Nội dung công điện nêu rõ, công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trong bối cảnh có sự sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, hơn 22 triệu trẻ em, học sinh trên cả nước đang chuẩn bị kết thúc năm học và bước vào kỳ nghỉ hè. Mặc dù các cấp, các ngành, các địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước, song vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập đáng lưu ý.
Trong đó, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương vẫn chưa được giải quyết triệt để, với khoảng 60.000 biên chế giáo viên được giao chưa tuyển dụng, trong khi đó, số lượng giáo viên mầm non, phổ thông công lập còn thiếu lên tới hơn 120.000 người. Bên cạnh đó, tình hình mất an toàn, tai nạn, đuối nước đối với trẻ em, học sinh vẫn diễn biến phức tạp, gây lo ngại trong dư luận.
Để đảm bảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra an toàn, nghiêm túc, gọn nhẹ và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, tuyệt đối không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến công tác tổ chức.
Các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trước đó của Thủ tướng về công tác tổ chức Kỳ thi, đảm bảo chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, giảm áp lực và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh.
Đặc biệt, các địa phương cần tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các điều kiện cần thiết, xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể để tổ chức Kỳ thi theo nguyên tắc "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả. Công tác kiểm tra các khâu, các bước, nhất là việc phân công trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, cần được tăng cường trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi.
Bộ GD-ĐT được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi, đảm bảo đầy đủ nhân lực và các điều kiện cần thiết. Bộ cũng phải kịp thời xử lý, tháo gỡ và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình triển khai.
Tuyển đủ biên chế, bảo đảm dạy 2 buổi/ngày
Liên quan đến đảm bảo biên chế và đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương, đảm bảo tuyển dụng hết số biên chế đã được giao. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu so với định mức quy định.
Đồng thời, Bộ cần nghiên cứu, có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày; không vì việc sắp xếp, tổ chức bộ máy mà để thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Bộ Nội vụ được giao trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai thực hiện rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ; tăng cường cử giáo viên biệt phái, dạy liên trường, liên cấp.
Các địa phương cần có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tuyển đúng, tuyển đủ giáo viên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, không để xảy ra tình trạng có biên chế mà không thực hiện tuyển dụng; ký hợp đồng giảng dạy để kịp thời bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu theo quy định.
Công điện cũng khuyến khích việc xem xét, ưu tiên tuyển dụng, ký hợp đồng theo thẩm quyền đối với những giáo viên đã có thời gian thực hiện hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nếu đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn và phù hợp với quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những nội dung vượt thẩm quyền, các địa phương chủ động báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền.
Công điện nêu thêm, tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông mới; Nghiên cứu có cơ chế, chính sách để thu hút giáo viên đến công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương.
Khuyến khích nghệ sĩ, vận động viên tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao
Về công tác nghỉ hè năm 2025 của trẻ em, học sinh, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp quản lý, giáo dục và tăng cường phối hợp giữa nhà trường với gia đình để tạo điều kiện cho các em vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, rèn luyện thể chất, kỹ năng sống trong dịp hè; đồng thời quản lý chặt chẽ, phòng ngừa tai nạn, thương tích, đuối nước cho các em.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức liên quan, phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể tạo môi trường để các em vui chơi lành mạnh, rèn luyện kỹ năng sống, tham gia các hoạt động ngoại ngữ, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, phát triển thể chất.
Các địa phương cần huy động, khuyến khích các nghệ sĩ, nghệ nhân, vận động viên, chuyên gia tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, phát triển năng khiếu; xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong cộng đồng, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, thu hút học sinh, sinh viên tham gia, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống và nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho các em về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, nhất là tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ, cần được đặc biệt chú trọng. Trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, nhà trường và gia đình trong việc đảm bảo an toàn cho các em trong thời gian nghỉ hè cần được làm rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức các câu lạc bộ để học sinh tham gia hoạt động thể chất, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, ngoại ngữ, nghệ thuật, và tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục.