Vừa qua, Việt Nam có hai thí sinh lọt vào tốp 10 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới (ACAWC). Bảng thành tích nổi bật này đã giúp đội tuyển Việt Nam tiếp tục ghi danh tại đấu trường quốc tế. Bùi Đình Duy, cựu sinh viên Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội là một trong 2 thí sinh đó.

Đặt mình vào vị trí trẻ con trong cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa

Dù đã chinh chiến tại các cuộc thi thiết kế đồ họa trong nước nhưng cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới thực sự là thử thách với Bùi Đình Duy.

“Đề thi bám sát thực tế nhu cầu của công ty. Nếu như ở kỳ thi 2020, đề yêu cầu làm truyền thông cho kỳ thi Toeic, rất dễ nắm bắt vì có hình ảnh con người, dễ tưởng tượng nhưng đề thi lần này là cánh tay robot cho người khuyết tật, nên phong cách mang tính trừu tượng hơn. Đối tượng hướng đến là trẻ em nên thiết kế phải có phần độc đáo và bắt mắt”.

Đề bài mới lạ, lại mang phong cách truyện tranh, gần như chưa từng thử nghiệm buộc Duy phải xoay sang phương án làm bài an toàn hơn. Phác thảo, tìm bố cục, màu sắc, chàng trai 22 tuổi đặt mình vào vị trí của các em nhỏ trong sân chơi quy tụ toàn các bậc anh tài trong làng đồ họa thế giới.

“Em đặt mình vào vai một em bé, thích siêu nhân, siêu anh hùng, chọn những màu sắc nổi bật, bắt mắt và tạo ra phong cách bùng nổ để truyền đạt thông điệp của mình”.

Bản lĩnh tại đấu trường quốc tế không chỉ nhờ những buổi ôn luyện trên ghế nhà trường mà còn là quá trình tự học – học từ các trang web, học từ các ngôi sao thiết kế đồ họa thế giới và học từ chính những lần thơ thẩn dạo quanh các trung tâm thương mại. "Mỗi lần đi ngoài phố, đi dạo trong trung tâm thương mại hoặc siêu thị, em cũng chịu khó cóp nhặt và nắm bắt được xu hướng, phong cách thiết kế", Duy kể.

Đạt được kỹ năng đỉnh cao nghề thiết kế đồ họa nhưng đam mê đầu tiên với Bùi Đình Duy lại là nghề thủ công mỹ nghệ, làm gốm, vẽ tranh. Hồi bé, em thường cùng gia đình đi vãn cảnh chùa. Mỗi lần như vậy lại bồi đắp trong em sự thích thú với kiến trúc đình chùa, hoa văn cổ tự và những bức phù điêu.

Tuy vậy, khi chọn ngành học thì Duy lại có cái nhìn thực tế hơn. Bởi hiện nay, doanh nghiệp nào cũng cần làm hình ảnh, nhân tài ngành thiết kế đồ họa sẽ có nhiều đất dụng võ. “Trong tương lai, em sẽ tìm tòi để có thể kết hợp để tạo ra một sản phẩm độc đáo giữa thiết kế đồ họa với thủ công mỹ nghệ. Nhưng, đó là con đường dài phía trước”, Duy chia sẻ.

Đứng lên từ thất bại ở tuổi 18

Ở tuổi 22, Duy điềm đạm và có chính kiến khi nói về nghề nghiệp mình theo đuổi. Vậy nhưng cách đây 4 năm, em từng mất định hướng nghề nghiệp và trượt cả 6 nguyện vọng đại học để rồi lựa chọn học nghề.

“Hồi đó, em đăng ký vào các trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội, Học viện Quản lý giáo dục, ĐH Công đoàn... Em chưa có định hướng, đăng ký bừa. Cuối cùng, đăng ký 6 nguyện vọng nhưng em trượt tất cả. ”, Duy kể.

Thất bại ở tuổi 18 là điều không dễ dàng để vượt qua, thế nhưng khi cánh cửa này khép lại thì một cánh cửa khác lại mở ra. Duy đã tìm được hướng đi với nghề thiết kế đồ họa.

Không chờ đợi cơ hội, từ năm thứ 2 ĐH, em đã xin làm việc ở xưởng in rồi cộng tác với công ty thiết kế đồ họa. “Em thích sự chủ động và không muốn ngồi quá lâu trên ghế nhà trường, muốn tìm những cái mới, tiếp xúc với những con người mới. Kiến thức trong trường và các công ty đan xen nhau. Học những điều cơ bản từ các thầy cô trong trường. Còn đi làm thực tế mình lại nắm bắt xu hướng của xã hội”.

Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội ấn tượng nhất về cậu học trò quê Nam Định ở khả năng tự học.

“Được nhà trường trang bị kỹ năng cơ bản nhưng Duy đã biết tự phát triển lên nhờ cần mẫn chịu khó học hỏi. Chuyên môn của bạn ấy là công nghệ thông tin nhưng lại có vốn ngoại ngữ tương đối tốt. Với những thí sinh đạt giải quốc tế, ngoài kỹ năng nghề thì khả năng đọc hiểu đề tiếng Anh và trình bày bài thi bằng ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc”.

Mặc dù đã đi làm nhưng Bùi Đình Duy vẫn thường xuyên trở về trường. Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021, Duy cùng các thầy cô giáo hỗ trợ các thí sinh khóa dưới đạt được những thành tích ấn tượng tại kỳ thi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội nhận xét “trông hiền lành và có phần nhút nhát nhưng ở Duy lại có niềm say mê với thiết kế đồ họa hơn hẳn các sinh viên khác.

“Xuất phát điểm của Duy không phải vượt trội nhưng ở em có sự cố gắng và quan trọng em thực sự đam mê và có mong muốn chinh phục các cuộc thi. Đó là lý do em liên tục vượt qua các thử thách ngày càng khó khăn hơn”.

Biết “hưởng thụ” công việc

Cựu sinh viên quê Nam Định trong mắt vị Phó khoa Công nghệ thông tin, Trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội cũng là bạn trẻ rất biết “hưởng thụ” công việc.

“Mặc dù với tay nghề hiện tại, Duy có thể kiếm được rất nhiều tiền nhưng cậu ấy không áp lực việc kiếm tiền. Ngược lại, bạn ấy rất “chill”, tức là kiếm tiền chỉ là một phần, ngoài ra bạn thích nghiên cứu và thử nghiệm với nghề đồ họa để tìm ra những thứ mới mẻ hơn.”

Bùi Đình Duy của hiện tại là một nhân viên thiết kế đồ họa với mức thu nhập cao nhưng cũng nhiều áp lực. Bởi, “mắt nhìn của nhà thiết kế khác với mắt nhìn của khách hàng. Khách hàng luôn yêu cầu sự trực quan, dễ hiểu còn người làm thiết kế thường nghiêng về tính nghệ thuật, ẩn dụ, thậm chí có phần khó hiểu. Mâu thuẫn với khách hàng về ý tưởng là chuyện mà nếu làm thiết kế đồ họa, bạn nào cũng từng gặp phải”.

Nếu thích kiến trúc có thể học đồ họa 3D, thích marketing, quảng cáo thì làm 2D, còn thích edit video thì đào sâu về xử lý hậu kỳ. Giỏi vẽ là lợi thế nhưng dù đi theo thiên hướng nào thì cẩn thận phải đặt lên trên hết. Chẳng hạn như sai chính tả là điều tối kỵ, bởi một sản phẩm thiết kế ra khi in ấn hàng loạt, chỉ cần “sai một ly là đi một dặm”.

“Có lần cộng tác với bên ngoài, thiết kế xong rồi nhưng để sai hệ màu, in hỏng hết, em phải lấy tiền đền gấp đôi”. Duy kể về một lần “đau ví” chỉ vì phút bất cẩn.

Giờ đây, sau vị trí tốp 10 Cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới, chàng trai bước ra từ trường nghề sẽ tiếp tục định hình phong cách cá nhân./.

Nghe Audio tại đây: