Ngày 9/11, phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh một số nội dung quan trọng khi góp ý xây dựng dự thảo luật.

Nhấn mạnh vị trí của công tác giáo dục, đào tạo có ý nghĩa chiến lược trong công tác cán bộ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, việc đầu tiên khi nhắc đến Giáo dục-Đào tạo là nhắc đến vị trí, vai trò của người thầy.

“Với định hướng của Đảng, chúng ta cần quán triệt sâu sắc vị trí của người thầy. Do vậy, xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định giờ phải quy định mà cần vươn lên tầm cao mới, xác định vai trò quan trọng của Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là người thầy - chủ thể chính của dự thảo luật”, Tổng Bí thư yêu cầu.

Với quan điểm này, Tổng Bí thư cho rằng dự thảo luật cần làm rõ và giải quyết thật tốt mối quan hệ tương quan giữa thầy và trò.

Tổng Bí thư cho biết, chính sách của chúng ta là phổ cập giáo dục theo từng cấp học, Nhà nước ban hành chính sách các cháu đến tuổi đi học là phải được đến trường (tiểu học và THCS).

Nếu tiến lên hơn nữa thì phổ cập giáo dục Nhà nước phải bỏ học phí, thậm chí là nuôi trẻ em đến tuổi đi học. Chính sách giáo dục tiến bộ đến mức độ như vậy thì không thể nói là thiếu thầy được.

Tổng Bí thư cho biết hiện để nắm số lượng các cháu đến trường mỗi năm tại từng địa phương là rất dễ dàng nhờ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho nên phải căn cứ vào đó để có phương án bố trí đủ giáo viên.

Một vấn đề khác cũng được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khi thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo đó là hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư đặt vấn đề, đất nước hội nhập, giáo dục đào tạo hội nhập thế nào, giáo viên hội nhập thế nào? Nếu không nói tới chuyện đó thì rất khó khăn. Vừa rồi, chúng ta tuyên bố phổ cập tiếng Anh trong giáo dục. Vậy thầy phải có trình độ tiếng Anh thế nào?

"Thầy không có tiếng Anh làm sao trò có tiếng Anh. Thầy giáo dạy Toán, Ngữ văn cũng cần có tiếng Anh, cần có ngoại ngữ. Khi coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 để hội nhập thì phải tính toán điều đó. Những chính sách, yêu cầu đó cần phải được thể hiện vào đây”, Tổng Bí thư lưu ý.

Luật Nhà giáo phải tạo cho thầy cô sự phấn khởi, được tôn vinh

Đặt vấn đề người thầy là một nhà khoa học, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, nhà giáo phải có chuyên môn rất sâu. Do vậy, mối quan hệ giữa thầy giáo - nhà khoa học như thế nào cần được thể hiện trong dự luật.

Bên cạnh đó, có sự kết nối giữa nhà giáo, nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp và Nhà nước. Khoa học là không dừng lại, tri thức cũng không dừng lại, đòi hỏi người thầy phải có tâm thế của nhà khoa học, chuyên môn rất sâu.

Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng khi xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, đội ngũ giáo viên đang chờ đợi rất nhiều. Do vậy, Luật Nhà giáo khi ban hành phải tạo cho thầy cô thực sự phấn khởi, thực sự được tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô...

"Đừng ban hành luật để thầy cô cảm thấy khó khăn hơn. Có người thầy tốt mới có trò. Thầy giáo là đầu tàu trong giáo dục. Tinh thần bao quát chung là như vậy", Tổng Bí thư yêu cầu.