Sáng nay trong lúc lướt mạng xã hội, đọc tin nhắn Zalo, thấy cô giáo chủ nhiệm báo tin trở thành thủ khoa khối A toàn quốc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Nguyễn Mạnh Thắng – HS Trường THPT Chuyên Bắc Giang xen lẫn niềm vui và bất ngờ.
“Dù đi thi về em đã tính ra điểm nhưng em không nghĩ mình sẽ trở thành thủ khoa vì có thể nhiều bạn còn được điểm cao hơn em”, Thắng kể sáng nay em cố tình dậy muộn để tra cứu điểm thi cho đỡ hồi hộp.
Thắng từng đạt giải Ba Kỳ thi HSG cụm các trường chuyên hồi lớp 10, giải khuyến khích kỳ thi HSG tỉnh môn Hóa năm lớp 12 nhưng trở thành thủ khoa Kỳ thi tốt nghiệp THPT có lẽ là thành tích cao nhất của em.
Thủ khoa khối A bất ngờ vì điểm trung bình Văn
Là học sinh chuyên Hóa nên dễ hiểu khi Toán, Lý, Hóa là những môn học thế mạnh của nam sinh Bắc Giang, với điểm tổng kết luôn trên 9.5. Trong 3 năm THPT Thắng luôn nằm trong tốp 5 của lớp ở các môn thế mạnh.
“Bí quyết của em là học trên lớp hiểu rồi nhưng quan trọng nhất là tự học, tự nghĩ, tìm thêm thông tin”. Ngoài học trên lớp, Thắng thường lên trên mạng tìm các khóa học, tìm bài tập từ trang web giải bài tập, tham gia các diễn đàn trên mạng để tìm kiếm các dạng bài tập khác nhau.
Trong khi giải bài tập, em cũng thường tìm xem vấn đề khúc mắc thường nằm chỗ nào, ghi ra vở để sau này không mắc lại nữa. Theo Thắng, hiện nay việc tìm tài liệu trên mạng dễ dàng hơn, nhanh hơn, bài tập cũng đa dạng hơn.
Thời gian học tập của Thắng khá điều độ và khoa học, sáng học trên lớp, chiều về tranh thủ chợp mắt rồi tự học. Em ít sa đà vào mạng xã hội khi học bài. Để rèn luyện thói quen tập trung này, theo Thắng phải kiên trì luyện tập 1-2 tuần đầu. “Ban đầu sẽ khó khăn, nhưng qua giai đoạn đó sẽ dần hình thành thói quen khó bỏ”.
Dẫu vậy, Thắng cũng tự cho phép mình có những ngày thảnh thơi. Vì Chủ nhật được nghỉ nên chiều thứ 7 Thắng sẽ cho phép mình tận hưởng giấc ngủ thoải mái. Chàng tiền đạo của lớp cũng ra sân vào thời gian cuối tuần để có tinh thần sảng khoái bắt đầu tuần học mới.
Điểm số thi tốt nghiệp THPT 2023 của Nguyễn Mạnh Thắng đều khá và giỏi, duy chỉ môn Ngữ Văn là đạt điểm trung bình 5.3 điểm. Điều này làm Thắng bất ngờ tương tự như chuyện em trở thành thủ khoa.
“Khi kết thúc bài thi Ngữ Văn, em nghĩ chắc mình được tầm trên 4.5 điểm vì bài viết của em không hay và trên lớp em cũng dành ít thời gian cho môn Ngữ Văn. Lúc đi thi em cũng chỉ viết theo cảm nghĩ của mình”.
E dè với tự luận
Không giấu được niềm vui khi HS của mình trở thành thủ khoa, cô Nguyễn Thị Hường – giáo viên môn Hóa học, đồng thời là cô giáo chủ nhiệm của Thắng chia sẻ, nam sinh Bắc Giang có tư chất thông minh, chăm chỉ và quyết tâm. Em cũng từng thủ khoa của trường trong các kỳ thi thử.
Ở lớp Thắng học tốt các môn Khoa học tự nhiên. Em được các thầy cô nhận xét có sự sáng tạo, đôi khi các câu trả lời của Thắng khiến giáo viên bất ngờ.
“Là trường chuyên nên quá trình ôn luyện HS giỏi tỉnh, chúng tôi thường ra cho các em những bài tập khó. Có lần 5 bạn lên bảng làm bài không ra kết quả. Đến lượt Thắng, em chỉ viết 2 dòng đã giải quyết được vấn đề”, cô Hường kể.
Đặc biệt, Thắng được thầy cô và bạn bè quý mến với tính cách hòa đồng, vui vẻ. “Lúc nào lớp học đang trầm bạn thường có câu nói thú vị để cả lớp phấn khởi, cả lớp đang làm bài tập khó, căng thẳng thì bạn sẽ nói có thế thôi mà, để em!”.
Mặc dù nhanh nhẹn, thông minh nhưng Thắng cũng có nhược điểm là chưa cẩn thận khi làm bài tự luận. “Vì vậy khi làm bài thi tự luận em thường thiệt thòi”, cô Hường nhận xét.
Nguyễn Mạnh Thắng cũng tự cảm thấy việc trình bày bài tự luận của mình đôi khi không được rõ ràng, em thường suy nghĩ cách giải trong đầu nên khi trình bày thì hay làm tắt nên các thầy cô khó hiểu, hơn nữa chữ nhỏ với xấu nữa”, Thắng nói.
Thắng nói mình cũng là người tham vọng, hay đặt mục tiêu trước các kỳ thi nhưng cũng không ít lần thất vọng trước kết quả nhận lại. Gần đây nhất, khi tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội Thắng được 104 điểm (Toán 46/50, đọc hiểu 29/50, khoa học 29/50).
Còn trong Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội em đạt 70,63/100 điểm.
“Điểm thi của các kỳ thi do ĐH tổ chức thấp nên em cũng buồn. Em đã làm hết sức mình nên nghĩ rằng điểm thi của mình có lẽ được cao hơn. Em thường mắc những lỗi sai đáng tiếc”, Thắng chia sẻ.
Với tổng điểm khối A1 29,35, em sẽ đặt nguyện vọng cao nhất ngành Kỹ thuật máy tính (IT2) của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Trước đó, Thắng cũng xét tuyển sớm vào Đại học Bách Khoa Hà Nội theo phương thức xét tuyển tài năng và đỗ vào ngành Cơ điện tử. Thắng khẳng định, lựa chọn cuối cùng của em sẽ là IT2.
Tự lập từ sớm
Thắng là con trai đầu trong gia đình có 2 anh em. Bố mẹ đều là công nhân may ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, mỗi ngày đều đi làm từ sáng sớm và kết thúc ca kíp lúc 6 rưỡi chiều. Về nhà còn tiếp tục chăn nuôi.
Với Thắng, bố mẹ vừa là người truyền cảm hứng nhưng cũng tạo áp lực để em cố gắng. “Bố mẹ cũng muốn em thi vào những trường điểm cao nên phải gắng sức học, bố mẹ đi làm vất vả nên em muốn em học tập đạt kết quả cao. Nhưng em nghĩ có áp lực mới thành công”.
Khi quyết định học Trường chuyên ở TP Bắc Giang, Thắng xác định xa nhà và chuyển vào ký túc xá của trường. 3 năm cấp III đã rèn cho em tính tự lập.
“Hồi đầu mới vào cấp 3 em cũng buồn nhưng lại được tiếp xúc bạn với bạn mới, lần đầu tiên trải nghiệm cuộc sống xa nhà vừa vui vừa nhớ”.
Xa nhà, Thắng cũng có thời gian “nổi loạn”. Năm lớp 11, nghĩ việc ôn thi ĐH thì lên lớp 12 vẫn còn kịp nên em gần như bỏ bê việc học. “Em dành thời gian để chơi nhưng em chơi hết cả năm học, thành tích rớt "thảm", tổng kết 8.6 dù cao nhưng so với lớp là thấp nhất.
Lúc đó em chủ yếu dành thời gian chơi điện tử, xem phim, ngủ, đá bóng. Cho đến hè năm lớp 11 lên 12 khi làm một số bài tập Hóa, em không biết làm, tự mình cảm thấy “sốc”, em mới bắt đầu lên lịch học như ôn thi, dần dần lấy lại được phong độ”.
Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, vì có “sở thích quốc dân” là ăn và ngủ nên Thắng dành thời gian nhiều để xem phim hoạt hình, trinh thám. Có khi thức tận 24h để xem phim. Có lúc em đã xóa app Neflix rồi nhưng cuối cùng vẫn tải lại.
Chuẩn bị bước vào ĐH, thời gian này Thắng học thêm một số kỹ năng sống, kiến thức phục vụ cho học tập trên ĐH. “Em học Kỹ năng giao tiếp, Tư duy phản biện vì nghĩ rằng lên ĐH sẽ nhiều thời gian phải làm việc nhóm, thuyết trình trên giảng đường rộng nên rèn cho mình sự tự tin, tài năng ăn nói lưu loát”.
"Dự định của em sẽ học thêm Tiếng Anh vì đây là môn học quan trọng, hơn nữa năm nhất kiến thức chưa nặng nên em muốn tranh thủ để học. Lên ĐH môi trường cạnh tranh gắt gao hơn nên mục tiêu của em là cố gắng hết sức và tham gia hoạt động CLB nhiều hơn"./.