Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Theo dự thảo, phạm vi áp dụng của Nghị quyết chỉ là các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng quy định về việc xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong hệ thống pháp luật còn những thiếu sót. Quốc hội cần sớm xem xét và ban hành Nghị quyết để khắc phục kịp thời, tránh thất thoát tài sản, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho bị hại và cho cả người bị buộc tội.
Tránh thất thoát, lãng phí tài sản cho nhà nước
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, nêu dẫn chứng: “Hiện nay chúng ta chưa có quy định về đánh giá vật chứng là mau hỏng và khó bảo quản. Tôi dẫn chứng vụ buôn lậu sách ở Hà Nội, thu giữ mấy trăm tấn sách, chúng ta phải bảo quản vật chứng, phải thuê kho và người giữ gần 1 tỷ đồng/tháng. Mà số sách này không được sử dụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố. Phải đợi cho tòa xử, đến khi tòa xử thì tuyên tiêu hủy sách. Nếu như chúng ta có cơ chế để cơ quan điều tra, Viện kiểm soát, xử lý… thì Nhà nước không mất số tiền này”.
Bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho bị hại và người bị buộc tội
Đặc biệt, khi dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự được Quốc hội xem xét, thông qua sẽ đảm bảo rất tốt về quyền lợi cho các bên liên quan đến vụ án, nhất là người bị hại và đối tượng bị buộc tội. Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, dẫn chứng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông cho biết cơ quan điều tra thu được hơn 8.600 tỷ từ năm 2022, trong đó có tiền của nhiều bị hại. Đến 2024, số tiền này mới được dùng để trả lại cho người bị hại. Tức là, trong khi những người bị hại có thể đã phải đi vay lãi từ người thân, ngân hàng để mua trái phiếu và phải trả lãi suốt thời gian vụ án được điều tra, xét xử thì số tiền này lại bị xứ lý theo quy định hiện hành là “đóng băng” trong kho bạc của Nhà nước. “Nếu sớm có cơ chế để chi trả cho người bị hại như quy định trong dự thảo Nghị quyết, thì người bị hại có thể đã được nhận lại số tiền ấy sớm hơn, hạn chế được phần nào thiệt hại do không phải trả lãi của khoản vay từ ngân hàng, người thân”, ông Long phân tích.
Cũng lấy ví dụ từ vụ án Tân Hoàng Minh, đại biểu Lý Văn Huấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, nếu số tiền hơn 8.600 tỷ thay vì đưa vào Kho bạc Nhà nước, đem gửi vào ngân hàng thì cũng sẽ thu được khoản lãi rất lớn. Số tiền này giúp chủ sở hữu tài sản - người bị buộc tội, hạn chế được thiệt hại.
Cho rằng dự thảo Nghị quyết nếu được thông qua còn đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người bị buộc tội, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế nêu dẫn chứng về một vụ án xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh. “Vì chưa có cơ chế là cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tổ được chức bán vật chứng, nên cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh từng kê biên nhiều tài sản, trong đó có 2 cái máy nghiền đá. Thời điểm kê biên, có nhiều người muốn mua với giá rất cao nhưng không thể bán được vì pháp luật không cho phép. Vụ án diễn ra trong 3 năm, đến khi xử xong, máy nghiền đá đó không còn giá trị sử dụng nữa, chỉ có thể đem bán sắt vụn”, ông Hải kể.
Giảm áp lực cho cơ quan thực thi pháp luật
Đại biểu Lý Văn Huấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, cho biết kho chứa vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra cũng như việc quản lý số lượng vật chứng, tài sản này đang là áp lực rất lớn đối với cơ quan thực thi pháp luật. “Các vụ án như thu giữ siêu xe, bây giờ cơ quan điều tra rất áp lực vì vật chứng không có kho chứa, không có điều kiện bảo quản. Tài sản trị giá hàng tỷ đồng mà để bị phơi mưa, phơi nắng lâu ngày sẽ hao mòn giá trị rất lớn. Một ví dụ khác, cứ dịp cuối năm, cơ quan chức năng thu giữ lượng pháo rất rất lớn mà không có nơi chứa, mà pháo là hàng hóa rất nguy hiểm”, ông Huấn chia sẻ.
Ông Huấn cho rằng dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự khi được Quốc hội thông qua sẽ mở ra hướng xử lý những vụ việc như vậy và trường hợp, vừa giảm thiểu được nguy cơ mất an toàn, vừa giảm áp lực cho cơ quan thực thi pháp luật.