Quả ngọt từ những nỗ lực không ngừng
Trở về từ cuộc thi kỹ năng nghề lớn nhất thế giới, thí sinh Phạm Thành Đạt - người giành tấm huy chương duy nhất của đoàn Việt Nam có chút tiếc nuối bởi nếu cẩn trọng hơn thí sinh này có thể cạnh tranh tấm huy chương Bạc. Bởi khoảng cách điểm của Đạt với thí sinh André Luis Dono (Brazil) - người giành huy chương Bạc chỉ là 1 điểm.
Chia sẻ về hành trình chuẩn bị cho kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47 năm 2024, Phạm Thành Đạt cho biết, ngoài kiến thức đã tích lũy từ trước, các thí sinh phải dành hơn một năm toàn thời gian để ôn luyện.
"Giai đoạn đầu việc ôn luyện diễn ra bình thường. Nhưng ở giai đoạn sau cực kỳ vất vả bởi đòi hỏi trình độ, kỹ năng rất cao. Có khoảng thời gian em muốn từ bỏ bởi có những dạng bài khó làm đi, làm lại vẫn chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, bằng năng lượng tích cực, em cố gắng vượt qua áp lực và đạt được kết quả ngày hôm nay", Đạt chia sẻ.
Phạm Thành Đạt giành Huy chương Đồng ở nghề Phay CNC. Đây cũng là nghề mà tại các kỳ thi những năm gần đây đoàn Việt Nam đều có huy chương. Tuy nhiên, để đạt được trình độ thế giới ở nghề Phay CNC, không chỉ đòi hỏi thí sinh có kiến thức chuyên môn sâu rộng về cơ khí, công nghệ, mà còn đòi hỏi khả năng sáng tạo, tư duy logic và độ chính xác rất cao.
Đạt cho biết: "Có những chi tiết rất mỏng khi kẹp vào máy để gia công nó có thể bị biến dạng, bóp méo, gia công không đúng kích thước".
Ngoài trình độ, kiến thức, Phạm Thành Đạt cũng cho rằng, bản thân may mắn khi nằm trong số các thí sinh được Viện đào tạo kỹ năng nghề (Công ty TNHH DENSO Việt Nam) huấn luyện để tham dự Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới. Trước đó, DENSO Việt Nam đã tham gia huấn luyện nhiều thí sinh Việt Nam và đạt được nhiều thành tích cao tại các kỳ thi kỹ năng nghề khu vực, thế giới.
"Trước khi tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2024, em được Công ty cử sang Áo để thử máy, vật liệu, điều kiện gia công... Ngoài ra, em được cử sang Hàn Quốc để cọ sát với các thí sinh Hàn Quốc, Nhật Bản, Áo. Từ đó đánh giá trước trình độ của mình đang ở mức nào. Do vậy, khi tham gia sân chơi thế giới, bản thân em cùng các thí sinh khác của đoàn Việt Nam rất tự tin và không hề bị ngợp so với thí sinh các nước khác", Phạm Thành Đạt chia sẻ.
Ngoài Huy chương Đồng ở nghề phay CNC, 3 thí sinh khác của Việt Nam đã đạt chứng chỉ tay nghề xuất sắc, gồm Hồ Chí Nguyên (nghề Quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin), Nguyễn Khoa Hải Minh (Thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD) và Cù Đức Hiếu (Tiện CNC).
Em Hồ Chí Nguyên nghề quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin còn giành giải Best of nation.
Thí sinh Cù Đức Hiếu, Viện đào tạo kỹ năng nghề (Công ty TNHH DENSO Việt Nam) dự thi nghề Tiện CNC cho biết, khi làm bài thi Kỹ năng nghề thế giới, điều khó nhất đối với mỗi thí sinh là xác định công đoạn làm từ đó xác định được thời gian làm bài. Nếu xác định công đoạn sai hoặc không phù hợp thí sinh sẽ không đủ thời gian làm bài.
"Trên một sản phẩm có nhiều kích thước. Mình phải hiểu được ý đồ của người ra đề. Em ngại nhất những dạng bài có nhiều cụm chi tiết nhỏ vì nó liên quan đến công đoạn làm bài. Mình phải lựa chọn lập trình gia công chi tiết nào trước để cho máy chạy sau đó trở lại tiếp tục lập trình chi tiết khác thì mới đủ thời gian", Hiếu cho biết.
Lan tỏa giá trị kỹ năng nghề, nâng cao trình độ người lao động
Đón đoàn thí sinh Việt Nam trở về từ Lyon (Pháp), TS.Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) biểu dương kết quả mà đoàn Việt Nam đạt được tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47.
Ông Dũng cho biết, Việt Nam tham gia 9 kỳ thi Kỹ năng nghề Thế giới thì có 4 kỳ thi liên tiếp đoàn Việt Nam đều có huy chương.
Việc thí sinh giành được thành tích cao tại sân chơi kỹ năng nghề thế giới, bên cạnh mang vinh quang về cho tổ quốc, theo ông Trương Anh Dũng cũng là dịp để đúc rút bài học kinh nghiệm, cải thiện chất lượng đào tạo kỹ năng nghề, lan tỏa phương pháp, mô hình đào tạo hiệu quả từ đó nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng của người lao động.
"Những quốc gia đạt được thành tích cao trong kỳ thi lần này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản... đều có sự chuẩn bị công phu cả về tuyển chọn thí sinh, huy động đội ngũ chuyên gia, đầu tư cho các trung tâm huấn luyện. Đây cũng là các quốc gia có năng suất lao động cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và là công xưởng của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp. Do vậy Việt Nam cần phải học tập trong công tác đào tạo kỹ năng nghề nói chung và huấn luyện tham dự các kỳ thi Kỹ năng nghề khu vực, thế giới nói riêng", TS. Trương Anh Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS. Trương Anh Dũng cũng mong rằng để lan tỏa giá trị Kỹ năng nghề cần quan tâm hơn nữa việc tôn vinh người lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao, nhất là những thí sinh, huấn luận viên trực tiếp tham gia vào các cuộc thi thành tích cao trong khu vực và thế giới.
Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47 năm 2024 cũng là năm đầu tiên Việt Nam tham dự với các nghề sử dụng bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa không có nghề nào sử dụng ngân sách nhà nước.
Công ty TNHH DENSO Việt Nam mà trực tiếp là Viện đào tạo kỹ năng nghề nhiều năm đồng hành cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) huấn luyện thí sinh tham dự các kỳ thi Kỹ năng nghề khu vực và thế giới.
Ông Yoichi Igarashi - Phó Tổng Giám đốc DENSO Việt Nam nhấn mạnh, các thí sinh Việt Nam đã chinh phục được các tấm huy chương Bạc, Đồng quý giá tại sân chơi đỉnh cao của Kỹ năng nghề thế giới. Nhưng mục tiêu hướng tới sẽ là huy chương Vàng. Do vậy, sau kỳ thi này, thí sinh cùng các chuyên gia huấn luyện cần nhìn lại rút kinh nghiệm cho các kỳ thi sau. Đặc biệt, DENSO Việt Nam và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ cùng bàn bạc, đánh giá hỗ trợ cho thí sinh môi trường đào tạo tốt hơn nữa để có thể đạt được thành tích cao trong tương lai.
Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47 năm 2024 được tổ chức tại Lyon (Pháp) có sự tham gia của 1.400 thí sinh đến từ gần 69 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thí sinh tranh tài 59 nghề (không tính 3 nghề biểu diễn) thuộc 6 nhóm nghề thi khác nhau. Cuộc thi cũng ghi nhận sự tham dự của 1.300 chuyên gia.
Riêng về công tác ra đề thi, hầu hết các đề thi các nghề được Ban tổ chức thuê các doanh nghiệp độc lập ra đề. Phương pháp đánh giá cho điểm được đổi từ chấm điểm “khách quan và chủ quan” sang phương pháp chấm điểm “đo lường và phán quyết” dựa trên tiêu chuẩn thi kỹ năng nghề của từng nghề.
Thời gian làm bài thi từ 18 đến 22 tiếng, không quá 4 ngày thi. Đề thi được dịch ra 3 thứ tiếng (Anh, Pháp, Đức).
Với 1 Huy chương Đồng và 3 chứng chỉ nghề xuất sắc, Việt Nam đứng thứ 4 trong các nước ASEAN (sau Singapore, Thái Lan, Indonesia; trước Malaysia, Philipin) và đứng thứ 24 trong số 69 quốc gia/vùng lãnh thổ cử đoàn tham dự Kỳ thi xét theo điểm trung bình huy chương đạt được.
Dự kiến, cuộc thi lần tới diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc vào khoảng thời gian từ 22 đến 27/9/2026.