đầu tư hoặc đã có chủ trương đầu tư, nâng cấp để trở thành các cơ sở GDĐH hàng đầu, có uy tín trong khu vực.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo, Bộ GDĐT cũng đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành quản lý trực tiếp các cơ sở GDĐH cũng như quản lý nhà nước các lĩnh vực, ngành kinh tế - xã hội liên quan. Hiện nay có một sự “vênh” trong cơ chế chủ quản, ví dụ các trường đại học lớn có năng lực, uy tín cao nhất trong lĩnh vực giao thông, xây dựng lại trực thuộc Bộ GDĐT chứ không trực thuộc Bộ Giao thông vận tải hay Bộ Xây dựng. Vì vậy, các ý kiến của bộ quản ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có vai trò quan trọng cùng Bộ GDĐT xác định các lĩnh vực, ngành đào tạo trọng điểm, làm căn cứ xác định cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia.

Phóng viên: Vì sao các ngành học STEM được Dự thảo đặc biệt chú trọng mà các ngành khác lại không?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững trước những cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, “net zero”, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Đây là chủ trương lớn đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là nhiệm vụ quan trọng đã được đề ra trong nhiều chiến lược, chương trình và đề án của Chính phủ. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang mở rộng, nâng cấp quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế với các nước lớn, nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) trở thành điều kiện tiên quyết để tận dụng cơ hội, thu hút đầu tư và hợp tác phát triển những lĩnh vực công nghệ then chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng…

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên theo học và tốt nghiệp các ngành STEM ở nước ta còn thấp so với nhiều nước phát triển trong khu vực và thế giới, nhất là ở các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật nền tảng và ở các trình độ sau đại học. Chất lượng đào tạo các lĩnh vực STEM tại các trường đại học trong nước nhìn chung chưa đáp ứng được mong đợi và yêu cầu ngày càng khắt khe của các doanh nghiệp, nhất là về năng lực cốt lõi và kỹ năng chuyên nghiệp của người tốt nghiệp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên chính là năng lực đào tạo, nghiên cứu của mạng lưới cơ sở GDĐH (số lượng cơ sở đào tạo, năng lực đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, khả năng hợp tác với doanh nghiệp…) còn yếu so với với yêu cầu phát triển, có khoảng cách còn xa so với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới. Vì vậy, Dự thảo quy hoạch lần này chú trọng đặc biệt tới định hướng và giải pháp thúc đẩy phát triển cả về quy mô, cơ cấu trình độ và chất lượng đào tạo các lĩnh vực STEM.

Bên cạnh các lĩnh vực STEM, Dự thảo cũng xác định một số lĩnh vực, ngành đào tạo trọng điểm khác như sư phạm, y dược, pháp luật… Đối với nhóm ngành sư phạm, Dự thảo đã đưa ra các nội dung cụ thể cả về quy mô đào tạo, số lượng, cơ cấu đào tạo và cơ cấu mạng lưới đào tạo giáo viên; các nội dung tương tự cũng có thể đưa ra đối với một số ngành thuộc lĩnh vực y dược. Đối với các ngành, lĩnh vực khác, căn cứ và khả năng dự báo nguồn nhân lực là rất khó và không cần thiết, vì vậy nội dung Dự thảo không đề cập cụ thể hơn.

Phóng viên: Bài toán chưa có lời giải hiện nay là việc khó tuyển sinh các ngành Khoa học cơ bản trong khi nhu cầu xã hội rất cần. Vậy dự thảo lần này có giải được bài toán đó?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Quy hoạch mạng lưới đã rất chú trọng định hướng phát triển các lĩnh vực STEM, trong đó có các ngành khoa học cơ bản. Theo dự thảo quy hoạch, các ngành khoa học cơ bản cũng thuộc các lĩnh vực trọng điểm của các đại học quốc gia cùng với một số đại học vùng. Trên cơ sở đó, các dự án đầu tư trọng điểm sẽ phải được xây dựng đáp ứng được yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo các ngành này.

Phần giải pháp thực hiện quy hoạch cũng đề ra các cơ chế, chính sách cần được hoàn thiện để khuyến khích sinh viên theo học, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực STEM nói chung và các ngành khoa học cơ bản nói riêng. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ GDĐT cũng đang hoàn thiện đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao”, trong đó sẽ đi sâu vào các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩu phát triển đào tạo các lĩnh vực STEM trong đó các ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống.

Phóng viên: Bộ GD-ĐT có biện pháp gì để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực như được đề cập trong Dự thảo?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Bài toán quy hoạch mạng lưới thực ra là một bài toán tối ưu hóa, với nhiều mục tiêu, nhiều tham số và nhiều điều kiện ràng buộc, vì vậy gần như toàn bộ nội dung quy hoạch đều quan tâm tới vấn đề tối ưu hóa, trong đó có việc tối ưu hóa sử dụng nguồn lực.

Muốn tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực cho toàn mạng lưới, trước hết cần nâng cao hiệu quả hoạt động của từng cơ sở GDĐH, loại bỏ các cơ sở GDĐH yếu kém. Bộ GD-ĐT đã xây dựng và chuẩn bị ban hành Chuẩn cơ sở GDĐH làm căn cứ xác định hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDĐH, trên cơ sở đó tiến hành các giải pháp củng cố, sắp xếp các trường đại học hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng.

Thứ hai, Dự thảo cũng ưu tiên phương án củng cố, tăng cường năng lực, mở rộng không gian phát triển và quy mô đào tạo của các cơ sở GDĐH hiện có thay vì phương án thành lập thêm nhiều trường đại học mới.

Thứ ba, việc lựa chọn, quy hoạch để đầu tư các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, đồng thời khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH tư thục cũng là một biện pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực của Nhà nước.

Thứ tư, việc phát triển các liên kết mạng lưới như nói trên đây cũng nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư cho các cơ sở GDĐH theo từng vùng, từng lĩnh vực và tổng thể mạng lưới trên cơ sở chia sẻ, sử dụng chung nguồn lực, nhất là tài nguyên số (trong mô hình giáo dục đại học số).

Thứ năm, nhóm giải pháp rất quan trọng đó là đẩy mạnh tự chủ đại học, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để các cơ sở GDĐH chủ động, phát huy nội lực và huy động các nguồn lực, tự tối ưu hóa hoạt động của chính mình và góp phần tối ưu hóa hoạt động của toàn hệ thống. Cuối cùng, Bộ GDĐT tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách về tài chính để phát huy vai trò điều tiết, định hướng của Nhà nước, giảm thiểu các khiếm khuyết của cơ chế thị trường, qua đó tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực từ xã hội và từ ngân sách nhà nước.

Sáp nhập một cách cơ học không giải quyết được vấn đề yếu kém của một trường đại học

Phóng viên: Vị trí của hệ thống các trường ĐH tư thục thể hiện thế nào trong Dự thảo?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Khối trường đại học tư thục hiện nay chiếm khoảng 27% về số cơ sở GDĐH và trên 20% quy mô đào tạo trong toàn mạng lưới, như vậy đã khẳng định được vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống. Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển khu vực tư thục trong lĩnh vực GDĐH đã được ghi rõ trong các nghị quyết của Đảng, được thể chế hóa trong Luật Giáo dục đại học và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Dự thảo quy hoạch đã bám sát quan điểm, chủ trương này và nhấn mạnh “…khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH tư thục, phân hiệu của các cơ sở GDĐH nước ngoài có uy tín”. Dự thảo cũng đã xác định quy mô đào tạo tới 2030, trong đó khối tư thục chiếm ít nhất 25%, đồng thời trong mọi định hướng phát triển gần như không hạn chế số trường đại học hoặc phân hiệu của trường đại học tư thục.

Phóng viên: Một số trường ĐH địa phương yếu kém khó tuyển sinh muốn sáp nhập vào các ĐH lớn, quy hoạch này có tính đến sự sáp nhập và các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo của các ĐH khi phải ôm thêm, phải chia sẻ nguồn lực với các trường ĐH địa phương nếu bị sáp nhập vào?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Dự thảo có đưa ra phương án sáp nhập cơ sở GDĐH công lập hoạt động kém chất lượng, kém hiệu quả (trong đó có các trường đại học trực thuộc địa phương) để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở GDĐH có uy tín. Để thực hiện nội dung này, các bên liên quan sẽ phải xây dựng đề án để làm rõ chiến lược, định hướng phát triển, các yêu cầu tăng cường đầu tư, các biện pháp bảo đảm chất lượng và cơ chế chia sẻ nguồn lực. Sáp nhập một cách cơ học không phải là biện pháp duy nhất giải quyết được vấn đề yếu kém của một trường đại học, mà chỉ là giải pháp về tối ưu hóa cấu trúc để nâng cao hiệu quả đầu tư, nhưng không thể thành công nếu thiếu chiến lược, định hướng đầu tư dài hạn, đúng đắn và năng lực quản trị tốt. Vì vậy, cần phải có cơ sở GDĐH có uy tín để xây dựng và triển khai đề án sáp nhập, đồng thời phải có sự hỗ trợ, đầu tư từ Nhà nước.

Phóng viên: Làm thế nào để quy hoạch mạng lưới và quy hoạch ngành không bị chồng chéo nhiều trên cùng một địa bàn trong bối cảnh tự chủ ĐH như hiện nay?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm là một quy hoạch ngành quốc gia, giống như một số quy hoạch ngành khác như quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa... Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo, Bộ GDĐT đã gửi xin ý kiến và làm việc với các bộ, ngành liên quan để thống nhất những nội dung chủ yếu. Bộ GDĐT là thành viên hội đồng thẩm định các quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành khác, cũng như các bộ ngành khác cũng tham gia hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm, vì vậy sẽ không để việc xảy ra chồng chéo giữa các quy hoạch trên một địa bàn cũng như trên toàn quốc.

Phóng viên: Quy hoạch lần này sẽ tháo gỡ những vướng mắc gì cho các cơ sở đào tạo sư phạm để có thể nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo (Nghị quyết số 29-NQ/TW), trong đó có nội dung: “…khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo”, Dự thảo quy hoạch đã đề xuất chủ trương từ 2030 sẽ chỉ thực hiện đào tạo giáo viên (trình độ đại học và cao đẳng) tại các trường đại học, đồng thời đưa ra các phương án sắp xếp lại các trường cao đẳng sư phạm theo hướng sáp nhập vào cơ sở GDĐH có truyền thống đào tạo giáo viên hoặc cơ sở GDDH đa ngành, đa lĩnh vực trong vùng. Dự thảo cũng đã đưa ra định hướng quy hoạch các trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia, các trường đại học sư phạm chủ chốt làm nòng cốt cho đào tạo đội ngũ giáo viên. Căn cứ định hướng này, Dự thảo cũng đưa ra danh mục các dự án đầu tư trọng điểm đối với các trường đại học sư phạm, theo đúng chủ trương đã được xác định trong nhiều nghị quyết của Đảng và trong Luật Giáo dục đại học.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!