Cô giáo: Hôm nay chúng mình sẽ học kỹ năng mềm...Chúng ta đi vào tai nạn bỏng. Nguyên nhân nào dẫn đến bị bỏng?

Các em học sinh: Chạm vào lửa, bếp lửa, nước sôi...

Một buổi học kỹ năng sống tại Trung tâm Sao Mai, các em học sinh chăm chú, dõi theo từng hình ảnh trình chiếu trên màn hình máy tính. Cách cô giáo giảng dạy cũng thật chậm rãi, rõ ràng.

Cô Nguyễn Ngọc Mai, giáo viên dạy kỹ năng sống tại Trung tâm Sao Mai cho biết, cô dạy trẻ những kỹ năng như tự phục vụ bản thân, chăm sóc bản thân, giúp đỡ gia đình một số việc đơn giản như quét nhà, lau nhà, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo,... và một số cách xử lý tình huống khi các bạn đi ra ngoài đường, nơi công cộng, làm thế nào để được an toàn.

Giáo trình để dạy cho các bạn trẻ ở đây chủ yếu bằng hình ảnh, bằng trực quan, bằng thẻ chữ. Thậm chí mỗi bạn được áp dụng một cách dạy riêng vì điều này phụ thuộc vào khả năng của từng em, tập trung vào những kỹ năng còn đang bị hạn chế.

“Mục tiêu lớn nhất của lớp kỹ năng sống đó là sau này các bạn có thể tự phục vụ bản thân, tự ra ngoài xã hội được. Còn những bạn nào mà ở mức trung bình thì các bạn đấy có thể tự ở nhà làm việc giúp bố mẹ, đấy là một mục tiêu thấp hơn. Còn những bạn nào mà năng lực kém hơn nữa thì các bạn chỉ là biết chăm sóc bản thân của mình là được rồi”, cô Ngọc Mai chia sẻ.

Bên cạnh giáo dục kỹ năng sống, Trung tâm Sao Mai còn hướng tới mô hình tiền hướng nghề. Mỗi tuần, các em học sinh được thực hành làm bánh và học pha chế từ 2-3 buổi.

“Bánh thì làm các loại bánh bông lan, bánh cookies bơ. Còn pha chế học về cà phê phin, cà phê sữa và bạc xỉu. Em thích làm pha chế nhất. Em cũng có tự pha tự làm, thấy sản phẩm làm ra ngon và đẹp mắt. Học như này em mong muốn có một cửa hàng cà phê riêng của mình. Em sẽ kết hợp bán bánh luôn kiểu quán cà phê bánh như vậy sẽ dễ hơn”, em Nguyễn Đức Tú chia sẻ ước mơ của mình.

Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên dạy kỹ năng nghề về bộ môn pha chế chia sẻ, khi bước chân vào nghề, nhìn thấy các em học sinh với nhiều hoàn cảnh khác nhau, cô thấy các con rất thiệt thòi. “Mang những gì đã học để truyền đạt cho học sinh để các em có thể tự phục vụ bản thân và có thể giúp được một phần nhỏ cho xã hội”, đây là mong ước lớn nhất của cô Thu Hà.

Lớp học tiền hướng nghề với học sinh là những thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 30. Dù trong hình hài của những thanh niên khỏe mạnh nhưng tâm hồn của các em vẫn như trẻ thơ. Cô giáo phải linh hoạt, vừa dạy vừa dỗ, vừa nịnh vừa "rắn" với các con là việc bình thường.

Những tiến bộ dần theo năm tháng, thậm chí nhiều em còn có thể kiếm được tiền bằng chính sức lao động của mình. Những quả ngọt hái được tiếp thêm sức mạnh và động lực cho các giáo viên nơi đây.

Nhiều học sinh tìm đến với Trung tâm Sao Mai khi khó hòa nhập với môi trường giáo dục bên ngoài. Ngọc Dũng là một học sinh như thế. Khi con được 20 tháng tuổi, bệnh viện chẩn đoán con bị tự kỷ. Gia đình đã cho bé chữa trị khắp nơi từ mời bác sỹ đến nhà, can thiệp 1-1, châm cứu...nhưng con vẫn phải dừng việc học khi vào lớp 4.

Học tập tại Trung tâm Sao Mai đến nay đã được 8 năm, Ngọc Dũng có sự thay đổi khác hẳn theo nhận xét của chị Hương Giang mẹ em. “Rất yên tâm bởi vì con được học các kỹ năng sống rất là tốt và con cũng biết được sự an toàn từ việc cá nhân cho đến ra bên ngoài cộng đồng. Con cũng hiểu được lễ phép, lẽ phải. Nói chung rất yên tâm và đặc biệt quan trọng là con rất thích, thích được đi học, thích được đến trường. Đấy là cái mà mình cảm thấy vui và hài lòng nhất”, chị Giang chia sẻ.

Bác sỹ Đỗ Thúy Lan, bác sỹ chuyên khoa 2 về tâm thần, Giám đốc của Trung tâm Sao Mai cho biết, thanh thiếu niên tự kỷ nói riêng và các trẻ em bị tự kỷ nói chung gặp rất nhiều khó khăn, chậm phát triển về mặt ngôn ngữ, khó khăn về vấn đề giao tiếp, tư duy trừu tượng không có và khó khăn về học tập. Vì vậy, chỉ được dạy dỗ các kỹ năng sống mới giúp các em có thể sống hòa nhập trong gia đình và cộng đồng.

Trung tâm Sao Mai có rất nhiều chương trình dạy trẻ tự kỷ giúp cho trẻ có thể sống độc lập ở mức độ nào đấy. Chương trình đào tạo có cả học về văn hóa nhưng là văn hóa phục vụ cho cuộc sống. Ví dụ học Toán, các em không học nhân chia hay đại số hình học mà các em học cách tính toán khi sử dụng đồng tiền.

“Giúp các em tự kỷ trở nên sống độc lập hơn. không là gánh nặng cho gia đình. Đấy là mục tiêu Trung tâm Sao Mai hướng đến”, bác sỹ Thúy Lan khẳng định

Gần gũi, nhẹ nhàng, chia sẻ, động viên, các cô giáo với công việc trợ giúp xã hội như người “mẹ hiền” thứ 2 của trẻ tự kỷ, đang ngày ngày nỗ lực để giúp các con có một ngày mai tự lập, hòa nhập cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn.

Nghe thêm những chia sẻ của cô, trò Trung tâm Sao Mai tại đây: