Chưa hết lo lắng về chất lượng đồ ăn thức uống từ vụ kẹo giả Kera thì những ngày qua, dư luận lại bàng hoàng trước thông tin cơ quan chức năng phanh phui đường dây sản xuất sữa bột giả quy mô cực lớn, với hệ sinh thái 11 công ty và mạng lưới phân phối trải dài trên toàn quốc.
Trong gần 600 loại sữa bột giả được tiêu thụ có nhiều loại dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người tiểu đường, suy thận... Đây không còn là những vụ làm ăn phi pháp thông thường mà cần gọi tên đúng hơn là hành vi đầu độc sức khỏe cộng đồng, là sự tấn công trực diện vào lòng tin của người tiêu dùng.
Không ai trong chúng ta mong muốn bản thân hay người thân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ mua phải những sản phẩm bị pha chế, dán mác giả, trôi nổi không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, khi sản phẩm được vô tư gắn mác “chuyên gia”, “cao cấp”,… được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, livestream bán hàng suốt ngày đêm, thậm chí được cả những người nổi tiếng khen ngợi, thì mấy ai còn nghi ngờ gì nữa về chất lượng!?
Đáng buồn hơn, khi sự việc bị phanh phui, chưa một cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm, thậm chí đại diện của một cơ quan quản lý còn phủ nhận: “không cấp phép và không quản lý trực tiếp mặt hàng của các công ty vi phạm”. Điều này càng khiến người tiêu dùng không thể hiểu vì sao những sản phẩm này được sản xuất, quảng cáo và bán tràn lan trên mạng xã hội mà không bị phát hiện sớm. Bởi lẽ, chỉ riêng sản phẩm sữa thôi, trước khi đưa ra thị trường, hồ sơ phải được nộp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh hoặc thành phố chỉ định. Điều kiện để được phép sản xuất, kinh doanh gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm hoặc chứng nhận pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực phẩm; Bản công bố sản phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm; Phiếu kết quả kiểm nghiệm của sản phẩm trong vòng 12 tháng; Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm… Toàn bộ những thủ tục này liên quan đến nhiều cơ quan của các cấp sở, bộ…
Có thể nói “cái gốc” của vấn đề không chỉ nằm ở các quy định về quản lý, giám sát trong việc sản xuất, mua bán và hoạt động của các sàn thương mại điện tử với quá nhiều lỗ hổng và yếu kém. Nhiều thủ tục nhưng vẫn không chặt chẽ, các cơ quan quản lý không ai phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc vi phạm… mà còn thiếu những chế tài xử phạt nghiêm minh mang tính răn đe.
Đã đến lúc cần “đánh thật đau” vào những hành vi vô nhân đạo này bằng những hình phạt thật nghiêm minh như đề xuất của Bộ Công an với những quy định sửa đổi Bộ Luật hình sự hiện hành. Đó là mức án từ 5 đến 10 năm tù giam đối với cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm nếu diễn ra trên các nền tảng có lượng người tiếp cận từ 500 người trở lên. Mức phạt tiền bổ sung cũng được đề xuất tăng gấp đôi so với quy định hiện hành, từ mức 20-100 triệu đồng lên 40-200 triệu đồng. Với pháp nhân thương mại, con số này có thể lên tới 36 tỷ đồng, thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng hoặc an ninh trật tự.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng mọi mức án và hình phạt, dù cao đến đâu đi chăng nữa đều không thể chuộc lại được những gì mà những kẻ sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm gây ra. Bởi đó là hành vi tán tận lương tâm, là sự đầu độc đối với sức khỏe con người, không loại trừ bất kể một ai, dù đó là người bệnh, trẻ sinh non hay bà mẹ mang thai. Vì vậy, hỡi các nghệ sỹ, những người nổi tiếng có lương tâm, trách nhiệm…. hãy cẩn trọng khi tham gia quảng cáo nếu không sẽ là hành vi tiếp tay cho sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng dẫn đến hậu quả thật khôn lường./.