Đột quỵ – căn bệnh vốn được mặc định là của người cao tuổi nay đã không còn là chuyện hiếm gặp ở người trẻ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), độ tuổi trung bình mắc đột quỵ trên toàn cầu là từ 70 đến 75 tuổi. Nhưng tại Việt Nam, con số này chỉ khoảng 62 tuổi – trẻ hơn thế giới gần 10 năm.

Đặc biệt, một khảo sát tại Bệnh viện Nhân Dân 115, TP. Hồ Chí Minh năm 2019 cho thấy, tình trạng đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng nhanh chóng. Kết quả nghiên cứu trên 2.300 bệnh nhân trong hệ thống đăng ký bệnh nhân đột quỵ toàn cầu cũng phản ánh điều này.

Điều gì đang xảy ra? Tại sao những người trẻ tuổi, thậm chí là những người thường xuyên luyện tập thể thao, lại có nguy cơ đối mặt với căn bệnh đầy nguy hiểm này?

Những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn mà ít ai ngờ tới

Nhiều người vẫn nghĩ đột quỵ chỉ xảy ra khi già yếu, nhưng thực tế, người trẻ cũng phải đối mặt với những nguy cơ tương tự: tăng huyết áp, đái tháo đường, cholesterol cao, béo phì, hút thuốc và bệnh tim. Nhưng đó chưa phải là tất cả...

Theo BS CKI Phạm Văn Cường, Khoa Can thiệp mạch thần kinh, Viện thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngoài các yếu tố thông thường, người trẻ còn đối mặt với những rủi ro đặc thù như: chứng đau nửa đầu, sử dụng thuốc tránh thai, mang thai và tình trạng sau sinh, lỗ bầu dục tồn tại (một dạng thông thương bất thường giữa các buồng tim) hoặc sử dụng ma túy.

Đáng lưu ý, nhiều người trẻ tập luyện thể thao thường xuyên, không mắc bệnh nền nhưng vẫn bị đột quỵ. Theo bác sĩ Cường, phần lớn trường hợp này có liên quan đến dị dạng mạch máu não - một căn bệnh nguy hiểm chiếm tới 20% số ca đột quỵ ở người trẻ. Dị dạng này khiến mạch máu não bị rối loạn, dễ dẫn đến xuất huyết não khi gặp các yếu tố thuận lợi như căng thẳng, áp lực công việc hoặc tập luyện quá sức.

Lối sống không lành mạnh: Thủ phạm thầm lặng dẫn đến đột quỵ

Bác sĩ Phạm Văn Cường chia sẻ, có những bệnh nhân rất trẻ, chỉ mới 30 tuổi nhưng đã trải qua đột quỵ nghiêm trọng. Lý do? Thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia quá mức, thức khuya triền miên và căng thẳng kéo dài. "Một ngày hai bao thuốc, thêm vài ly rượu, thức khuya đến 2-3 giờ sáng – tất cả đều là những “quả bom nổ chậm” - bác sĩ Cường nói.

Ngoài những bệnh nhân trưởng thành, bác sĩ Cường cũng nhắc đến một trường hợp đáng chú ý: một cháu bé chỉ mới 6 tuổi đã bị xuất huyết não do dị dạng mạch máu bẩm sinh. Mặc dù không hề có biểu hiện bệnh lý trước đó, nhưng chỉ sau một lần ngã nhẹ, tình trạng xuất huyết não xảy ra đột ngột. Trường hợp này đã được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhưng là lời cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn ngay cả ở trẻ nhỏ.

Ngoài ra, một bệnh nhân khác, là một nhạc công sinh năm 1988, cũng đã trải qua đột quỵ ở tuổi 37. Dù mắc bệnh đái tháo đường nhưng vì chủ quan với sức khỏe, không kiểm soát đường huyết định kỳ và bỏ qua việc uống thuốc, anh đã rơi vào tình trạng nguy kịch sau cơn đột quỵ. Đến khi nhập viện, các bác sĩ phát hiện mạch máu não đã bị xơ vữa nặng nề.

Những trường hợp này là minh chứng rõ ràng cho thấy, lối sống thiếu lành mạnh, không kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân thầm lặng nhưng nguy hiểm, khiến đột quỵ đến bất ngờ và để lại hậu quả nghiêm trọng.

Tập luyện cường độ cao có thực sự an toàn?

Một điều ít ai ngờ tới là tập luyện thể thao cường độ cao cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Những bộ môn như marathon, đạp xe đường dài, tập gym cường độ mạnh đều tiềm ẩn nguy cơ nếu người tập không theo dõi sát sức khỏe. Bác sĩ Cường đưa ra cảnh báo rằng, tập luyện quá sức có thể gây rối loạn nước điện giải, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ.

Để đảm bảo an toàn, người trẻ cần nắm rõ chỉ số tim tối đa – được tính bằng cách lấy 220 trừ đi số tuổi của mình. Nếu nhịp tim vượt quá mức này, nguy cơ xảy ra đột quỵ sẽ tăng cao.

Nhận diện sớm và xử lý khi xảy ra đột quỵ

Thời gian là não. Mỗi phút trôi qua, hàng triệu tế bào thần kinh bị phá hủy. Phát hiện sớm đồng nghĩa với hy vọng sống sót và hồi phục.

Theo khuyến cáo của WHO, có thể nhận diện đột quỵ qua nguyên tắc "B - FAST": Rối loạn thăng bằng (Balance), thay đổi thị lực (Eyes), yếu liệt mặt (Face), yếu liệt tay (Arms), rối loạn ngôn ngữ (Speech) và thời gian (Time). Nếu phát hiện những dấu hiệu này, cần đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

BS CKI Phạm Văn Cường, Khoa can thiệp mạch thần kinh, Viện thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng lưu ý: những phương pháp dân gian như châm cứu, trích máu ở đầu ngón tay đều không có căn cứ khoa học, thậm chí gây mất thời gian vàng trong cấp cứu.

Chúng ta vẫn nghĩ rằng tập luyện đều đặn, sống lành mạnh là đủ, nhưng đôi khi, sức khỏe không chỉ cần sự cố gắng mà còn cần sự am hiểu. Hiểu đúng về những tín hiệu bất thường của cơ thể, hiểu đúng về nguy cơ tiềm ẩn - đó là cách bảo vệ chúng ta khỏi những biến cố.