Chiều 22 tháng 8, đúng như kế hoạch, các trường ĐH đã đồng loạt công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành đào tạo của mình. Dù sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và số nguyện vọng của thí sinh là vô cùng nhưng công tác xét tuyển khá chính xác. Quá trình lọc ảo hoàn toàn không xảy ra sai sót gì đảm bảo tối đa quyền lợi cho thí sinh. Đây là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV2 với bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT.

PV: Bà đánh giá thế nào về mức điểm trúng tuyển năm nay?

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ: Kết quả bước đầu ghi nhận là điểm trúng tuyển của các trường, xét ở mặt bằng chung, là khá tương đồng với kết quả năm 2022. Đa số các trường ghi nhận tích cực về số lượng thí sinh trúng tuyển với mức điểm chuẩn mà các trường đã xác định, căn cứ theo chỉ tiêu đào tạo và dữ liệu nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển. Đặc biệt, nhờ tối ưu hóa các dữ liệu sử dụng để xét tuyển của thí sinh khi chỉ cần đăng ký theo ngành đào tạo, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển có sự gia tăng tích cực đáng ghi nhận trên toàn hệ thống, đáng mừng đối với cả thí sinh và cả đối với các cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, kết quả trúng tuyển nhìn chung ghi nhận không có điểm chuẩn quá cao, do áp dụng việc tính điểm ưu tiên theo Quy chế tuyển sinh (bắt đầu có hiệu lực từ năm 2023) và do việc đã tối ưu hóa được lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho thí sinh.

PV: Một số ngành đào tạo khối kinh tế và xã hội nhân văn điểm trúng tuyển thấp hơn năm trước, hiện tượng này nói lên điều gì?

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ: Một số ngành đào tạo khối kinh tế và xã hội nhân văn ở một số trường cụ thể thì có thể có điểm trúng tuyển thấp hơn năm trước; khối kinh tế-quản trị có thể điều chỉnh, giảm nhẹ, nhưng không quá nhiều. Việc điểm trúng tuyển có thay đổi nhìn chung phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, đó là sự lựa chọn của thí sinh, số lượng các em đăng ký NVXT; sự điều chỉnh lựa chọn của các em gần đây ngày càng căn cứ nhiều hơn vào các dự báo về xu hướng phát triển KT-XH, phát triển ngành nghề trong tương lai. Ngoài ra, điều này còn phụ thuộc khá nhiều vào việc các trường dành chỉ tiêu cho các PTXT cụ thể, nếu dành nhiều chỉ tiêu hơn hẳn cho phương thức nào đó có thể ảnh hưởng làm điều chỉnh giảm ít nhiều điểm trúng tuyển sau khi chạy xử lý trên hệ thống lọc ảo.

PV: Khối ngành khoa học cơ bản điểm trúng tuyển cũng đã có cải thiện tuy nhiên chưa đạt kỳ vọng. Theo bà, cần có giải pháp gì để cải thiện tình trạng này?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Các ngành khoa học cơ bản này cần phải được tạo cơ hội để phát triển mạnh hơn, gia tăng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

Luật Giáo dục đại học đã quy định về chính sách đầu tư cho giáo dục đại học, nhất là các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và các ngành đào tạo tạo đặc thù.

Bộ GDĐT đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó sẽ có những đề xuất giải pháp cụ thể để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt.

Các cơ sở giáo dục đại học lớn, nhất là hai đại học quốc gia và các trường đại học có định hướng phát triển thành đại học nghiên cứu, cần ngày càng quan tâm và triển khai nhiều giải pháp thu hút sinh viên giỏi vào các ngành khoa học cơ bản nói riêng và các ngành khoa học – công nghệ nói chung. Các trường cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, từ phát triển các chương trình đào tạo tài năng từ bậc đại học liên thông tới thạc sĩ và tiến sĩ, đến đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hợp tác chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động, xây dựng chính sách ưu tiên về học bổng cho sinh viên các ngành này, tăng cường truyền thông, hướng nghiệp sớm cho học sinh phổ thông... Đây là vấn đề không phải của từng trường riêng lẻ, vì vậy Bộ GDĐT khuyến khích các trường tăng cường hợp tác, liên kết để cùng đưa ra những sáng kiến và tiến hành những hoạt động chung, phối hợp chặt chẽ thành mạng lưới với sức mạnh và sức lan tỏa ngày càng lớn.

PV: Theo bà, quá trình lọc ảo cũng như công tác tuyển sinh năm nay đã khắc phục được những hạn chế của những kỳ tuyển sinh trước hay chưa?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Năm 2023, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung cung cấp nhiều nguồn dữ liệu hơn để hỗ trợ các trường sử dụng trong nhiều phương thức xét tuyển trong đợt 1, đồng thời thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành (không phải đăng ký xét tuyển theo tổ hợp và phương thức xét tuyển).

Các thí sinh có nhiều thuận lợi hơn khi tránh các nhầm lẫn đáng tiếc đã xảy ra ở các năm trước; có thể nói là thuận lợi tối đa đang dành cho thí sinh.

Hệ thống xử lý đã tối ưu hóa các dữ liệu mà thí sinh có thể sử dụng để xét tuyển và đáp ứng nguyện vọng của thí sinh với năng lực hiện có; hệ thống giúp gia tăng khả năng trúng tuyển vào ngành các em yêu thích, ưu tiên nhất. Các trường cũng lựa chọn được đúng đầu vào, với chất lượng tốt hơn cho các CTĐT của mình.

Tuy vậy, các trường cần nhiều thời gian hơn dự kiến để hoàn thành việc xét tuyển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh tăng thêm 02 ngày và tăng thêm số lần lọc ảo cho giai đoạn này so với kế hoạch ban đầu, để các trường có đủ thời gian cần thiết xử lý thông tin, dữ liệu một cách chính xác, đầy đủ.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!