Trong một giai thoại kể rằng: trên đường kinh lý, vua Lê Thánh Tông gặp cảnh tại chùa làng sư cụ đang bận tụng kinh. Bỗng sư cụ đánh rơi chiếc quạt xuống đất. Vẫn tiếp tục tụng, sư cụ lấy tay ra hiệu cho chú tiểu cúi xuống nhặt, nhưng một vị quan tùy tòng của Lê Thánh Tông đã nhanh tay nhặt cho sư cụ. Vua Lê Thánh Tông trông thấy vậy, liền nghĩ ra một vế đối, trong bữa tiệc hôm đó đã thách các quan đối. "Ðường thượng tụng kinh sư sử sứ… (Nghĩa là: trên bục tụng kinh nhà sư lại sai được sứ giả".

Câu này chơi chữ ở chỗ là cùng một cái âm sư và chỉ thay đổi về thanh điệu, về dấu. Đấy là một vế đối rất khó.

Lương Thế Vinh lúc đó được nhà vua chỉ định là phải đối lại về đối này. Khi đó, ông giả vờ say rượu, nhờ người gọi vợ đến đón, dìu ông về. Khi vợ đến, thì ông mới ứng khẩu đọc ra một vế đối là “Đinh tiền túy tửu phụ phù phu”, tức là "trước sân say rượu, vợ dìu chồng".

Cụm từ "phụ phù phu" (vợ dìu chồng), đối rất chỉnh với "sư sử sứ" (sư sai khiến sứ giả).

Theo TS Đỗ Anh Vũ, trong câu này có cả hai đơn vị là phụ và phu, phụ có nghĩa là vợ và phu có nghĩa là chồng.

Tuy nhiên trong cụm từ "trọng phụ", thì chữ "phụ" lại mang nghĩa khác. Theo TS Đỗ Anh Vũ thì chữ phụ ở đây không được dùng để chỉ cho người đàn ông hay đàn bà như đã phân tích ở trên, mà là một động từ với nghĩa phụ trách, còn chữ trọng thì có nghĩa là nặng. Khi hai từ này kết hợp với nhau, thành cụm từ trọng phụ thì có nghĩa là chỉ việc là chịu trách nhiệm lớn, nặng nề, không phải được dùng để chỉ người.

Chữ phụ là một từ gốc Hán, có thể kết hợp với nhiều chữ khác để tạo nên những từ ghép rất thú vị. Trong tiếng Hán có rất nhiều chữ phụ khác nhau, cách viết khác nhau, nhưng đọc đều là âm "phụ".

Rất thú vị là hai chữ phụ được sử dụng nhiều nhất trong tiếng Việt, thì một chữ được sử dụng để chỉ về người đàn ông, một chữ lại dùng để chỉ về người đàn bà.

TS Đỗ Anh Vũ lấy ví dụ trường hợp chữ phụ sử dụng để chỉ người đàn ông là trong "quân, sư, phụ", trong đó quân là vua, sư là thầy, phụ là cha.

"Thúc phụ" là em ruột của cha, "bá phụ" là người anh ruột của cha (thúc là em, bá là anh), "kế phụ" thì giống như cha dượng, tức là người chồng thứ hai của mẹ. Từ phụ lão là để chỉ những người già nói chung thôi.

Còn từ "phu phụ" nghĩa là chồng vợ, phu là chồng và phụ là vợ. Chữ "phụ" ở đây lại chỉ người đàn bà.