Từ năm 2025 trở đi, Trường Đại học Nha Trang dự kiến 3 phương án xét tuyển: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội của năm xét tuyển; Xét điểm tổ hợp các môn xét tuyển.

Phương thức xét tuyển tổ hợp các môn sẽ bao gồm điểm tổ hợp các môn học ở cấp THPT (hay còn gọi là điểm học bạ) và điểm tổ hợp các môn thi tốt nghiệp THPT nếu Bộ GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện tại.

Trong đó, việc xác định tổ hợp môn xét tuyển sẽ sử dụng tổ hợp từ 4-5 môn thay vì 3 môn như hiện nay. Trong đó các môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh là 3 môn bắt buộc phải có trong tổ hợp.

TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang cho biết, trong tất cả tổ hợp hay phương thức xét tuyển đều quan tâm 3 môn cốt lõi Toán, Văn, Ngoại ngữ vì đây là 3 môn nền tảng cơ bản trang bị các em học đại học. Ngoài ra, tùy theo nhóm lĩnh vực ngành nghề sẽ có định hướng một số các môn học, ví dụ một số môn kỹ thuật phải biết thêm cả môn Lý, môn Hóa. Nhóm ngành công nghệ thì phải biết thêm Lý, Hóa, Sinh học. Do vậy, tổ hợp lên đến 5 môn sẽ đánh giá toàn diện hơn tổ hợp 3 môn. Xét tuyển vào một số ngành nghề sẽ quan tâm xây dựng rõ môn nào là cốt lõi, thậm chí có thể nhân điểm hệ số 2 môn đó.

Trao đổi với phóng viên VOV2, TS Tô Văn Phương khẳng định, năm 2025, lứa học sinh đầu tiên sẽ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xét tuyển vào đại học. Vì vậy việc công bố phương hướng tuyển sinh từ sớm là trách nhiệm xã hội của nhà trường, giúp học sinh có định hướng học tập.

"Nếu các trường không có công bố phương hướng sớm các em sẽ học lệch. Nhà trường mong muốn làm sao khi các em học chương trình GDPT mới biết được muốn đăng ký một ngành nào đó thì cần trang bị kiến thức gì, tránh bị hổng kiến thức và không xét tuyển được sau này, để các em định hướng việc học phổ thông toàn diện và cũng kỳ vọng tuyển được những em có năng lực thực sự vào ngành phù hợp năng lực, sở thích, định hướng nghề nghiệp", TS Tô Văn Phương phân tích.