Anh Hùng Võ - một trong 50 marketer có tầm ảnh hưởng nhất tại khu vực châu Á do Campaign Asia lựa chọn năm 2021. Anh hiện là Phó tổng giám đốc phụ trách marketing của thương hiệu Biti’s, đồng thời là người sáng lập và giám đốc điều hành của Dentsu Redder - công ty quảng cáo đạt nhiều giải thưởng sáng tạo.

Marketer Hùng Võ còn được biết đến là một Nhà giáo dục khi đang là thành viên Hội đồng cố vấn Đại học Fulbright.

Tại Hội nghị thường niên về Tương lai giáo dục “Symphony Of The Mind” năm 2021 do Tổ chức Giáo dục Embassy Education tổ chức (tập 2 phát sóng ngày 09/10), anh Hùng Võ đã có những chia sẻ về Giáo dục sáng tạo.

Phải chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho những đứa trẻ sinh năm 2020, 2021

Tự nhận mình là người may mắn khi sinh ra vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước bởi khi 36 tuổi Hùng Võ cảm thấy mình vẫn còn có thể bắt kịp với dòng chảy của ngày hôm nay. Vẫn có những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển và tạo ra giá trị trong ít nhất 5-10 năm nữa.

Tuy nhiên với những đứa trẻ sinh ra vào 2020, 2021 thì 30 năm tiếp theo (năm 2050) khi trí tuệ nhân tạo có những bước tiến rất xa và có thể thay thế con người ở 80% công việc của ngày hôm nay thì những đứa trẻ đó cần học những gì? Các em làm sao để tồn tại?

Theo anh Hùng Võ, chuyển đổi số đang tạo ra những cơ hội bất tận. Công nghệ đã biến rất nhiều thứ trước đây không thể thành có thể. Nhưng cùng với đó là những thử thách rất lớn đặt ra cho những đứa trẻ sinh ra trong những năm 2020, 2021 và những năm tới.

“Hiện nay giáo dục vẫn đang chuẩn bị cho chúng ta có thể đảm nhận một công việc nào đó, cung cấp một hàm lượng chuyên môn và kỹ năng để có thể làm được một điều gì đó. Nhưng với một tương lai bất định rõ ràng không ai trong chúng ta có thể tự tin là có thể thấy rõ được chắc chắn cách nó diễn ra ở 2050”, anh Hùng Võ nêu suy nghĩ.

Marketer Hùng Võ cũng nhấn mạnh, giáo dục cần phải thay đổi, cần phải hỗ trợ những đứa trẻ sinh ra trong thời điểm này để phát triển tư duy, tâm hồn, cảm xúc và kỹ năng để có thể làm được bất kỳ một việc gì trong tương lai chứ không chỉ cụ thể một thứ.

Sáng tạo phải là bản chất và trung tâm của giáo dục

Chia sẻ về tầm quan trọng của sáng tạo, anh Vùng Võ cho rằng, sáng tạo phải là bản chất và trung tâm của giáo dục. Giáo dục phải tạo ra sự khác biệt, cá biệt hóa mỗi đứa trẻ để phát huy tối đa tiềm năng và cái đẹp của từng cá nhân.

Cụ thể, theo anh Hùng Võ, giáo dục sáng tạo trước tiên phải xây dựng cho những đứa trẻ có khả năng yêu thương, kết nối, sự thấu cảm và tính sáng tạo. Một nền giáo dục sáng tạo phải giúp trẻ đạt được niềm vui, hân hoan và chủ động trong sự sáng tạo riêng của mình.

Thứ hai, nền giáo dục sáng tạo cần phải giúp trẻ làm quen với nhiều hình thái sáng tạo khác nhau. Bên cạnh sự chủ động độc lập thì những đứa trẻ cũng cần phải hiểu được tầm quan trọng của sự kết nối, sự tác động qua lại của gia đình, bạn bè, cộng đồng, quốc gia, thế giới... đây cũng là cách nền giáo dục sẽ giúp cho trẻ học được sự kiên trì, kiên định, học cách vượt qua khó khăn, giải quyết khó khăn.

Giáo dục sáng tạo cũng phải giúp cho trẻ làm quen và chấp nhận một cuộc sống với sự bất định, sống với sự không chắc chắn để các em không ngần ngại với sự hỗn loạn. Các em có sự thích thú với sự thay đổi, sẵn sàng làm mới cái cũ và sáng tạo ra tương lai.

“Điều cuối cùng, giáo dục sáng tạo phải giúp cho trẻ hiểu và tôn trọng tính nhân văn, nhân sinh, tập trung vào cái cốt lõi của tình yêu, khả năng thấu cảm, sự trắc ẩn… đây là những yếu tố giúp cho con người có thể tồn tại và phát triển tốt trong một thời đại của trí tuệ nhân tạo”, anh Hùng Võ chia sẻ.

Christy Lê (Chủ tịch Arevo Việt Nam): Khi nói về hành trình sáng tạo, đầu tiên phải nói về sự tôn trọng suy nghĩ khác biệt và nó phải được bắt đầu từ lúc một đứa trẻ còn rất nhỏ. Những đứa trẻ cần có sự tôn trọng dù có thể những suy nghĩ của chúng không giống ai.

Giáo dục truyền thống thường chú trọng vào "câu trả lời". Dĩ nhiên "câu trả lời" là quan trọng nhưng cái còn quan trọng hơn là làm sao khuyến khích học sinh đặt một "câu hỏi" hay. Vì câu hỏi hay mới là cách mà các em đặt câu hỏi về thế giới, làm sao để mình có thể làm tốt hơn.

Thanh Bùi (Nhà sáng tập Tổ chức Giáo dục Embassy Education): Trong một xã hội thay đổi nhanh chóng, chúng ta phải dạy cho con cháu mình những kỹ năng mà các em có thể làm được nhiều thứ, được trang bị hết những kiến thức, tư duy... Một tương lai tốt hơn, xây dựng một thế hệ của tương lai thì cần phải ươm mầm ngay từ bây giờ.