Khi ai cũng muốn “thắng”
Khi trở thành sinh viên năm nhất, Bình An - trường Đại học Công đoàn đã rất sốc trước những căng thẳng thường xuyên xảy ra khi phải thực hiện nhiệm vụ teamwork. Nguyên nhân của những khủng hoảng đó là “ai cũng muốn thắng, ai cũng muốn bảo vệ ý kiến của riêng mình. Có một số cá nhân không được theo như đề tài mà mình mong muốn nên thái độ làm việc rất hời hợt.
Khi mang tâm lý “thắng và thua”, có người vui ắt có người buồn, theo Bình An điều này ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ bạn bè.
Còn với Phương Anh, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, đáng lẽ ra em đã mãi có một tình bạn đẹp với một người bạn mà em kết thân ngay từ những ngày đầu vào cấp 3. Lúc đó hai đứa khá hợp nhau và đều là học sinh xuất sắc thuộc hàng top lớp. Nhưng mọi sự đã thay đổi khi có những cuộc thi diễn ra và không ít lần người bạn đó xếp sau Phương Anh nhưng lại không chấp nhận ở vị trí “thua”.
“Em nghĩ chúng ta cần phải thay đổi nó để chúng ta có những tình bạn thật sự là đẹp, tình bạn chân chính và luôn luôn hòa nhập được với mọi người và có niềm vui thực sự trong cuộc sống”, Phương Anh chia sẻ.
Không chấp nhận mình là người thất bại, luôn luôn phải thắng - tư duy đó đã khiến cho nhiều mối quan hệ, nhiều tình bạn trở nên xấu đi.
Dẹp cái “tôi” lại để xây dựng “tư duy cùng thắng” một cách văn minh
Là giảng viên giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Trần Thu Hương cho biết, làm việc nhóm hay các buổi thảo luận chung là hoạt động thường xuyên của sinh viên đại học. Thực tế, nhiều bạn có xu hướng lấn át các bạn khác. Đó thường là những bạn rất cầu toàn, tự tin vào năng lực của bản thân và ít có niềm tin với người khác. Đây là một trong ví dụ điển hình của việc các bạn trẻ đang thiếu “tư duy cùng thắng” hay còn gọi là win – win để đàm phán, thương lượng và thuyết phục để làm sao đôi bên cùng có lợi.
“Tư duy cùng thắng” được thể hiện khi chúng ta ở trong mối quan hệ với người khác. Tư duy này mang đến cho đối phương cảm giác được tôn trọng, được thấu hiểu và mang lại một bầu không khí tâm lý an toàn. Khi tạo dựng được điều này, quan hệ tốt giữa hai bên sẽ dễ dàng đạt được và tất cả đều thấy rằng mình “được” trong mối quan hệ này.
Không chỉ trong làm việc nhóm, chúng ta có thể nhìn rộng hơn là trong mối quan hệ với đối tác hay kể cả là đối thủ cạnh tranh. Chính sự khiêm nhường của bạn, sự biết lắng nghe, biết dành thời gian để cho người khác chia sẻ mong muốn và nguyện vọng của họ, bạn đã tạo dựng cho mình được “tư duy cùng thắng”.
“Tư duy cùng thắng” không chỉ giúp giữ gìn hòa khí của một mối quan hệ mà còn khiến cho hiệu quả công việc tốt hơn. Tuy vậy, để có thể xây dựng tư duy này không phải là điều dễ dàng vì hầu như ai cũng có trong lòng một chút ích kỷ. Theo TS Trần Thu Hương, để làm được điều này, mỗi người chúng ta cần dẹp cái “tôi” của mình xuống. Chúng ta không sợ sự cạnh tranh, không sợ xung đột trong quá trình làm việc chung bởi vì có cạnh trạnh, có xung đột, có sự bất đồng quan điểm thì mới có thể thấu hiểu nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải có giải pháp phù hợp để giải quyết sự xung đột, sự cạnh tranh đấy theo cách cả tôi và anh đều “được”.
Bên cạnh đó, các bạn hãy luôn nhớ rằng, mỗi chúng ta không thể tách biệt khỏi các mối quan hệ xã hội. Khi bạn nhận thức rõ được vai trò của các mối quan hệ xung quanh, bạn sẽ có ý thức để phát triển và giữ gìn nó. “Chỉ khi bạn có ý thức giữ gìn và phát triển mối quan hệ ấy thì bạn mới có thể tiệm cận được cái gọi là “tư duy cùng thắng” hay là win-win”
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Khi chúng ta hướng đến “tư duy cùng thắng”, bạn sẽ tự có được thái độ và hành động phù hợp.
“Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình.” Tư duy cùng thắng – một trong 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt. Hãy rèn luyện từ sớm, thành quả mang lại có thể sẽ khiến bạn phải bất ngờ.
Cùng rèn luyện "tư duy cùng thắng" với những chia sẻ của TS Trần Thu Hương: