Nhiều môn thi vươn lên tốp 2, tốp 3
Năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn dự thi Olympic quốc tế và khu vực, với tổng cộng 38 học sinh tham gia. Kết quả đạt được vượt hơn với các năm trước. Cụ thể, Việt Nam đoạt 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen, so với năm 2023, tăng 4 Huy chương Vàng và tăng 3 Huy chương Bạc, khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ về chất lượng giáo dục mũi nhọn của Việt Nam bên cạnh chất lượng đại trà. Đáng chú ý, điểm thi thực hành các môn của các đội tuyển Việt Nam đều cải thiện và nâng lên đáng kể.
Năm nay đánh dấu cột mốc lần đầu tiên đoàn Việt Nam đạt giải Nhì tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế (ISEF) tổ chức tại Hoa Kỳ, khẳng định tiềm năng cho sự phát triển giáo dục sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Nếu nhìn xa hơn kết quả trong 5 năm, giai đoạn 2020-2024, số lượng huy chương vàng, bạc và tổng số huy chương đều tăng qua từng năm, vị trí tốp 10 của Việt Nam ở hầu hết các môn thi được giữ vững, nhiều môn đã vươn lên tốp 2, tốp 3 thế giới.
PGS.TS Huỳnh Thanh Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định, kết quả các kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế những năm qua một lần nữa cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định đúng hướng đi trên lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đã trao Bằng khen của Bộ trưởng GD-ĐT cho 4 học sinh. Trước đó, sáng 28/12, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng đã gặp mặt, tuyên dương đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024. Tại đây, 20 học sinh đã được trao tặng Huân chương Lao động.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận và chúc mừng thành tích của các em học sinh, của các thầy cô, nhà trường. Đồng thời khẳng định đây cũng là thành quả của giáo dục Việt Nam.
Nhắn nhủ tới học sinh các đội tuyển, Thứ trưởng cảm ơn và chia sẻ với những ngày tháng miệt mài khổ học, luyện tài của các em. Qua đó, gửi tới các em yêu cầu và giao trách nhiệm. Thứ trưởng cho rằng, những thành tích hôm nay mới chỉ là khởi đầu. Các em hãy trân trọng, nâng niu những kết kết quả nổi trội này. Đồng thời, tiếp tục dấn thân trong hành trình sắp tới.
“Đường đến vinh quang không trải hoa hồng. Thiên tài thì 99% là mồ hôi nước mắt. Chỉ 1% là thiên bẩm và may mắn mà thôi. Trong hành trình đó, các em sẽ phải tiếp tục nghiên cứu, học tập, vượt lên chính mình để đến những chân trời mới”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, đất nước ta đang bước sang vận hội mới. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, tạo xung lực cho bước phát triển trong kỷ nguyên mới.
Thứ trưởng tin tưởng những học sinh xuất sắc sẽ là nhân tố nhận lấy trách nhiệm này để tiên phong trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Sứ mệnh này trao cho các em. Với các em yêu cầu càng cao, trách nhiệm càng lớn. Giao trách nhiệm chắc chắn là sự tin tưởng, trân quý các em. Tôi gửi một niềm tin quyết thắng tới tất cả các em”, Thứ trưởng nói.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới các bậc phụ huynh, người thân, bạn bè, dòng họ đã trở thành điểm tựa cho các em. Cảm ơn các nhà trường và thầy cô giáo đã giúp các em đi tới thành công. Đồng thời cảm ơn tới các địa phương, các ban, bộ, ngành đã đồng hành với ngành Giáo dục. Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Những ngày qua, các em học sinh, các thầy cô giáo, các nhà trường đã có những phát biểu, trao đổi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe, tiếp thu các phát biểu để có sự tham mưu bài bản, đầy đủ, có quyết sách dúng đắn, phù hợp, đặc biệt là với nhiệm vụ bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Tôn chỉ của các kỳ thi Olympic
Cách đây 20 năm khi lần đầu tiên được Bộ GD-ĐT huy động tham gia tập huấn học sinh dự thi Olympic Sinh học quốc tế, PGS.TS Đinh Đoàn Long - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y – Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường đoàn Olympic Sinh học quốc tế 2024 cho biết, kết quả của năm trước đó dự thi tại Úc (năm 2003), đoàn Việt Nam đạt 0 huy chương, với 6 bài thi, trong đó có 1/4 phòng thi thực hành cả 4 học sinh Việt Nam bị chấm 0 điểm. Suốt cả chục năm sau đó, cho tới khi nước ta đăng cai kỳ thi Olympic Quốc tế (IBO 2016), thì Huy chương Vàng Olympic Sinh học vẫn đã luôn chỉ là mục tiêu mơ ước của Việt Nam tại các kỳ thi này.
Đến năm 2024, cả 4 học sinh dự thi Olympic Sinh học đều dành thành tích cao, với 3 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, xếp thứ 3 toàn đoàn, là thành tích chung cao nhất từ trước tới nay. Nhớ lại hành trình đã qua, thầy Đinh Đoàn Long không giấu nổi niềm tự hào xen lẫn xúc động.
Để duy trì kết quả hiện có, thậm chí tiếp tục tiến lên, PGS.TS Đinh Đoàn Long muốn nhắc lại 4 tôn chỉ của các kỳ thi Olympic Quốc tế để chúng ta tiếp tục nỗ lực và hoàn thiện hơn nữa.
Tôn chỉ 1 là để vinh danh các học sinh xuất sắc nhất, động viên và kích thích niềm đam mê nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kỹ thuật của các quốc gia và trên toàn thế giới.
Tôn chỉ 2 là để các đội ngũ giáo viên và các em học sinh có cơ hội thiết lập các hợp tác mới để cùng phát triển khoa học – kỹ thuật giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tôn chỉ 3 là để các ngành nghề, các tổ chức xã hội được đánh thức và nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của mỗi môn khoa học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, sức khỏe, sự hạnh phúc của mỗi quốc gia và thế giới.
Tôn chỉ 4 là để ngành giáo dục các quốc gia thành viên thống nhất, hay nói cách khác, là tìm thấy tiếng nói chung về mục tiêu, cách thức, phương thức và chương trình đào tạo, kể cả đối với giáo dục đại trà và giáo dục đỉnh cao. Dùng Olympic Quốc tế làm mô hình mẫu cho Olympic Quốc gia, đào tạo “đỉnh cao” là mô hình mẫu để mở rộng cho giáo dục đại trà với những yếu tố áp dụng phù hợp và khả thỉ.
“Để công tác đào tạo học sinh giỏi và phát huy hết hiệu quả của hoạt động này đối với hệ thống giáo dục, tôi mong chúng ta không nên quên triển khai và phát huy tốt hơn nữa 3 tôn chỉ còn ít được quan tâm mà tôi vừa nêu để lĩnh vực học sinh giỏi quốc gia phát huy hiệu quả hơn, bền vững hơn và thậm chí đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước, không chỉ dừng ở Tôn chỉ “vinh danh các học sinh”, dù đây vẫn luôn là Tôn chỉ số 1 của các kỳ thi này”, PGS.TS Đinh Đoàn Long cho hay.
Tham dự Kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế IBO năm 2023 và 2024, em Nguyễn Tiến Lộc ghi dấu ấn với khi mang về lần lượt hai tấm huy chương cao quý – Bạc và Vàng. Thành tựu này không chỉ là niềm tự hào vô giá mà còn là bước ngoặt mở ra cho Lộc một thế giới quan mới mẻ, sâu sắc hơn. Giờ đây khi đã trở thành tân sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội, Lộc cho rằng chặng đường vừa qua đã trở thành nền tảng nâng bước em trên hành trình y học đầy khát vọng sau này.
Dù đã giành được tấm huy chương vàng trong Kỳ thi IBO năm 2024 nhưng đối với Lộc, tấm huy chương Bạc IBO năm lớp 11 luôn là niềm tự hào sâu sắc nhất. Bởi để bước ra đấu trường quốc tế ở độ tuổi còn non trẻ, em đã phải vượt qua nhiều anh chị học sinh giỏi trên khắp cả nước. “Chưa một kỳ thi nào để lại trong em áp lực và cảm xúc mãnh liệt đến vậy. Trong rất nhiều giấc mơ thì hình ảnh về kì thi năm lớp 11 vẫn luôn là cơn ác mộng khiến em cảm thấy tự hào nhất.
Trải qua từng kỳ thi, em nhận ra rằng bản thân mình phải không ngừng thích nghi để vượt qua thử thách. Mỗi thất bại đều trở thành một bài học, giúp em kiên cường và hoàn thiện hơn, để khi đối mặt với những kỳ thi và đối thủ mới, em có thể mang đến một phiên bản mạnh mẽ và hoàn hảo nhất của chính mình”./.