Nghe phỏng vấn luật sư Trần Tuấn Anh - GĐ Công ty Luật Minh Bạch:

Phóng viên: Luật sư có thể chia sẻ về tầm quan trọng của việc lập di chúc trong chia tài sản cho con cái?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Việc lập di chúc, tôi đánh giá đây là một hành vi hết sức văn minh và phù hợp với quy định pháp luật. Đặc biệt, với người có tài sản, mong muốn sau khi mình mất thì những cái tài sản này sẽ được con cái sử dụng, quản lý và được chia một cách công bằng đối với các con. Vậy nên các ông, các bà khi mình sở hữu lượng tài sản nhất định, chúng ta nên lựa chọn hình thức lập di chúc.

Việc lập di chúc mang tính chất, đầu tiên là đảm bảo cho sự công bằng trong việc sở hữu, trong việc sử dụng tài sản của các con. Thứ hai, nó đem đến sự yên tâm cho chính các ông, các bà trước khi mình nhắm mắt xuôi tay. Quan trọng hơn nữa là nó tạo ra một căn cứ, là hành lang pháp lý để sau này các con có thể tự chia nhau, tự khai nhận, tự thực hiện các thủ tục chia di sản khi mà bố mẹ đã từ trần.

Việc lập di chúc sẽ hạn chế rất nhiều việc tranh chấp tài sản, tranh chấp di sản mà khi bố mẹ mất đi không để lại di chúc cho các con. Nó có thể gắn kết cái tình cảm gia đình, tránh việc xung đột của các con khi mà chia di sản.

Phóng viên: Theo ông, trong quá trình lập di chúc có cần thiết phải có sự chứng kiến của luật sư không?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Theo quy định tại Bộ luật dân sự Việt Nam, cụ thể là Điều 632, đối với người làm chứng cho việc lập di chúc thì điều luật này quy định là mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

- Người có quyền, nghĩa vụ, tài sản liên quan tới nội dung di chúc

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

Chính vì vậy, nếu trong trường hợp không thuộc những đối tượng này thì mọi người đều có thể làm chứng cho di chúc, trong đấy có cả luật sư. Thế thì việc mà luật sư làm chứng cho việc lập di chúc, theo tôi là thuận tiện hơn rất là nhiều. Bởi vì là luật sư thì ngay ban đầu đã là người am hiểu pháp luật thì có thể tư vấn cho đương sự, tư vấn cho người lập di chúc các hình thức của di chúc, các nội dung của di chúc và sau đấy có thể kết hợp với việc làm chứng đối với di chúc đấy.

Một điều đặc biệt lưu ý là gì? Đôi khi các ông, các bà khi lập di chúc thì lại thường đưa các con của mình vào làm chứng, tức là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mình theo pháp luật, sau đấy ký nhận luôn.

Theo quy định của pháp luật, di chúc này lại không hợp pháp và nếu xảy ra kiện tụng thì sẽ bị tuyên vô hiệu. Thế nên đây là một lỗi thường hay mắc phải của các ông, các bà.

Phóng viên: Luật sư có những lưu ý nào cho người già cần nhớ để khi thực hiện di chúc, tránh những tranh chấp sau này?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Các ông, các bà cần phải lưu ý là khi mình lập di chúc, tức là cái di nguyện của mình đã thể hiện ra bằng văn bản và mong muốn nó được thực hiện sau khi mình mất đi. Đẻ đảm bảo cho di nguyện được thực hiện thì các ông bà cần phải lưu ý đầu tiên đấy là cần phải lựa chọn các hình thức lập di chúc, làm sao để đảm bảo phát sinh hiệu lực và nó không bị tuyên vô hiệu bởi các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo tôi thì các ông, các bà nên lựa chọn các cái tổ chức hành nghề công chứng hoặc là đến Ủy ban nhân dân xã để cho người am hiểu pháp luật, tư vấn cho chúng ta hình thức di chúc này đến nội dung di chúc làm sao để hợp pháp, rồi tư vấn về người làm chứng... để đảm bảo tính hiệu lực của di chúc.

Nội dung di chúc cần phải rõ ràng, rành mạch. Trong quá trình đi giải quyết những vụ tranh chấp di sản mà tôi tham gia, chẳng hạn ông bà lập di chúc là: Tôi có một thửa đất mang tên con trai tôi, nay tôi mong muốn sau khi chết thì để lại cho người này người kia. Như vậy, thông tin không rõ ràng, không rành mạch dẫn đến việc sau này có thể các con cứ phải theo đuổi tranh chấp ở các cơ quan tiến hành tố tụng diễn ra rất mệt mỏi.

Các cụ cần phải lưu ý tìm đến những người am hiểu pháp luật. Ví dụ có thể nhờ luật sư tư vấn có thể đến Văn phòng công chứng để trình bày di nguyện và đem theo các tài liệu về mặt tài sản để chứng minh cho tài sản này thuộc sở hữu hoặc là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình và đề nghị cơ quan công chứng ghi nhận lại trung thực.

Phóng viên: Thưa luật sư, có trường hợp bố mẹ khi mà chia xong tài sản thì nhà cửa đứng tên con cái. Sau khi đã hoàn tất các thủ tục đấy thì bố mẹ bị hắt hủi hoặc là có cảm giác giống như là người đang đi ở nhờ nhà con. Không biết là luật sư đã gặp những trường hợp này chưa? Và luật sư có thể cho biết những sai lầm phổ biến người già thường mắc phải khi lập di chúc và cách phòng tránh không ạ?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Đúng thực sự trường hợp này thì chúng ta gặp không ít trên thực tế và bản thân tôi khi đi giải quyết các cái tranh chấp này thì gặp rất nhiều. Đó là khi bố mẹ không muốn để lại di chúc sẽ phát sinh việc khai nhận rồi phân chia sau này không biết như thế nào, thế nên là để yên tâm thì bố mẹ cho luôn tài sản khi đang còn sống.

Tuy nhiên, sau khi cho luôn tài sản lúc còn sống thì trong cuộc sống bố mẹ một mặt là già cả. Mặt khác cuộc sống có những va chạm, mâu thuẫn, thế thì lúc này bố mẹ đã cho các con hết tài sản rồi. Mình không còn tài sản gì để có thể nương tựa tuổi già, lúc đấy có muốn đòi lại cũng không được nữa.

Đã từng xảy ra rất nhiều vụ án bố mẹ sau khi cho con tài sản thì bị con ngược đãi, không coi ra gì và coi mình như người ăn nhờ ở đậu. Sau đấy bố mẹ lại đi khởi kiện để đòi lại tài sản đã cho. Tuy nhiên, hầu hết các vụ kiện này thì bố mẹ lại là người thua cuộc, tức là đã mất tài sản, đã mất tình cảm trong gia đình rồi lại còn phải mất cả chi phí, công sức, thời gian để theo vụ kiện.

Để khắc phục những việc này thì tôi vẫn tư vấn cho các ông bà: Nếu như chúng ta có nhiều tài sản thì có thể cho các con một phần khi còn sống cũng là điều tốt. Tuy nhiên là cũng cần phải có tài sản nhất định để phòng thân, để phòng trường hợp khi trái gió trở trời hay là giữa bố mẹ với các con có xung đột thì mình vẫn còn có tài sản để mà nương tựa và tự lo cho bản thân.

Đối với tài sản này thì chúng ta có thể làm di chúc coi như là một lời hứa, là để lại cho con, cho một người nào đấy có trách nhiệm là chăm sóc mình, lúc đau, lúc ốm lúc già thì sẽ được hưởng phần di sản nhiều hơn những người khác, để cho con có trách nhiệm trong cuộc sống và mình cũng yên tâm dưỡng già. Các cụ không nên cho hết toàn bộ tài sản mình đang có.

Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư Trần Tuấn Anh