Chiều 29 tháng 4, tại Hà Nội Trường ĐH Thủy Lợi đã công bố dự án Satreps. Dự án SATREPS được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) với tên đầy đủ: “Hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ bùn đá dựa trên cộng đồng số hóa và đánh giá rủi ro tích hợp cho miền Trung Việt Nam: Khai thác công nghệ viễn thám và đánh giá các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại kinh tế ở tỉnh Thừa Thiên Huế.”

Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại, được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST), nằm trong khuôn khổ Chương trình SATREPS (Science and Technology Research Partnership for Sustainable Development).
Dự án hướng tới phát triển một hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ bùn đá tại các khu vực rủi ro cao thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, với các mục tiêu chính: Cập nhật và xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất và lũ bùn đá tỷ lệ lớn (1:5.000); Phát triển và số hóa hệ thống cảnh báo sớm (EWS) kết nối thời gian thực với cộng đồng; Tích hợp các mô hình tính toán tiên tiến như TAG_FLOW và dữ liệu viễn thám InSAR;

Để dự án đạt hiệu quả mong đợi, Trường ĐH Thủy lợi sẽ thành lập phòng thí nghiệm chuyên sâu về sạt lở đất tại Trường ĐH Thủy lợi; tỏ chức các khóa đào tạo, nâng cao năng lực cho các chuyên gia và nhà nghiên cứu Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
Thời gian thực hiện dự án từ tháng 6/2026 đến tháng 6/2030; Tổng kinh phí dự án: khoảng 3,43 triệu USD (~89,2 tỷ VNĐ)
Chia sẻ tại buổi lễ công bố, GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Thuỷ lợi cho biết: "Trường ĐH Thủy Lợi cam kết triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả mang lại thương hiệu uy tín cho các cơ sở giáo dục. Dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ với các trường đại học, viện nghiên cứu mà còn thể hiện sự uy tín của Việt Nam với quốc tế."
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội là đơn vị có kinh nghiệm triển khai các dự án của Nhật Bản, trong đó có dự án Satreps, GSTS Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết: ĐH Xây dựng Hà Nội triển khai dự án liên quan đến xử lý ô nhiễm nguồn nước, sử dụng công nghệ màng giá rẻ. Cũng theo GS Giang, một trong những yêu cầu của dự án Satreps là phải thương mại hóa được sản phẩm và phát triển về mặt chính sách. Mục tiêu bảo đảm tiếp cận nước sạch cho mọi người, tính đột phá là phát triển công nghệ màng lọc nano thành sản phẩm thương mại.

Dự án Satreps do trường ĐH Thủy Lợi thực hiện nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu kết hợp giải quyết các vấn đề địa phương đang gặp phải. Nhật Bản sẽ chuyển giao công nghệ cho các đối tác cùng nghiên cứu giải quyết những bài toán thiên tai. Dự án có 3 mục tiêu chính: tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề toàn cầu và thúc đẩy phát triển năng lực nghiên cứu phát triển, hệ thống nghiên cứu, sử dụng kết quả nghiên cứu đóng góp cho xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo.
Hằng năm, JST và JICA nhận được từ 60 đến 120 đề xuất từ tất cả các nước đang phát triển trên toàn thế giới nhưng chỉ có 10 dự án được cấp mỗi năm, mỗi năm Việt Nam chỉ được duyệt tối đa 1 dự án, năm nay có 80 đề xuất và dự án của Trường ĐH Thuỷ lợi là dự án duy nhất của Việt Nam được lựa chọn.