Ngày 12/7/2022, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với ĐHQGHN tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chủ trì hội thảo có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; đồng chí Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN; đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết.

Tham dự có các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án...

Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nằm trong chuỗi hội thảo, tọa đàm và là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Tại Hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết nêu: “Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn”.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, đại diện lãnh đạo các địa phương và các nhà khoa học tập trung thảo luận vào một số nội dung:

Đánh giá, làm rõ những thành tựu, kết quả đạt được cũng như chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường của toàn vùng và từng địa phương...

Phân tích, đánh giá bối cảnh, tình hình mới tác động đến từng lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực của vùng và từng địa phương trong vùng, đặc biệt là tác động của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống (dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu với cam kết NetZero 2050 tại COP26…), cuộc Cách mạng CN 4.0 với quá trình chuyển đổi số… đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước ta trong đó có vùng đồng bằng sông Hồng. Các yếu tố này vừa là thách thức nhưng cũng vừa là thời cơ cho đất nước ta nói chung và vùng chúng ta nói riêng để tạo đột phá cho phát triển nhanh, bền vững.

Ông Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu hội thảo đề xuất các quan điểm phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, KHCN, môi trường vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Đại học Quốc gia Hà Nội và vai trò nòng cốt thúc đẩy phát triển vùng ĐB sông Hồng

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho rằng, Gắn kết sứ mệnh của ĐHQGHN với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ĐHQGHN tiếp tục thể hiện trách nhiệm quốc gia trong việc tham gia chủ trì, thực hiện những chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn lớn, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của xã hội và đất nước.

ĐHQGHN đã triển khai đa dạng và hiệu quả hợp tác với các tỉnh tỉnh thành trong cả nước nói chung và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức; tham gia tư vấn chính sách cho TƯ và bộ ngành; góp ý, phản biện quy hoạch cho một số địa phương…

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, cần xây dựng ĐHQGHN và một số trường đại học công nghệ trở thành hạt nhân, nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống giáo dục, đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm đầu châu Á về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo phục vụ đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng và địa phương. Phát triển tiềm lực KH, CN&ĐMST của ĐHQGHN theo định hướng đổi mới sáng tạo gắn kết với nhu cầu thị trường; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội và quốc gia.

Phát triển nền kinh tế văn hóa phát huy tiềm lực vùng Đồng bằng sông Hồng

Khằng định đầu tư cho văn hóa, thể dục thể thao và du lịch là đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững của đất nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã chia sẻ tại Hội thảo về quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các giải pháp chính phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung vào các vấn đề chính gồm: huy động nguồn vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền, quảng bá; phát triển thị trường và sản phẩm du lịch; tổ chức quản lý; ứng dụng khoa học và công nghệ; bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường sức mạnh mềm.

Ông Võ Chí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng văn hóa, công nghệ, tài chính và môi trường là 4 trụ cột tạo nên sự phát triển. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Do đó, xây dựng được một nền kinh tế văn hóa phát huy tiềm lực, thế mạnh về văn hóa và công nghệ của vùng đồng bằng sông Hồng là hết sức quan trọng.

Những thách thức trong giai đoạn phát triển mới của vùng Đồng bằng sông Hồng

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, bên cạnh những thành tựu, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng chưa thật sự bền vững - chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng chưa có bước đột phá, phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu còn rộng, tri thức, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh thấp.

Cùng với đó, thị trường lao động phát triển chưa toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế, tỷ lệ việc làm phi chính thức còn cao; tồn tại nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết như độ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo về mức sống, tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa bàn còn cao. Các vấn đề này tiếp tục sẽ là những khó khăn, thách thức trong giai đoạn phát triển mới của Vùng…

Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và 11 năm thực hiện Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng nói chung và các địa phương nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh.

Do vậy, để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, trên cơ sở đó tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Để triển khai Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 11 địa phương trong vùng để thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch phục vụ nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết.