Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã đi vào lịch sử của dân tộc. Nhắc đến kỳ tích này, bên cạnh sự mưu trí, dũng cảm của các phi công trực tiếp lái máy bay phải kể đến những người lính dẫn đường cho máy bay chiến đấu tiếp cận và bắn rơi B-52 mà cựu chiến binh, anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên là một trong số đó.
Đại tá, anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên năm nay đã ngoài 90 tuổi, đi lại có phần chậm chạp. Tuy nhiên, trí tuệ của ông vẫn minh mẫn.
Ông kể bản thân được sinh ra trong gia đình đông con ở xã Hoài Phủ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Hồi nhỏ, vì nhà quá nghèo nên ông là người duy nhất được đi học. Để không phụ lòng đấng sinh thành, ông rất chú tâm vào việc học và sớm giác ngộ cách mạng.
Trong quân ngũ, ông nổi lên là người thông minh. Năm 1953, ông được cấp trên điều đi học về cơ yếu. Sau đó, ông được tập kết ra bắc và điều về Bộ tư lệnh không quân. Đây là binh chủng đặc biệt bởi không chỉ cần sự nhiệt tình cách mạng mà phải có trình độ cao mới sử dụng được các loại thiết bị hiện đại. Tại đây, ông lại vinh dự là một trong 3 người được cử đi học tại Trường Hàng không cao cấp Nam Uyển (Trung Quốc) và Học viện Không quân Ga-ga-rin (Liên Xô) từ năm 1959 - 1963 về ngành dẫn đường trong không quân.
Về nước, ông tiếp tục nghiên cứu, học tập và trở thành “mắt thần” của những người “lính bay”, góp phần đem lại thắng lợi cho quân đội ta trong nhiều trận đánh, điển hình là chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
Nhớ lại những tháng ngày bảo vệ bầu trời thủ đô, ông Chuyên chia sẻ, khi phi công điều khiển máy bay chiến đấu trên không họ không thể quan sát được mục tiêu bằng mắt thường. Người dẫn đường tuy ngồi ở sở chỉ huy mặt đất nhưng lại chính là “đôi mắt” của phi công. Đặc biệt, khi đối đầu với máy bay B52 của địch, nhiệm vụ của phi công và người dẫn đường càng khó khăn. “B52 là con Át chủ bài của Không lực Hoa Kỳ mà họ nói rằng bất khả xâm phạm. Để tiếp cận được B52 cực kỳ khó khăn. Phát hiện được B52 đã là khó rồi. Chúng tôi phải mất 2-3 tháng mới tìm được ra cách phát hiện ra B52 trong điều kiện Mỹ gây nhiễu. Loại máy bay này hoạt động ở độ cao khoảng 10 km. Đây là độ cao lý tưởng mà máy bay này bay rất ổn định. Máy bay của ta mà bay cao lên đến đó thì ra-đa Hoa Kỳ lại phát hiện ra và cho tiêm kích ra ngăn chặn. Vì chỉ cần máy bay của ta lên đến độ cao 3 km là tiêm kích của địch ra ngăn chặn”, ông Chuyên cho biết.
Theo ông Chuyên, để dẫn đường trên không thành công, người lính dẫn đường phải đảm bảo 3 yếu tố. Thứ nhất, phải làm sao để hướng bay của phi công quân đội ta phải đảm bảo tính bất ngờ với quân địch. Vì cuộc chiến trên không, ai nhìn thấy trước là người ấy chiến thắng. Thứ 2, người dẫn đường phải dùng độ cao để giúp cho máy bay của ta thoắt ẩn thoắt hiện trên ra đa của đối phương. Thứ 3, tốc độ bay có vai trò rất quan trọng tác động đến việc sử dụng nhiên liệu. Một máy bay chiến đấu chỉ có lượng nhiên liệu nhất định, nên phải điều chỉnh tốc độ phù hợp. Ngoài ra, để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, còn cần thêm nhiều yếu tố. “Chúng tôi phải nghi binh, tạo bất ngờ và giữ bí mật bằng cách đi độ cao như thế nào, lúc nào thì tăng lực, lúc nào thì mở ra-đa… Tất cả những cái đó chúng tôi chuẩn bị tỉ mỉ và công phu. Đó là còn là kinh nghiệm đã được chúng tôi đã đúc kết từ 7 năm trước đó chống chiến tranh phá hoại của địch”, ông Chuyên kể.
Ông Chuyên cho biết chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã khiến thế giới kinh ngạc, bởi khi đó “pháo đài bay B-52” từng là biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ. Vì thế, thắng lợi không chỉ khích lệ tinh thần cho quân và dân ta mà còn có 3 tác dụng lớn. “Thứ nhất, chiến thắng đã khiến địch không dám đánh đường 9 nữa. Điều này tạo thuận lợi cho việc vận chuyển của bộ đội ta lúc đó đang chuẩn bị cho chiến dịch Quảng Trị. Thứ hai, trước khi đánh trận này, chúng ta chưa nghiên cứu thì ra-đa không phát hiện được ra B52. Nhờ nghiên cứu mà phát hiện ra B52. Thứ ba, không quân của ta rút ra được kinh nghiệm là để hạ gục B52 thì phải phóng cùng một lúc 2 quả tên lửa để nó rơi tại chỗ. Hơn nữa, nhờ có trận đánh mày mà phía Mỹ đã có nhận định sai lầm về chiến dịch. Họ đánh giá rằng không quân của ta có thể đánh được B52 cho nên họ quá nhiều lực lượng để đối phó, họ nhẹ về phần tên lửa và vũ khí mặt đất. Điều này có lợi cho chiến dịch của ta”, ông Chuyên kể.
Hơn 50 năm đã qua nhưng chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay. Đại tá, anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên còn là người góp phần làm nên chiến thắng ấy. Có lẽ đó là lý do khiến ông vẫn nhớ như in những tháng ngày cùng đồng đội bảo vệ bầu trời Hà Nội.
Nghe bài viết dưới đây: