Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2023 nhận được gần 800 tác phẩm dự thi của 4 loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình). Giải cũng nhận được sự tham gia của đông đảo cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương ở khắp các vùng miền trên cả nước.
Theo Hội đồng giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.
Ở lần tổ chức các năm trước, tác phẩm tham dự giải đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành và những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc. Ở mùa Giải năm nay, bên cạnh những đề tài, câu chuyện nêu trên, các tác phẩm phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành Giáo dục và mang đậm hơi thở cuộc sống.
Kết quả, Ban tổ chức chọn được 85 tác phẩm vào chung khảo. Từ những tác phẩm này, Hội đồng Chung khảo đã trao 1 giải Đặc biệt; 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 34 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đoạt giải. Đồng thời Ban tổ chức trao 4 giải phụ - giải Cống hiến.
Loạt bài 3 kỳ "Giáo viên bỏ việc: Vì sao nên nỗi" của nhà báo Trần Bá Duy (Ban văn hóa - Xã hội, Đài Tiếng nói Việt Nam) được Ban tổ chức trao giải Nhất loại hình phát thanh.
Tác phẩm đề cập đến làn sóng giáo viên nghỉ việc trong nhiều năm qua do áp lực công việc và thu nhập thấp. Làn sóng giáo viên xin nghỉ việc không chỉ làm mất cân đối lực lượng lao động trong một lĩnh vực có đông viên chức nhất và có ảnh hưởng quan trọng tới xã hội mà còn khiến ngành giáo dục đối mặt với khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước đó, năm 2018 - năm đầu tiên Giải Báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" được tổ chức, nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu (VOV2-Đài TNVN) đoạt giải Nhất với tác phẩm “U Hương của những học sinh khiếm thị” và nhà báo Trần Ý Dịu đoạt giải Ba.
Năm 2019, tác phẩm “Chuyện về những người thầy thắp lửa” của nhóm phóng viên VOV2 (Đài TNVN) được Ban tổ chức trao giải Đặc biệt.
Ghi nhận sự tham gia tích cực và đạt được nhiều giải thưởng cao, Ban Văn hóa-Xã hội (VOV2-Đài TNVN) vinh dự được Ban tổ chức giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" trao giải thưởng Cống hiến.
Năm nay, giải đặc biệt được trao cho tác phẩm "Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới" (Nhóm tác giả: Phạm Thị Mai, Võ Hoàng Long, Báo điện tử VietnamPlus).
Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, nhân vật trong tác phẩm "Người truyền “lửa” Then" (Báo Tuyên Quang) và thầy giáo Hoa Sĩ Hiền: Nhân vật trong tác phẩm “Thầy giáo nông dân” (Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang) được Ban tổ chức trao trao giải "Nhân vật ấn tượng".
Qua 6 năm tổ chức, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" đã khẳng định được vị trí, uy tín trong các giải thưởng báo chí trên toàn quốc. Số lượng tác phẩm tham gia ngày càng nhiều và chất lượng luôn được nâng cao, có sức lan tỏa.
Phát biểu tại buổi Lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, các phóng viên, nhà báo với các tác phẩm của mình đã cho những nhà quản lý giáo dục thêm một góc nhìn mới về những gì đã, đang và sẽ diễn ra đối với Giáo dục
Mỗi tác phẩm là gạch nối của quá khứ, hiện tại và tương lai, là nhịp đập, hơi thở của đời sống giáo dục… để bồi đắp, gieo thêm niềm tin, lòng trắc ẩn và lan tỏa những điều tốt lành, tình yêu thương, bao dung đến với mỗi người. Từ đây, ngành Giáo dục có thêm cơ sở thực tiễn để đưa ra những chủ trương, quyết sách cho giáo dục của nước nhà.
Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt:
-Tác phẩm: "Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới" (Nhóm tác giả: Phạm Thị Mai, Võ Hoàng Long, Báo điện tử VietnamPlus)
Các tác phẩm đoạt giải Nhất:
-Tác phẩm: “Phía sau những tấm huy chương Olympic quốc tế” (Tác giả Nguyễn Thị Thu Phương, Báo Công an nhân dân)
-Tác phẩm: "Bất cập ở Phòng Giáo dục & Đào tạo" (Nhóm tác giả: Hà Ánh Ngọc, Nguyễn Thế Lượng, Hồ Thị Lài, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Nhung, Báo Giáo dục và Thời đại)
-Tác phẩm: “Giáo viên bỏ việc: Vì đâu nên nỗi? (Tác giả: Trần Bá Duy, Ban Văn hóa - Xã hội - Đài Tiếng nói Việt Nam)
-Ttác phẩm: "Hoa đá" (Nhóm tác giả: Vũ Hồng Anh, Nguyễn Hồ Trí, Vương Văn Cơ, Phạm Ngọc Phức, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam)
Các tác phẩm đoạt giải Nhì:
- Tác phẩm: “Trí tuệ nhân tạo có thay thế được con người?” (Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương, Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Thu Hoài, Báo Đại Đoàn Kết)
- Tác phẩm: Trường học hạnh phúc (Nhóm tác giả: Phạm Quang Trường, Trần Thành - Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng).
- Tác phẩm: “Quyết tâm thực hiện lời hứa "giáo viên sống được bằng lương” (Nhóm tác giả: Lê Tường Vân, Thiều Thị Thu Trang, Nguyễn Văn Thắng, Phạm Vũ Linh - Báo Lao Động)
-Tác phẩm: Loạt bài “Ma trận” phí bủa vây đầu năm học” (Tác giả: Tiêu Thị Mỹ Hằng. Báo Sài Gòn Giải Phóng)
-Tác phẩm: “Bàn tay vịn đất đưa em về phía mặt trời” (Tác giả: Hoàng Văn Nghiệp, Bùi Lê Lợi - Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội)
- Tác phẩm: “Nơi nghe - nói chuyện Ân tình” (Tác giả: Nguyễn Văn Quang, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng)
- Tác phẩm: “Nhí” (Nhóm tác giả: Trương Thị Ngọc Trân, Nguyễn Văn Bình, Lý Ngọc Lộc, Đặng Phi Lai, Nguyễn Văn Vũ Phong, Trương Thị Huỳnh Nga - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang
- Tác phẩm: “Người mở lối” (Nhóm tác giả: Lê Quang Huy, Phạm Thanh Xuân, Nguyễn Hoàng Diệu Ngân, Trần Huy Hoàng, Nguyễn Văn Hải, Lý Mai Trung, Nguyễn Thị Thu Giang - Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội - Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam)