Sáng 22 tháng 11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Giáo dục thời đại đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024.

Tham dự buổi lễ có Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức cuộc thi; bà Đặng Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó trưởng Ban Giám khảo chung khảo cuộc thi và các đồng chí đại diện một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Bắc Giang cùng các tác giả có tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi.

Cuộc thi được tổ chức từ năm 2018, mục đích nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với thầy cô, mái trường.

Phát biểu tại lễ trao giải “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024", Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: Sau 2 tháng phát động, Cuộc thi đã đón nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo tác giả trên cả nước và nhiều tác phẩm chất lượng. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 85.000 bài dự thi. Với số lượng bài tham gia cho thấy cuộc thi đã có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của cuộc thi.

Một số địa phương, cơ sở giáo dục đã chủ động tổ chức cuộc thi cấp Trường/cấp Phòng/cấp Sở; tổ chức chấm và chọn những bài chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều cơ sở giáo dục có sự tham gia đông đủ của giáo viên và học sinh trong toàn Ngành, tiêu biểu là các Sở GD&ĐT: Bắc Giang, Quảng Trị, Hà Nội, Lào Cai, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Sơn La...

Năm nay, chất lượng các bài dự thi có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều bài viết rất tâm huyết, để lại cảm xúc sâu sắc. Có nhiều câu chuyện đẹp, xúc động về tình cảm yêu thương, trách nhiệm, sự kiên trì, tận tâm, thấu hiểu, ứng xử sư phạm khéo léo của người thầy với học trò; giúp học trò từ chán thành thích học, từ tự ti chuyển thành tự tin, từ người luôn nghĩ mình thất bại đã gặt hái được thành công…

Đặc biệt, xuất hiện nhiều hơn các bài dự thi viết về tập thể. Đây vốn là chủ đề khó viết hay, nhưng tác giả đã thành công với cách khai thác câu chuyện khéo léo trên nền chất liệu thực sự có chất lượng. Nội dung bài dự thi cũng gắn với những vấn đề thời sự, như biệt phái giáo viên, khó khăn do cơn bão Yagi…

Đó là câu chuyện của một học sinh Tiểu học nơi quê hương Mèo Vạc, Hà Giang - nơi đồng bào dân tộc Mông vẫn còn giữ tục lệ kéo vợ vào những ngày Tết. Cô Minh, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn phải lặn lội đến gia đình đã kéo vợ một học sinh của lớp cô chủ nhiệm để giải cứu học trò.... Đối với tác giả, cô như người mẹ thứ hai, là người truyền cảm hứng trong mỗi bài giảng và truyền dạy những bài học làm người.

Bùi Nguyễn Linh An khi phải đối mặt với căn bệnh ung thư máu cùng nỗi đau thể xác và tinh thần, cô Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP Kon Tum, đã đến bên động viên, quan tâm, giúp đỡ em và gia đình trong lúc khó khăn. Đó chính là nguồn sức mạnh vô hình nâng đỡ tinh thần Linh An trong những ngày tháng tối tăm nhất.

Hình ảnh thầy cô giáo được nhìn từ góc nhìn đa chiều, đa diện, song dù ở góc độ nào, trong các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh đẹp, độc đáo về các thầy, cô giáo. Nhiều học sinh đã trở thành thầy, cô giáo và hiện trực tiếp giảng dạy cộng hưởng từ chính thầy cô của mình…

Nguyễn Hoàng Thiên Kim, học sinh lớp 6B trường THCS Sơn Kim, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đến với cuộc thi vì muốn chia sẻ tình cảm em dành cho cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung của mình. Thiên Kim kể: "Con là học sinh viết chữ rất xấu, rất ghét môn văn nhưng cô giáo chủ nhiệm của em rất yêu thương em hàng ngày bắt em luyện chữ và kèm em học nên môn văn của em đã cái thiện rất nhiều. Em rất biết ơn cô và em hy vọng cô luôn mạnh khỏe và nghiêm khắc hơn để em có được những thành công hơn”.

Phạm Thị Ngọc Quý, học sinh lớp 12 A5 trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị cho biết: em rất bất ngờ khi mình được giải cuộc thi. Em viết về cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh Hải của mình, người truyền cảm hứng cho em học môn Địa lý. Với Ngọc Quý cô giáo như người mẹ thứ hai luôn động viên em học tập. Theo Quý người thầy truyền cảm hứng phải là người có đạo đức tốt, có tâm với học trò tận tụy hết mình với học trò như một người chờ đò đưa những học trò đến bến bờ thành công.

Cô giáo trẻ Nguyễn Ngọc Diệu, giáo viên bộ môn âm nhạc trường tiểu học Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre kể về cô giáo dạy cấp 2 của mình, người đã truyền cảm hứng cho cô đi theo nghề giáo. Niềm hạnh phúc của cô là được đứng trên bục giảng cũng giống như cô giáo cấp 2 của mình, cô giáo Trần Thị Kim Phượng. cô Phượng là giáo viên trường THCS Phúc Khánh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre người đạt rất nhiều giải thưởng. Cô Phượng đã phát hiện ra năng khiếu của Ngọc Diệu và hướng em đi theo con đường giáo viên âm nhạc. Không chỉ vậy, tình cảm sự tận tụy của cô giáo Kim Phượng đã truyền cho cô giáo trẻ Ngọc Diệu tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương với các lớp học trò. Với cô giáo Ngọc Diệu, yêu cầu ngày càng cao của chương trình giáo dục đòi hỏi người giáo viên phải nỗ lực cố gắng để trau đồi chuyên môn cập nhật những phương pháp dạy học tích cực cùng với cái tâm yêu nghề, yêu người và yêu trẻ, quan tâm đến từng đối tượng học sinh truyền cảm hứng để các em nhỏ yêu thích môn học của mình sẽ giúp các em có thêm niềm tin để các em nuôi dưỡng ước mơ.

Phát biểu tại lễ trao giải, bà Đặng Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó Trưởng ban Giám khảo Chung khảo cuộc thi cho biết, cuộc thi "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu" như một làn gió mát, cuộc thi ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút hàng triệu giáo viên và học sinh, sinh viên và những người ngoài ngành giáo dục trên mọi miền Tổ quốc tham gia”.

Những kỷ niệm mà họ mang đến cuộc thi là những tình cảm thấm đẫm tính nhân văn, tình thầy trò trân quý. Mỗi tác phẩm là một sắc thái tình cảm, một kỷ niệm sâu sắc, một dấu ấn cuộc đời của người học sinh gắn với những xúc cảm cao đẹp của tình thầy trò, khiến người đọc dường như được sống trong khoảng thời gian, không gian kỷ niệm của tác giả. Tất cả đã khắc họa nên bức tranh muôn màu sắc về những thầy cô giáo - tài năng, tâm huyết và hết lòng vì học trò, về mái trường thân yêu; những học sinh nỗ lực vượt qua khó khăn với sự dìu dắt của thầy cô, tình yêu thương của bạn bè để trưởng thành. "Điều đó khiến Ban giám khảo chúng tôi thực sự khó khăn khi chọn lựa những bài đạt giải, đặc biệt là những bài đã vào vòng chung kết"- Phó Trưởng ban Giám khảo Chung khảo cuộc thi chia sẻ.

Cũng theo bà Hoàng Anh, cuộc thi đã tạo sự kết nối tình cảm giữa thầy với trò, giữa nhà trường với học sinh ngày một bền chặt hơn; củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cùng chung tay giáo dục các thế hệ tương lai. Đây là cuộc thi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, rất cần được phát huy và duy trì hàng năm, là cách để gìn giữ, phát huy truyền thống ‘tôn sư trọng đạo’ tốt đẹp của dân tộc.


Ban giám khảo đã trao 10 giải Khuyến khích, 6 giải Ba, 4 giải Nhì, 2 giải Nhất, 2 giải tập thể và các giải thưởng phụ: Giải sáng tạo, giải phong cách, Giải truyền cảm hứng, giải ấn tượng và giải cho nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm cuộc thi.

Một số hình ảnh tại lễ trao giải :