Tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 6/10 vừa qua, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh PGS.TS Vũ Hải Quân đã chính thức công bố: Từ năm 2025, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sử dụng ba phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực và xét tuyển bằng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT.

Như vậy phương thức được giảm bớt so với năm 2024 là Ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các trường thành viên trong ĐH được khuyến khích xét tuyển kết hợp.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền giảm bớt phương thức tuyển sinh và chỉ công bố kết quả xét tuyển đại học sau khi có điểm thi tốt nghiệp, kể từ năm 2025.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) chung. Lĩnh vực đào tạo và tuyển sinh then chốt là: Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Trí tuệ nhân tạo và các chương trình đào tạo liên ngành, liên trường.

Năm 2024, hơn 23.100 thí sinh nhập học Đại học Quốc gia TP.HCM, chiếm gần 95,8% so với tổng chỉ tiêu.Cụ thể, tỷ lệ nhập học ở phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển chiếm khoảng 10,5%. Trong đó, phương thức ưu tiên xét tuyển được áp dụng với học sinh của 149 trường THPT trong cả nước, thường dựa vào điểm học bạ và giải thưởng. Ngoài ra, hơn 38,1% sinh viên vào trường bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực, 42,7% dùng điểm thi tốt nghiệp THPT, còn lại là phương thức xét tuyển khác của trường thành viên (4,45%).

Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (xét học bạ, chứng chỉ quốc tế, thi đánh giá năng lực, tư duy...).

Với phương thức xét tuyển mới, xã hội và nhiều chuyên gia lo ngại phương thức này dễ gây tác động tiêu cực khiến điểm chuẩn từ kết quả thi tốt nghiệp bị đẩy lên cao. Một trong những nhiệm vụ năm học này được Bộ GDĐT đặt ra là khắc phục triệt để việc thiếu công bằng giữa các phương thức, tiêu chí xét tuyển.

Năm 2025 là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi diễn ra với hai môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn), hai môn lựa chọn trong số các môn mà học sinh được học ở trường.

Vấn đề thí sinh và phụ huynh quan tâm là cách xét tuyển đại học năm 2025 vì đến thời điểm này hầu hết trường chưa đưa ra phương án tuyển sinh cụ thể.