Sau vòng sơ loại diễn ra trên quy mô toàn trường thu hút 1057 thí sinh đến từ 10 khoa, viện đào tạo, vòng thi truyền thông được xem như điểm nhấn của mùa thi lần thứ 12 cuộc thi "Olympic Tin học, tiếng Anh không chuyên" do Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức.
Vòng thi truyền thông yêu cầu thí sinh sáng tạo những video clip tiếng Anh với chủ đề “Hành trình Mở- Kết nối và Lan tỏa”, đăng tải và tạo bình chọn trên trên nền tảng mạng xã hội. Vòng thi này cũng giúp quảng bá, chuyển tải thông điệp cuộc thi rộng rãi hơn.
20 thí sinh vào vòng chung kết với hai phần thi với tên gọi: Đấu trí và Tỏa sáng được chọn từ 240 thí sinh tham gia đấu vòng loại trước đó.
Đấu trí thể hiện tinh thần đồng đội
10 thí sinh trong phần thi đấu trí chia theo khoa ngành học thành 5 đội mang tên: Tài chính-Ngân hàng; Công nghệ thông tin; Điện-Điện tử; Tạo dáng công nghiệp và Tiếng Trung Quốc với mục tiêu dành các giải tập thể.
Không khí hội trường diễn ra vòng chung kết nóng rực khi các thí sinh so tài. Các đội cùng lúc trả lời 20 câu hỏi nội dung tin học và 20 câu hỏi nội dung về tiếng Anh trong thời gian 30 giây cho mỗi câu gồm thời gian hiển thị câu hỏi, người dẫn chương trình đặt câu hỏi, thí sinh chọn đáp án.
Câu hỏi đan xen khéo léo kiến thức lịch sử, ngoại ngữ, khoa học và cả những thông tin sát sườn sinh viên như các phương châm đào tạo của Trường Đại học Mở Hà Nội theo đuổi từ những ngày đầu thành lập, sự phát triển các chuyên ngành đào tạo, giảng viên qua các thời kì... giúp các em phát huy kiến thức khoa học tổng hợp đồng thời cũng như một cơ hội đánh giá lại hiểu biết về chính ngôi trường mình lựa chọn và theo học.
Th.s Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn thanh niên trường Đại học Mở Hà Nội, Phó Trưởng ban tổ chức cho biết, từ rất sớm, nhà trường đã nhận thức tầm quan trọng của ngoại ngữ và tin học và cuộc thi Olympic Tin học- Tiếng Anh không chuyên đã được xây dựng và duy trì nhằm tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên. Thông qua đây, các em được áp dụng kiến thức xử lí những tình huống cụ thể, hình thành thêm những kĩ năng mềm như: ứng xử, kết nối, hùng biện…vốn rất cần thiết khi bước chân vào thị trường lao động.
Lê Thành Đạt, sinh viên khoa Tiếng Anh, lớp K28A01 lần thứ 2 tham gia cuộc thi Olympic Tin học, tiếng Anh không chuyên do nhà trường tổ chức. Ở mùa thi trước, cuộc thi tổ chức dưới hình thức online do đại dịch Covid-19, đội của Đạt đã giành giải Nhất toàn đoàn. Đó cũng là động lực để bạn trẻ này tiếp tục đặt quyết tâm thử sức với hình thức trực tiếp trên sân khấu trong mùa năm nay.
“Lần này, khi nhận được thông tin nhà trường thông báo rộng rãi, em muốn thử sức với các bạn khoa khác để tích lũy thêm kiến thức đồng thời thêm nhiều kinh nghiệm. Các phần thi năm nay được tăng số lượng người so với năm ngoái nên tính đồng đội, liên kết được thể hiện rõ nét. Làm việc nhóm, xử lí tình huống và tìm giải pháp nhanh chóng, đó là những kĩ năng bọn em có được sau mỗi vòng thi và sẽ còn giúp ích khi bước chân vào thị trường lao động”, Thành Đạt chia sẻ
Tiêu Ngọc Linh, sinh viên khoa Du lịch lần thứ 3 tham gia nhưng lần đầu tiên vào đến vòng chung kết. Với công việc liên quan đến ngành du lịch, khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt sự linh hoạt theo Linh sẽ "cực kì cần thiết". Tham gia vòng thi cuối cùng của giải Olympic Tin học, Tiếng Anh của nhà trường giúp những sinh viên du lịch như Linh trau dồi kĩ năng thông qua quá trình chuẩn bị, tập dượt dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè trong khoa và những lần xuất hiện trên sân khấu qua các vòng thi đấu.
“Em tin rằng bước ra từ cuộc thi, khả năng bình tĩnh chia sẻ một vấn đề gì đó lại không phải bằng tiếng mẹ đẻ để truyền đạt thông điệp tới người nghe của em sẽ tiến bộ lên nhiều. Và đó là yêu cầu quan trọng để thành công với các mảng khác nhau trong lĩnh vực du lịch em sẽ theo đuổi trong tương lai gần”.
Theo TS.Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, năm nay, việc các thí sinh vòng chung kết bốc thăm ngẫu nhiên để lập thành đội thi nhằm mục tiêu xây dựng khả năng kết nối cùng tư duy phản biện cho sinh viên.
“Các bạn khi lọt vào vòng chung kết đều là những cá nhân xuất sắc. Nhưng nếu chỉ xuất sắc mang tính cá nhân mà không có kĩ năng làm việc tập thể, không biết trao đổi và giao lưu, thì tài năng vẫn chỉ dừng ở mức độ nhỏ bé, không đủ sức lan xa, tỏa rộng. Chúng tôi nhìn thấy sự tự tin của các bạn và điều ban tổ chức gửi tới các thí sinh, sinh viên nhà trường một điều: Cuộc sống, sự cạnh tranh là cần thiết. Ở vòng tỏa sáng có sự đối kháng đòi hỏi các bạn một tư duy độc lập, tự phản biện trước các vấn đề xảy ra hằng ngày, hằng giờ trong xã hội”.
Phần thi Tỏa sáng (tranh biện bằng tiếng Anh) với 10 thí sinh được coi như nội dung mới nhất, đặc sắc nhất của mùa thi năm nay và cũng tạo nên sự bùng nổ trong dấu ấn cá nhân. Thí sinh có một ngày để chuẩn bị nội dung tranh biện, phương thức trình bày, các slide minh họa... Những chủ đề tranh biện được đặt ra gần gũi với giới trẻ nói chung, sinh viên nói riêng như: Mạng xã hội đem mọi người đến gần nhau?; Sinh viên nên/hay không nên đi làm thêm?.... Đồng thời mỗi chủ đề đều mở ra góc nhìn nhiều chiều, cho phép thí sinh đi ngược đám đông, miễn đủ căn cứ, bằng chứng cũng như khả năng hùng biện nhằm bảo vệ được quan điểm cá nhân.
Không chỉ tranh luận, phản bác, bảo vệ quan điểm giữa các cá nhân, các thí sinh còn phải đối diện với những câu hỏi, tình huống khó ban giám khảo bất ngờ đặt ra. Thí sinh vừa phải nắm bắt nội dung câu hỏi, tìm phương án trả lời trong khoảng thời gian ngắn nhất.
“Riêng ở phần thi tỏa sáng, các bạn sinh viên thể hiện năng lực nghe nói tiếng Anh rất tốt, cùng với đó còn có sự linh hoạt, thông minh trong phương án trả lời nhằm thuyết phục đối phương cũng như ban giám khảo", cô Nguyễn Hoàng Phương Linh, giảng viên khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ.
Th.s Đinh Tuấn Long, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Học liệu, Đại học Mở Hà Nội, thành viên ban giám khảo cho rằng, việc thay đổi trong thể thức thi đấu dẫn tới những thay đổi của thí sinh. Cụ thể, thay vì việc chuẩn bị nội dung kiến thức, trả bài ở dạng ghi nhớ như trước đây, các đội thi cần vận dụng trong đánh giá, bình luận, phản biện…cùng đó cần tốc độ phản xạ linh hoạt mới hi vọng giành phần thắng ở vòng chung kết. Với chủ đề đa dạng, có tính nhiều chiều, thí sinh đưa được những luận cứ, luận chứng nhằm bảo về quan điểm đáng được xem như bước tiến vượt bậc cho quá trình từ nhận thức đến ứng dụng cho các tình huống thực tế của sinh viên nhà trường.
Kết quả chung cuộc được trao cho các đội thi, các cá nhân gồm:
*Toàn Đoàn
1. Giải nhất: Khoa Du lịch
2. Giải Nhì: Khoa Tiếng Anh
3. Giải Ba: Khoa Công nghệ Thông tin
4. Giải khuyến khích:
- Khoa Tài chính Ngân hàng
- Kinh tế, Luật
- Tiếng Trung Quốc
- Tạo dáng Công nghiệp
- Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm
- Khoa Điện- Điện tử
*Cá nhân
1. Giải Nhất
Tiếng Anh: Vũ Lương Kiệt - Khoa Du Lịch
Tin học: Đỗ Đào Linh – Khoa Du lịch
2. Giải Nhì:
Tiếng Anh: Đỗ Minh Quang – Khoa Du Lịch
Tin học: Hoàng Thị Thanh Mai – Khoa Kinh tế
3. Giải Ba
Tiếng Anh: Lê Thành Đạt và Nguyễn Trung Hiếu – Khoa Tiếng Anh
Tin học:
- Phạm Thị Thảo – Du Lịch
- Nguyễn Hữu Đức – Khoa Tài chính Ngân hàng
4. Giải Khuyến khích:
Tiếng Anh:
- Nguyễn Trung Thành, Vũ Minh Đức và Đỗ Tuấn Trung – Khoa Tiếng Anh
- Cao Hải Anh – Tạo dáng Công nghiệp
- Tiêu Ngọc Linh – Khoa Du lịch
- Trần Kim Quang Vinh – Khoa Công nghệ Thông tin
Tin học:
- Đặng Trần Minh Trung – Khoa Điện- Điện tử
- Dương Trung Nguyên – Khoa Kinh tế
- Vũ Việt Anh – Khoa Công nghệ Thông tin
- Bùi Thị Ngọ - Khoa Tiếng Trung Quốc
- Nguyễn Vũ Ngọc Hà – Khoa Luật
- Vũ Thị Thu Thuỷ - Khoa Tài chính Ngân hàng.
*Giải Video được yêu thích nhất: Khoa Tài Chính Ngân Hàng.
Đặc biệt là giấy khen của Hiệu trưởng dành cho 01 tập thể và 02 cá nhân dành giải nhất của cuộc thi (Đoàn Khoa Du lịch, SV Vũ Lương Kiệt và SV Đỗ Đào Linh - Khoa Du Lịch)
Mời các bạn xem chùm ảnh trao giải: