Học online là xu thế tất yếu với nhiều ưu điểm như sự chủ động, linh động, đặc biệt phù hợp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không kiểm soát tổng thời gian tiếp cận với màn hình trong 1 ngày của con, trẻ có thể gặp các vấn đề tổn thương về sức khỏe tâm thần bao gồm cảm giác bất an, không có khả năng tập trung, lo âu, trầm cảm, thay đổi về mặt giấc ngủ cũng như thay đổi về mặt cảm xúc.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng Khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trẻ có thể đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nếu có các biểu hiện sau: ăn ngủ không đúng theo nhịp sinh học hàng ngày; cảm giác mất năng lượng dù không làm bất cứ việc gì nặng nề, thậm chí sau giấc ngủ; những hoạt động trước đây trẻ vẫn thích, giờ trẻ không thích nữa và dường như thu rút, né tránh những tương tác xã hội.

Nếu những biểu hiện trẻ gặp phải ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì sự tổn thương đã đến mức đáng kể và lúc đó phụ huynh cần phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người làm công tác chuyên môn.

Ngoài ra, việc tiếp xúc với màn hình máy tính cũng có thể khiến trẻ gặp 1 số nguy cơ mất an toàn ở trên không gian mạng, bao gồm cả những tương tác không có lợi, tiếp cận với những tài liệu mang tính chất bạo lực hoặc không phù hợp với độ tuổi của các con.

Việc kiểm soát cảm xúc của bố mẹ trong quá trình dạy con học cũng là một nguy cơ dẫn đến mất an toàn đối với các con. "Bố mẹ đang stress quá, bố mẹ chưa có kỹ năng học cùng con, chưa có kỹ năng kiểm soát cảm xúc cho nên có nhiều bố mẹ quát mắng con và làm đứa trẻ không thể học được; hoặc là bố mẹ né tránh luôn tức là bỏ mặc con, không đồng hành với con trong quá trình học nữa cũng gây ra nguy cơ tụt hậu cho những đứa trẻ."- PGS Trần Thành Nam phân tích.

Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ trên không gian mạng và học tập trực tuyến, bố mẹ cần quy hoạch lại tổng thời gian mà con tiếp cận với màn hình trong 1 ngày. Phải yêu cầu các con thời gian nghỉ thì phải nghỉ, phải rời màn hình và có hoạt động thể chất xen kẽ trong thời gian học tập.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần trang bị cho con những kiến thức về an toàn trên không gian mạng, kể cả những nguy cơ liên quan đến bắt nạt, đến virus máy tính, nguy cơ về lộ lọt thông tin và mất cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo.

Bản thân các bậc cha mẹ cũng phải rèn kỹ năng làm cha mẹ tích cực để có thể đồng hành được với con. Rèn khả năng kiểm soát cảm xúc của chính bản thân mình, sau đó giúp con cân bằng cảm xúc mà có thể con đang gặp phải như những sang chấn, ấm ức, hoặc sự khó chịu khi tham gia giờ học trực tuyến.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, những trẻ từ 10 tuổi trở xuống trong 1 ngày nên chỉ tương tác với màn hình 2 tiếng đồng hồ. Từ 10 tuổi trở lên cho đến 16 tuổi không quá 6 tiếng đồng hồ. Lý do là vì sau 6 tiếng sử dụng máy tính, điện thoại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của trẻ một cách đáng kể.

"Việc trang bị cho con trẻ kiến thức về an toàn điện khi học trực tuyến là điều vô cùng cần thiết. Các bậc phụ huynh cần giải thích được cho trẻ nguy cơ điện giật và thường xuyên nhắc nhở các con về những cách phòng tránh điện giật. Tất cả các dây điện phải được đi ngầm ở trong tường, đi bên ngoài tường cần có vỏ bọc hoặc những thiết bị bảo vệ an toàn cho đường dây điện. Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra các đường dây điện." - BS Nguyễn Văn Công, Giám đốc Tổ chức Giáo dục sức khoẻ Wellbeing

"Khi điện thoại ở ngưỡng pin yếu, đã có cảnh báo màn hình dưới 20% hoặc 10%, lúc đó điện thoại bắt buộc phải nghỉ, dừng lại để sạc điện cho dòng điện đủ dung lượng. Điện thoại rơi xuống nước, bị biến dạng hay bị cong vênh các bạn phải đi kiểm tra ngay bởi vì nó không còn an toàn, có thể gây ra cháy nổ, cực kỳ nguy hiểm." - anh Bùi Đình Tiệp, chuyên viên kỹ thuật của Trung tâm Sửa chữa ĐT 24h

Mời các bạn nghe thêm những tư vấn của PGS.TS Trần Thành Nam và các chuyên gia về an toàn khi trẻ học online tại đây: