Sáng 14/12/2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề: “Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan”.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhấn mạnh, đây là sự kiện nhằm kỷ niệm dấu mốc hơn 400 năm giao lưu nhân dân và 50 năm quan hệ ngoại giao song phương Việt Nam - Hà Lan. Trong khoảng 500 năm trở lại đây, Hà Lan là cường quốc biển, là trung tâm hàng đầu thế giới về khoa học bản đồ. Di sản bản đồ của Hà Lan để lại cho thế giới rất lớn, trong đó có hàng trăm bản đồ về Việt Nam trong khoảng 400 năm về đây. Bản đồ của Hà Lan không chỉ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ phục vụ cho các vấn đề khoa học, lịch sử của Việt Nam, mà còn đóng góp rất lớn trong việc nghiên cứu và khẳng định chủ quyền đất nước, đặc biệt là các vùng lãnh hải, lãnh thổ. Ngoài ra, Hà Lan còn có 30.000 trang tư liệu viết tay (từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX) chứa nhiều thông tin về văn hoá, kinh tế, xã hội phong thục, mô tả về lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.

Giáo sư Hoàng Anh Tuấn cho biết, với vai trò là trường đại học hàng đầu tại Việt Nam về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã phối hợp cùng Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề: “Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan”. Đây là hoạt động trưng bày đầu tiên tại Việt Nam nhằm giới thiệu đến công chúng hệ sưu tập bản đồ rất hệ thống, cùng với việc khai thác và nghiên cứu sâu sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia, đặc biệt sẽ phục vụ cho vấn đề quy hoạch, lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam trong thời gian tới.

Ngài Kees van Baar - Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam đánh giá cao hoạt động ý nghĩa của Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn ĐHQG Hà Nội. Đại sứ chia sẻ: “Bản đồ là câu chuyện kể về lịch sử, văn hoá, về quá trình hình thành và phát triển của một quốc gia. Bởi vậy, hoạt động trưng bày chuyên đề về vẽ bản đồ rồng ngày hôm nay nhắc nhớ về văn hoá, lịch sử của Việt Nam trong hàng trăm năm về trước”. Đại sứ vui mừng khi thấy có rất nhiều nhà khoa học, nhà ngoại giao, đặc biệt là các em sinh viên của VNU-USSH đã tới tham quan gian trưng bày, thể hiện rõ niềm ham mê nghiên cứu lịch sử. Đây cũng là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam và Hà Lan.

Phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, ông bà Đinh Thị Minh Huyền bày tỏ sự tri ân với Trường ĐH KHXH&NV khi tổ chức trưng bày các bản đồ Việt Nam do các nhà làm bản đồ Hà Lan thực hiện. Đây không chỉ là hoạt động ý nghĩa nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia mà còn có ý nghĩa to lớn đối với khoa học và lịch sử. Theo nguyên đại sứ, việc thực hiện trưng bày các tư liệu bản đồ quý là hoạt động thiết thực và cần nhân rộng tại các trường đại học, nhằm cung cấp cho xã hội những tư liệu lịch sử chân thực, bên cạnh đó còn giáo dục cho thế hệ trẻ, nhất là các bạn sinh viên về chủ quyền đất nước, chủ quyền biển đảo.

Nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Hà Huy Thông, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hà Lan đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động trưng bày chuyên đề Bản đồ Rồng do Trường ĐH KHXH&NV tổ chức. Theo ông Thông, giáo dục là lĩnh vực trụ cột, là điểm mạnh của Hà Lan và của mối quan hệ Việt Nam – Hà Lan, mối quan hệ có sự khởi đầu từ 420 năm nay. Nhiều sinh viên Việt Nam đã nhận được học bổng các bậc học ĐH và sau ĐH của chính phủ Hà Lan, sau quá trình học tập trở về có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Cũng theo lời đại sứ Hà Huy Thông, "Việt Nam - Hà Lan có nhiều tương đồng đó chính là đều có ý chí vươn lên, người Hà Lan đấu tranh chống thiên tai còn người Việt Nam thì dũng cảm đấu tranh chống giặc ngoại xâm "...

GS.TS Nguyễn Hồng Thao - Thành viên Ủy ban Luật Quốc tế của Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao ý nghĩa của cuộc trưng bày. Ông Thao nhấn mạnh: "Tôi nghĩ triển lãm này cần phải đến sớm hơn vì quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan có từ lâu dời nhất là khi công ty Đông Ấn của Hà Lan là những công ty đến vùng biển Đông Nam Á vẽ những bản đồ từ thế kỷ 17-18. Những tấm Bản đồ càng có niên đại xa thì càng có giá trị lịch sử vì đó chính là minh chứng khoa học cho chủ quyền lãnh thổ của dân tộc."

Ông Ngô Thụy Trúc Lâm công tác tại Thư viện Đại học Leiden (Hà Lan), đồng tác giả thực hiện sưu tầm bộ bản đồ Việt Nam chia sẻ về những giá trị lịch sử, văn hoá của các tấm bản đồ Hà Lan: "Khi tôi làm việc ở Thư viện của trường ĐH tôi thấy nhiều bản đồ hay về Việt Nam và khu vực xung quanh nhất là khi chúng ta quan tâm đến biển Đông và các ngài Đại sứ Việt Nam ở Hà Lan rất quan tâm đến bộ sưu tập ở ĐH Leiden nên đến gặp chúng tôi có sự trao đổi rất nhiều. Được sự quan tâm sâu sắc của Bộ Ngoại giao và trường ĐH KHXHNV nên tôi có cơ hội đưa những tấm bản đồ này về trưng bày để nhiều người đặc biệt là giới trẻ biết về giá trị và xuất xứ của những tấm bản đồ này."

Trưng bày "Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan” thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và sinh viên ngành Lịch sử. Em Nguyễn Thành Đạt sinh viên năm 3 khoa Lịch sử trường ĐHKHXHNV ĐHQG Hà Nội chia sẻ: Em nghĩ những cuộc trưng bày này khá thú vị, thứ nhất qua đây chúng em hiểu thêm về lịch sử thay vì đó là những miêu tả trên chữ viết khó hình dung nay có bản đồ dễ hình dung, hai là bọn em có thể thấy kỹ thuật người ta làm bản đồ này, hoặc nhìn biết cách trưng bày thế nào, điều đó rất cần cho sinh viên ngày nay nhất là sinh viên ngành lịch sử. Bản đồ là thứ minh họa cho ta hình dung rõ nét nhất đồng thời những bản đồ này là căn cứ pháp lý cho thời đại ngày nay về vấn đề biển đảo và đối với bọn em nó còn là học liệu để bọn em học về chủ quyền lịch sử".

Trưng bày chuyên đề “Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan” tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhằm giới thiệu các bản đồ cổ có phần lãnh thổ Việt Nam trong nhiều thời kỳ được người Hà Lan vẽ và xuất bản tại Hà Lan, Bỉ, Luxembourg. Qua nhiều thế kỷ, các loại bản đồ khác nhau, từ hải đồ sử dụng trong điều hướng hàng hải đến tập bản đồ atlas đã được xây dựng và in ấn. Chúng phản ánh phần nào sự thay đổi tình hình chính trị, địa lý của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Hầu hết các bản đồ trong trưng bày này đều thể hiện một vùng địa lý rộng lớn hơn Việt Nam, cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa Việt Nam và các khu vực xung quanh. Triển lãm này sử dụng các bản đồ trong bộ sưu tập của Thư viện Đại học Leiden (Hà Lan) do các tác giả Martijin Storms và Ngô Thụy Trúc Lâm thực hiện.

Nội dung trưng bày bao gồm 4 phần:

1. Hải đồ và công ty Đông Ấn Hà Lan;

2. Việt Nam trên những tập bản đồ Hà Lan thời kỳ khởi đầu;

3. Bản đồ minh họa sách;

4. Việt Nam trong những tập bản đồ sử dụng ở Trường học trong thế kỷ XIX.

Trưng bày là cơ hội để công chúng tiếp cận những nguồn tài liệu bản đồ quý giá, phục vụ trực tiếp cho việc tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, lịch sử khu vực và quốc tế.

Trưng bày diễn ra từ ngày 14/12/2023 đến hết ngày 21/12/2023 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Một số hình ảnh tại Trưng bày chuyên đề “Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan” tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.