Qua 8 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành xuất bản đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trước yêu cầu sớm trở thành một ngành mũi nhọn.

Những thách thức có thể kể đến như sự bùng nổ của phương tiện nghe nhìn, mạng xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Nhìn nhận cơ hội việc làm trong lĩnh vực xuất bản trong yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc công ty Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời đại (TIMES) đã có những chia sẻ trong chương trình "Hành trình nghề nghiệp" của VOV2.

Phóng viên: Thưa ông, chúng ta có hẳn mã ngành đào tạo xuất bản. Tuy nhiên, khi nói đến xuất bản, người ta thường nghĩ đến in ấn, phát hành. Vậy công việc của người làm xuất bản sẽ gồm những gì?

Ông Vũ Trọng Đại: Tôi cho rằng cách hiểu như thế không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Việc hiểu như vậy bắt đầu từ một định kiến tồn tại trong xã hội từ rất lâu rồi, khoảng 6 thế kỉ nay. Cứ nhắc đến sách, nhắc đến xuất bản đương nhiên mọi người nghĩ đến sách giấy. Vậy nên nhận xét của xã hội như vậy không hề sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng.

Bên cạnh sách giấy, tồn tại đến tận bây giờ dưới một khía cạnh rộng rãi hơn, cách hiểu rộng rãi hơn là bất kỳ những phương tiện, cách thức nào dùng để truyền tải nội dung, truyền tải tri thức đều được coi là sản phẩm xuất bản.

Chúng ta đã có các loại hình chẳng hạn như những cuốn sách được viết trên đá, trên đồng, trên da động vật...tức là trên nhiều chất liệu khác nhau. Nó chỉ bị tác động và thay đổi cũng như bị sách giấy chiếm ưu thế trong khoảng 6 thế kỉ nay mà thôi. Và đến thời điểm này sách giấy cũng đang bị đe dọa bởi những công nghệ mới, những cách thức chia sẻ trên mạng xã hội, khiến cho vị trí độc tôn của sách giấy có thể bị ảnh hưởng nhưng không ngay lập tức. Đây được xem như bức tranh toàn cảnh giúp hình dung thực tế ngành xuất bản có rất nhiều loại hình, nhiều cách thức nhằm truyền đạt kiến thức chứ không chỉ sách giấy.

Phóng viên: Một cách cụ thể hơn về công việc của người làm xuất bản, thưa ông?

Ông Vũ Trọng Đại: Từ công việc cụ thể của người làm sách giấy thì chúng ta thấy đây chính là sản phẩm cuối cùng của một loạt các khâu công việc liên hoàn, phức tạp. Bắt đầu từ quá trình sáng tạo của tác giả, của dịch giả.

Tiếp đó đến công việc của nhà xuất bản với nhiều công đoạn như trao đổi kí kết bản quyền với tác giả, chuyển bản thảo tới các ban biên tập với các biên tập viên làm công việc “chữ nghĩa” hỗ trợ cho tác giả làm bản thảo trọn vẹn hơn, truyền đạt rõ nét hơn ý tưởng, thông điệp đến độc giả.

Sau đó mới đến các bộ phận khác như dàn trang, thiết kế, tạo nên hình thù cuốn sách. Những cuốn sách cần minh họa lại cần đội ngũ họa sĩ trình bày. Khi hoàn thiện về hình thức mới đến khâu chuyển cho nhà in cùng hàng loạt máy móc, công nghệ in ấn như ở Việt Nam hiện nay phổ biến là công nghệ in Offset để cho ra đời cuốn sách.

Tuy nhiên, chặng đường vẫn còn tiếp tục để cuốn sách đến tay bạn đọc. Ở đây cần một đội ngũ các bạn truyền thông, maketing, kinh doanh mà chúng ta gọi bằng tên nhân viên phát hành để đưa sách đến các đại lí, các hội sách trên toàn quốc. Lúc này sách mới đến tay độc giả. Như vậy các bạn có thể hình dung cả một quá trình liên tục xâu chuỗi không ngừng của những người làm xuất bản, không phải chỉ riêng người làm biên tập để có thể làm ra cuốn sách.

Phóng viên: Thưa ông, người học ngành xuất bản ra đứng ở vị trí nào trong dây chuyền rất dài, rất nhiều khâu móc xích để đưa được sách từ tác giả tới độc giả?

Ông Vũ Trọng Đại: Chúng ta cần phải làm rõ khái niệm người học ngành xuất bản hoặc như tên gọi đầy đủ là ngành xuất bản in và phát hành. Công việc ở đây sẽ gồm 3 bộ phận tương đối rõ nét, tập trung vào đội ngũ biên tập viên làm công tác chuẩn bị làm việc với tác giả, dịch giả để hoàn thiện về văn bản; đội ngũ thứ hai làm công việc in ấn để biến nội dung thành cuốn sách hiện hữu. Họ là những thợ in. Đội ngũ thứ 3 gồm những cá nhân được đào tạo kinh doanh xuất bản phẩm như tại trường đại học Văn hóa chẳng hạn. Họ sẽ đưa những cuốn sách đã in ấn xong tới tay độc giả.

Ở ngành xuất bản, ít nhất chúng ta sẽ thấy có 3 lực lượng chính và được đào tạo ở các lĩnh vực, các trường tương ứng khác nhau. Các bạn biên tập có thể học ở khoa Xuất bản của Học viện Báo chí Tuyên truyền; về in ấn các bạn học ở các trường nghề về in; những bạn kinh doanh xuất bản phẩm học ở Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Trường ĐH Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Thậm chí nhiều bạn tốt nghiệp từ những ngành học khác với điều kiện yêu thích sách, yêu thích văn hóa đều có thể tham gia vào đội ngũ lao động của ngành xuất bản.

Phóng viên: Tố chất nào quan trọng nhất để các bạn tham gia vào 1 trong 3 chu trình lớn của lĩnh vực xuất bản, thưa ông?

Ông Vũ Trọng Đại: Tố chất quan trọng nhất của người làm xuất bản tôi nghĩ rằng thuộc về niềm đam mê với văn hóa, với cuốn sách. Từ thực tế trải nghiệm của tôi qua 23 năm làm trong ngành thấy một thực tế không chỉ các bạn tốt nghiệp các trường đào tạo gắn với lĩnh vực xuất bản, in ấn và phát hành mà có nhiều bạn tốt nghiệp ở các khối ngành khoa học xã hội, nhân văn, thậm chí khoa học kỹ thuật rồi công nghệ vẫn tham gia và tham gia ngày càng nhiều vào ngành xuất bản.

Điều quan trọng duy nhất thuộc về niềm đam mê văn hóa, yêu thích sách vở để học hỏi không ngừng. Những kỹ năng kiến thức chuyên ngành, chuyên môn theo tôi đều có thể học được. Xuất bản thuộc lĩnh vực đặc thù nên chỉ tình yêu với giúp người lao động vượt qua rất nhiều khó khăn trong nghề. Cộng thêm nữa vẫn đang thuộc lĩnh vực đang phát triển, mới có những thành tựu ban đầu, chưa thể đáp ứng thu nhập như mong muốn hoặc tương xứng với ngành nghề khác.

Phóng viên: Trong bối cảnh nghe nhìn lấn lướt và có ý kiến cho rằng sách sẽ khó có thể cạnh tranh. Cơ hội nghề nghiệp của những người làm nghề ra sao?

Ông Vũ Trọng Đại: Tôi cho rằng cơ hội việc làm ở ngành xuất bản ngày càng mở rộng bởi những lý do sau:

Thứ nhất ngành xuất bản nằm trong một nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng tốt và bởi thế ngành cũng trong xu thế như vậy.

Thứ hai, ngành xuất bản có thuận lợi khi đi sau, dù không bứt phá như nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, ngân hàng, xây dựng... nên dư địa phát triển bây giờ vẫn còn rộng lớn vô cùng.

Nhiều người hỏi tôi ngành xuất bản Việt Nam liệu có nhiều cơ hội không? Tôi khẳng định có bởi chúng ta đang hình thành, thúc đẩy văn hóa đọc trong khi thế giới đã trải qua hằng trăm năm không có sự gián đoạn do những bất ổn bởi chiến tranh, thiên tai... Thực tế đó thuộc những nền văn hóa già. Còn chúng ta vẫn đang trong đà của nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nên riêng ngành xuất bản tính từ sau đổi mới bắt đầu chớm vào giai đoạn tăng tốc. Điều này mở ra cơ hội lớn. Cá nhân tôi cho rằng ngành xuất bản Việt Nam đang trong giai đoạn định hình kéo theo vô số cơ hội.

Và thứ ba nữa nằm ở sự phát triển rất mau chóng của công nghệ. Bên cạnh sách giấy còn có sách điện tử như Ebook, Audio book cùng nhiều hình thức lai ghép giữa các loại hình xuất bản như Podcast, ứng dụng khác như AI, công nghệ ảo... Tôi gọi đó là những cơ hội công nghệ sẽ tạo ra rất nhiều việc làm so với bộ máy, cách thức nhân sự hoặc thị trường lao động xuất bản truyền thống trước đây. Mỗi khi ngành xuất bản có thêm một dòng sản phẩm mới đồng nghĩa mở thêm cơ hội cho những lực lượng lao động khác tham gia vào ngành xuất bản. Thực tế nhiều bạn trẻ học công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông hay Bách khoa, những ngành mà trước kia tưởng không liên quan gì đến ngành xuất bản bây giờ cũng tham gia vào đội ngũ lao động của ngành.

Phóng viên: Và thưa ông! Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của chúng ta có lẽ sẽ tiếp sức cho việc mở rộng cơ hội việc làm của người lao động ở lĩnh vực này?

Ông Vũ Trọng Đại: Tôi tin chắc như vậy. Công nghệ phát triển, dư địa của ngành xuất bản lớn, tôi phản đối ý kiến cho rằng sách giấy sẽ chết vì công nghệ mới nổi lên, định dạng mới hay sách điện tử sẽ chèn lấp. Đó được xem như ý kiến cực đoan. Mặt khác tôi cũng không đồng ý quan điểm sách giấy sẽ tồn tại mãi mãi, không thay đổi vị thế độc tôn trong xã hội.

Một xã hội cân bằng khi yếu tố truyền thống phát triển hài hòa với những cách tân, đổi mới theo tỉ lệ nhất định. Chẳng hạn trong 10 năm tới tôi cho rằng sách giấy vẫn ở vị thế thượng phong, chiếm 60-70% thị trường, phần còn lại thuộc về những sản phẩm mới về số. Trong một “bức tranh” với nhiều cơ hội mở rộng như vậy, chúng ta chỉ cần quan sát dòng chảy của công nghệ trong nền công nghiệp xuất bản thế giới sẽ thấy Việt Nam đang đi sau khoảng 10-15 năm năm tùy quốc gia, khu vực. Ví dụ như chậm hơn 10 năm với Mỹ, thị trường xuất bản đứng đầu toàn cầu; chậm hơn thị trường Đông Bắc Á 5 đến 7 năm...Chúng ta có thể từ đó thấy được bước phát triển của ngành xuất bản trong nước để từ đó xác định cần phải làm gì, tận dụng các cơ hội thế nào?. Đó gọi là học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!

"Trong suy nghĩ, tôi cảm thấy mình thích công việc mày mò tài liệu, đọc tài liệu sách vở, số liệu, tạo nên một cuốn sách đem tới cho độc giả. Quá trình làm việc ở nhà xuất bản, tôi phát hiện công việc ở nhà in có nhiều điều thú vị. Đừng nghĩ chỉ cần chuyển bản thảo xuống nhà in là sẽ ra thành phẩm. Khi xuống tận nhà in mới biết có quá nhiều công đoạn nhỏ bên trong như in bìa riêng, in ruột riêng, xén cho đều đẹp sau đó khâu hoặc dán gáy, kiểm tra mực, đóng thùng còn phải kiểm tra lỗi của từng cuốn. Từng khâu đều phải cực kì cẩn thận vì chỉ cần một sơ xuất thiệt hại sẽ vô cùng lớn"

- BTV Bùi Tiến Đạt, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường đại học Sư Phạm Hà Nội, có 8 năm làm biên tập sách.

"Sau gần 10 năm làm ở lĩnh vực truyền hình và hoạt hình tôi chuyển sang làm sách, từ bỏ một lĩnh vực mình đã có kinh nghiệm và có thế mạnh khiến tôi phải suy nghĩ nhiều và cuối cùng quyết định từ một lần tham gia xuất bản tác phẩm của chính mình. Điều này cho thấy sách rất cuốn hút và đầy sức nặng. Tham gia ở cả vị trí tác giả và biên tập sách, mình thuận lợi để hiểu và tìm được tiếng nói chung với các tác giả khác để cho ra đời các cuốn sách chất lượng"

- BTV Lê Thắm, tác giả đồng thời làm biên tập viên nhà xuất bản

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: