Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm tuy nhiên không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.

Đây là lần đầu tiên việc quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên được đề xuất trong quy định cụ thể.

Dự thảo này được lấy ý kiến từ giữa tháng 3/2024 và những ngày qua có nhiều ý kiến với những lý do chủ yếu: sinh viên đã trưởng thành, có điểm học tập để "kiểm soát" vì việc "kiểm soát" sinh viên làm thêm sẽ rất khó khăn với các trường.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) ủng hộ đề xuất này. Thậm chí ông cho rằng, sinh viên làm thêm 20 tiếng/tuần đã là quá nhiều.

"Hiện tượng sinh viên đi làm thêm tới 6 giờ/ngày là một điều bất ổn bởi nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên là tích lũy kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Sau khi có đủ trình độ chuyên môn cơ bản kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp mới giúp sinh viên thành công trên con đường nghề nghiệp", GS.TS Chử Đức Trình nói.

Cũng theo GS.TS Chử Đức Trình, nếu sinh viên chưa tích lũy đủ kiến thức cơ bản trong trường học mà chọn cách tích lũy kinh nghiệm bằng cách đi làm sớm dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Cụ thể, bẫy thu nhập trung bình được ông Trình nhắc đến là hiện tượng sinh viên ham đi làm sớm với mức thu nhập chỉ 5-7 triệu/tháng nhưng không đủ điều kiện tốt nghiệp, không có bằng cấp.

GS.TS Chử Đức Trình cho biết, cách đây khoảng 20 năm, thị trường lao động Việt Nam chưa thực sự mở rộng, do đó các trường cố gắng gắn kết sinh viên với doanh nghiệp từ sớm, kể cả việc để sinh viên vào làm việc cho doanh nghiệp khi còn chưa tốt nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay, thị trường lao động Việt Nam yêu cầu nhân lực chất lượng cao, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nếu sinh viên đi làm khi đang đi học, chưa tốt nghiệp sẽ bỏ qua những kiến thức, kỹ năng cơ bản được đào tạo trong nhà trường.

Như vậy, sau này ra trường, các bạn sẽ khó đảm nhận được những công việc mang tính chất đổi mới sáng tạo, vì đổi mới sáng tạo chỉ có được khi các bạn có một nền tảng kiến thức, kỹ năng vững chắc, và các bạn chỉ có thể được trang bị điều này trong quá trình học tập tại trường.

Đề cập hiện tượng nhiều doanh nghiệp hiện nay tuyển dụng chính thức cả những sinh viên chưa tốt nghiệp, GS.TS Chử Đức Trình không ủng hộ xu hướng này.

"Doanh nghiệp không nên tuyển dụng sinh viên khi chưa tốt nghiệp đại học mà chỉ tiếp nhận thực tập, trải nghiệm nghề nghiệp. Nhiệm vụ chính của sinh viên khi đi thực tập là học văn hóa làm việc, tính kỷ luật lao động, định hướng làm việc chuyên nghiệp chứ không phải là vị trí làm việc chính thức", GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, sinh viên khi chưa tốt nghiệp thì phải "học cho ra học" và khi đã đi làm thì phải "làm cho ra làm". Đừng lặp lại hiện tượng đã tốt nghiệp, đi làm nhưng lại muốn quay trở lại nhà trường để học tập, lấp lại lỗ "hổng" kiến thức.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Công ty nền tảng công nghệ tuyển dụng Joboko, mong muốn được làm quen môi trường công sở là một nhu cầu có thực của nhiều sinh viên hiện nay. Tuy nhiên nhiệm vụ chính của sinh viên vẫn phải là học tập.

"Sinh viên đi làm thêm chỉ nên dừng ở việc làm quen với một số đầu việc mà sau này có thể sẽ làm từ đó điều chỉnh hoặc bổ sung kiến thức, định hướng học tập", ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.

Ông Phạm Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, nếu sinh viên chưa hoàn thiện kiến thức kỹ năng chuyên môn mà doanh nghiệp đã tuyển dụng thì có thể dẫn tới hệ lụy là con đường phát triển của cá nhân sinh viên bị ảnh hưởng. Còn phía doanh nghiệp thì những lao động đó cũng khó có thể tiến xa.