Thu hút người học từ sự chuyển đổi trong đào tạo

“Ngành Thương mại điện tử nhà trường mở ra cách đây 6,7 năm đến bây giờ đúng xu hướng, lượng sinh viên theo học rất đông vì xã hội phát triển, vì chuyển đổi số mạnh mẽ”, bà Thu Hà - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch chia sẻ.

“Thay đổi để tồn tại, muốn tồn tại phải thay đổi” là điều bà Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch nhấn mạnh khi nói đến việc trường dám quyết liệt bỏ những ngành đào tạo thị trường lao động từ lâu đã bão hòa hoặc ít có nhu cầu và mở những mã ngành mới hoàn toàn với sự đầu tư bài bản, quy mô về nhân lực, vật lực.

Thời điểm mở mã ngành, thương mại điện tử vẫn còn khá mới mẻ, nhận thức của xã hội chưa hình dung về công việc mà ai cũng nghĩ mình có thể làm được khi trong tay có sẵn thiết bị di động và các nền tảng mạng xã hội đã có sẵn. Hiệu quả, chất lượng đào tạo, tuyển sinh chưa thực sự được như mong muốn buộc nhà trường tạm dừng đào tạo để cùng nhìn nhận và có những thay đổi từ nội dung đến phương thức đào tạo.

Trường đã mời chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực thương mại điện tử về giảng dạy. Việc mời chuyên gia có nghề trong lĩnh vực này cùng sự bùng nổ của mua bán online thời điểm đại dịch Covid-19 như cú huých mạnh khiến thương mại điện tử trở thành ngành hot của trường.

Tự lập tài chính từ trong ghế nhà trường

Đỗ Thị Hoàng Vân, lớp thương mại điện tử 13B thuộc lứa sinh viên được đào tạo theo phương thức mới hoàn toàn của Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Bạn trẻ này được xem như trường hợp khá đặc biệt khi bỏ đại học để quay sang học cao đẳng nghề. Sau năm học đầu tiên bậc đại học, Vân cảm giác mình đã chọn sai ngành, em dừng học để thi lại. Thiếu một chút may mắn về điểm số, không vào được ngành thương mại điện tử ở bậc đại học, Vân quyết định tìm ngành học tương tự nhưng ở Trường Cao đẳng nghề Thương mại và Du lịch Hà Nội.

“Quê em ở Yên Bái, anh chị em họ hàng toàn học đại học, bố mẹ em rất giận muốn cho nghỉ học vì tự dưng bỏ đại học để rồi đi học cao đẳng", Vân tâm sự.

Khi thực sự vào học Vân mới hiểu thương mại điện tử là lĩnh vực cực kì rộng lớn, đầy những lối rẽ, ngách đi nhỏ và chỉ cần chuyên tâm đi sâu cũng đủ để trở thành một phần việc đem lại thu nhập, thậm chí thu nhập cao.

Với sự nhanh nhạy trong quá trình học, cộng thêm hỗ trợ nhiệt thành từ giảng viên trong hướng dẫn theo kiểu thực làm ngay tại các buổi học, Vân đã ra doanh nghiệp làm thêm ngay từ năm thứ nhất. Vừa học vừa triển khai vào thực tế công việc, kĩ năng của Vân ngày càng tốt, thu nhập từ 7 triệu đồng ban đầu đã tăng lên 9 triệu đồng lương cứng. Tổng thu nhập mỗi tháng gồm cả doanh số, thưởng của bạn trẻ này đã ở mức 14-15 triệu đồng/tháng.

Trần Thị Thúy, lớp Thương mại điện tử 13 quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Việc chọn ngành học này hoàn toàn do em tự quyết bởi có giải thích thì bố mẹ Thúy cũng khó để hình dung được thực tế công việc.

Trong khi nhiều bạn của Thúy theo học đại học lựa chọn việc làm thêm như bưng bê ở quán café, dạy gia sư… thì em đi làm thêm ở doanh nghiệp ngành thương mại điện tử ngay từ năm thứ nhất. Thu nhập từ làm thêm cho phép em tự lập hoàn toàn, có thời điểm còn hỗ trợ thêm được bố mẹ ở quê.

Kể cả khi không tự liên hệ thì năm thứ 2 nhà trường cũng đưa sinh viên về doanh nghiệp vừa học vừa làm để có thêm thu nhập và quan trọng hơn cả là có kinh nghiệm thực tế, Thúy cho biết.

Thương mại điện tử không chỉ là bán hàng online

Thầy Hoàng Thành, giảng viên ngành Thương mại điện tử Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội khẳng định thực tế hiện nay bất kỳ ai cũng có thể mở một gian hàng “ảo” trên các nền tảng mạng xã hội trong điều kiện đường truyền internet tốt, thiết bị kết nối hiện đại mà không quá am hiểu kiến thức về thương mại điện tử.

Tuy nhiên theo thầy Thành, nếu bán hàng online ngắn hạn khoảng một vài năm sẽ không vấn đề gì. Nhưng chúng ta hãy nhìn rộng ra thương mại điện tử sẽ giúp tổ chức kinh doanh online dài hạn, giúp mình có được nền tảng về kiến thức kinh doanh, đặc biệt về marketing. Những kiến thức, kỹ năng nền tảng, cơ bản sẽ giúp phát triển bền vững, lâu dài.

"90% các bạn trẻ hợp với ngành này bởi các bạn có kỹ năng sử dụng các kênh Internet, đặc biệt là các kênh mạng xã hội, nhưng lại thiếu những kiến thức chuyên sâu về thương mại điện tử”, thầy Thành chia sẻ.

Thương mại điện tử có quá trình phát triển đi từ căn cốt của marketing, là một tổ hợp các hoạt động liên quan đến các yếu tố như sản phẩm, giá, phân phối, truyền thông... Đối với ngành thương mại điện tử hiện nay theo thầy Thành có thể chia thành hai cấp độ học.

Một là theo kiểu các cơ sở đào tạo bên ngoài. Ví dụ như hiện nay, các bạn có thể chọn những trung tâm đào tạo về Digital marketing. Tuy nhiên, với những khóa học này đòi hỏi những bạn trẻ phải có kỹ năng cũng như nền tảng cơ bản tốt rồi mới nên tham gia.

Hai là khóa học hay chương trình học trong các cơ sở đào tạo chính thống ở dạng học nghề hay nghiên cứu. Rất nhiều các trường cao đẳng nghề đang mở ngành đào tạo theo hướng 30% lý thuyết và ngay kỳ đầu đã cho sinh viên được thực hành. Để thực hành tốt, các bạn phải trang bị cho mình tư duy về công nghệ, về kỹ thuật. Sẽ không còn việc thầy giảng trò nghe, thay vào đó là hình thức cầm tay chỉ việc.

Công việc dành cho số đông người trẻ nhưng để đột phá trong lĩnh vực thương mại điện tử, các bạn trẻ có thể căn cứ vào tố chất của người làm marketing truyền thống. Có thể kể đến như việc bạn cần có chuyên môn, thái độ nghiêm túc với công việc, kĩ năng...

“Ví dụ, các bạn học thương mại điện tử thì đòi hỏi kỹ năng sử dụng các công cụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng tư vấn. Điều này cực kỳ cần thiết, không thể nói mình ngồi với cái máy tính máy tính, không gặp khách hàng thì sẽ không cần phải chăm sóc khách hàng. Chúng ta vẫn có thể gặp khách hàng trên các kênh mạng xã hội nên vẫn phải luyện kỹ năng chăm sóc hoặc giải đáp những thắc mắc của khách hàng”, thầy Thành nêu ví dụ về năng lực cần hình thành và rèn luyện với người làm thương mại điện tử.

Trong bối cảnh hiện tại, dù có nhiều thuận lợi về tốc độ phát triển nhưng thầy Thành cũng chỉ ra những nguy cơ các bạn trẻ nên lường trước khi học và làm trong lĩnh vực này.

Trước hết, trình độ công nghệ của các bạn trẻ dù đã tốt lên song khi đánh giá vẫn ở mức độ khá khiêm tốn. Người làm thương mại điện tử phải biết sử dụng phần mềm ứng dụng đúng việc.

Tiếp theo cần vượt qua rào cản về ngôn ngữ. Hiện nay, thương mại điện tử không biên giới, nếu chỉ sử dụng tiếng Việt sẽ khó tiếp cận khách hàng nước ngoài. Trau dồi khả năng ngoại ngữ tạo cơ hội cho bạn trẻ cơ hội tiếp cận nguồn hàng phong phú, khách hàng đa quốc gia.

Thứ ba, thị trường của Việt Nam rất khác biệt, thường chịu tác động bởi tâm lí đám đông khiến một mặt hàng này đang rất tốt bỗng nhiên bị giảm sút một cách rất nghiêm trọng. Trước diễn biến quá nhanh từ thị trường nhưng người làm thương mại điện tử vội vàng thay đổi sản phẩm ngay tức khắc thay vì tìm nguyên nhân để có giải pháp vực dậy cũng sẽ khiến khả năng thất bại hoàn toàn tăng lên.

Cùng với sự bùng nổ của giao dịch điện tử thay thế tiền mặt thì số lượng sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam mua trực tuyến tăng 50% so với năm 2020, trong khi số lượng nhà bán lẻ trực tuyến tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến tổng doanh số bán lẻ trực tuyến tăng gấp 1,5 lần.

Dự báo đến năm 2025, tổng doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử chiếm xấp xỉ 70% giá trị nền kinh tế số Việt Nam. Và với dự báo đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á thì nguồn nhân lực cho lĩnh vực kinh tế đầy triển vọng này thực sự đáng để các bạn trẻ quan tâm trên hành trình chọn nghề hướng nghiệp.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: