Người phụ nữ trung niên đã gửi thư đến Đài Tiếng nói Việt Nam tâm sự về hoàn cảnh của mình như thế này:

Bố mẹ tôi sinh được 3 người con, nhưng ai cũng nghèo. Chị gái và em trai tôi thì có gia đình riêng, có con cái, chứ riêng tôi chồng chẳng có, con cũng không nên lúc nào cũng bơ vơ một mình một bóng.

Hơn chục năm trước, khi bố mẹ mất đi, tôi theo người quen vào Nam làm thuê, định bụng có ít vốn dắt lưng sẽ về quê sinh sống. Năm 2017, dành dụm được ít tiền vàng, tôi trở về quê. Nhưng chẳng được bao lâu, tiền vàng chị em tôi vay mượn hết, thế là tôi lại tay trắng. Ở nhà ruộng đồng chẳng có là bao, tiền không có, chỗ trông cậy cũng không, tôi quyết định ra Hà Nội làm giúp việc. Với lại tôi chẳng có ràng buộc gì, muốn đi là đi được ngay. Tôi đi làm ngoài này đã 4, 5 năm rồi, vậy mà chẳng tích cóp được đồng nào, mà tôi có chi tiêu gì cho bản thân mình đâu. Làm cái nghề này, ăn uống sinh hoạt đều ở nhà chủ, nên lương tháng cũng để dành được kha khá. Nhưng khổ nỗi tôi cứ hay cả nể, làm được ít nào là chị em, họ hàng cứ vay rồi lại xin tiền mua thứ nọ thứ kia. Tôi mà không cho vay thì họ giận. Chị gái tôi còn bảo: “Làm được tiền cứ cho các cháu, sau già nó nuôi, đi đâu mà thiệt”. Em trai tôi cũng hùa vào: “Các cháu như con bác, sau này bác già yếu nó chăm lo cho bác chứ còn ai vào đấy nữa?”. Tôi thấy thiên hạ bao nhiêu là chuyện rành rành ra đấy, chị với em tôi nói thế thôi, chứ không có tiền họ chẳng thương đâu. Tôi tự thấy mình cũng không phải hẹp hòi, một năm đôi ngày về giỗ cha mẹ, tôi cũng biếu chị cả và cho em trai mỗi người 5 trăm, 1 triệu chứ đâu có ít, rồi mua quà bánh cho các cháu. Thực trong lòng tôi cũng thương chị gái và em trai tôi lắm, anh rể cũng như em dâu tôi cũng đối xử công bằng. Còn các cháu, đứa nào tôi cũng quý mến, chúng xin tôi đôi trăm mua cái nọ cái kia là tôi cho ngay không hề nói lại với bố mẹ chúng nó. Vậy mà bố mẹ các trong không biết gì cho là tôi không quan tâm tới chúng. Rồi đôi lúc lại bóng gió: “Các cháu coi bác như con, thế mà chả được manh quần tấm áo”. Có lúc em trai tôi còn bảo “Có tiền cứ giữ khư khư thì đến già cũng chẳng ăn được”. Họ nào biết bao nhiêu tiền cho chỗ này một ít, chỗ kia một ít, tôi có muốn giữ khư khư cũng chẳng được.

Vừa rồi, em tôi nói các cháu cũng lớn rồi, muốn xây sửa nhà cho rộng để các cháu có phòng riêng. Tôi còn chưa muốn làm là bởi còn đang phân vân quá. Năm 2013, em tôi làm nhà, có hơn chục triệu tôi cho nó vay hết. Đến khi tôi trở về quê, em tôi nói để cho chị ở một gian bên cạnh, vậy là món nợ đó coi như xong. Nhưng giờ em tôi lấy lại nhà để xây nhà mới. Nó nói tôi phải đóng góp thêm vào thì nó mới làm một gian cho tôi, còn không thì thôi. Không đóng góp cho em thì không có nhà mà ở, còn đưa tiền cho nó, tôi chẳng còn đồng nào để dành dụm lúc về già. Năm nay tôi đã 55 tuổi. Mỗi tuổi lại thấy sức khoẻ mình kém đi một chút. Chẳng biết tôi còn đi làm được đến bao giờ nữa. Bởi vậy tôi cứ tưởng tượng ra cảnh mình không một xu dính túi, việc cũng chẳng thể làm, mà có đi làm cũng chẳng ai người ta thuê một cụ già. Lúc ấy sống phụ thuộc vào các cháu, nó cho ăn đã là may. Lúc trái gió trở trời, cần lọ dầu viên thuốc, liệu có xin được chúng nó tiền mà mua. Mà cả đời đi làm, chả lẽ về già lại ngửa tay xin các cháu. Mình cũng có cái tự trọng của mình, sao có thể làm gánh nặng cho các cháu được. Dạo này tôi mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện có nên đưa tiền cho em không. Tôi không biết tính thế nào cho nó hợp tình hợp lý, để nó khỏi trách tôi là bo bo giữ của. Liệu tôi đưa hết tiền cho em tôi, sau này tôi sẽ ra sao, các cháu tôi chúng sẽ đối xử với tôi thế nào?…

Các bạn chia sẻ với nhân vật bằng cách để lại lời nhắn dưới câu chuyện hoặc gọi đến số điện thoại 0243.934.1139 (trong giờ hành chính) ./.