Khi hai anh em cô còn nhỏ, bố cô đã từng có người khác. Quá đau đớn, mẹ cô lựa chọn con đường kết thúc cuộc sống. May mắn, những người trong gia đình phát hiện và đưa mẹ cô đi cấp cứu kịp thời. Thế nhưng, đó chỉ là cứu được về thể xác, còn những tổn thương trong tâm lý khiến mẹ cô trở nên mất niềm tin với chồng, với những người phụ nữ xung quanh. Sống trong hoàn cảnh ấy, cô gái đã phải chịu nhiều tủi hờn. Thậm chí, có những lúc cô chỉ mong muốn bố mẹ ly hôn để giải thoát cho nhau khỏi cuộc sống đau khổ này. Liệu điều đó có nên không? Hay sẽ lại là một cú sốc tinh thần lớn hơn nữa cho mẹ cô.
Sau khi câu chuyện được phát sóng trong chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" của VOV2, nhiều thính giả đã đồng cảm, chia sẻ và đóng góp ý kiến với nhân vật:
Biên tập viên chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" cũng có đôi điều muốn chia sẻ với nhân vật như thế này:
Người ta vẫn thường nói “để có thể nắm tay nhau khi về già chúng ta phải biết cùng nhau vượt qua giông bão thời son trẻ”, gia đình nào cũng vậy, cũng sẽ trải qua biết bao sóng gió mới có thể viên mãn sau này. Thế nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là cách đối diện và xử lý khi có những vấp váp đó thế nào.
Rất nhiều cha mẹ khi xảy ra chuyện, họ thường đổ lỗi, trách móc lẫn nhau rồi giận lây sang cả các con, để rồi tạo nên những vết thương trong tâm hồn của một đứa trẻ. Có lẽ, mẹ bạn đã phải trải qua rất nhiều điều tồi tệ khi ông bà ngoại bạn xảy ra chuyện nên đã khiến bà có cách hành xử tiêu cực khi gặp phải câu chuyện tương tự. Tuy nhiên, đó là một lựa chọn mang tính cá nhân, thiếu suy nghĩ để rồi bạn, anh trai bạn và giờ là chị dâu của bạn cũng phải chịu những điều tương tự. Đáng lý, vì đã từng trong hoàn cảnh đó, mẹ bạn cần phải mạnh mẽ hơn, yêu thương các con hơn, che chở cho chúng và cùng nhau vượt qua khó khăn.
Tôi không đánh giá mẹ bạn đúng hay sai. Bởi mỗi người có giới hạn chịu đựng khác nhau. Có những người sẽ nhanh chóng vượt qua, nhưng cũng có những người trượt dài trong những đau khổ. Dù lựa chọn tha thứ để bắt đầu lại, dù muốn con có được một mái ấm trọn vẹn, tuy nhiên, những tổn thương trong lòng như một vết thương không sao lành lại được. Và mẹ bạn đã và đang phải gánh chịu những điều đó.
Như bạn cũng chia sẻ, ngoại trừ cái tính ghen tuông đến mức hoang tưởng thì mẹ bạn là một người hay lam hay làm, không ngại khó ngại khó, yêu chồng thương con và cũng là người sống trọng tình cảm. Có lẽ suốt quãng thời gian qua, mẹ bạn toàn tâm toàn ý chăm sóc anh em bạn khôn lớn trưởng thành, chăm lo cho gia đình và cuộc sống chỉ gói gọn với những mối quan hệ ít ỏi ấy nên có những lúc cùng cực, mẹ bạn sẽ có những suy nghĩ cực đoan.
Hơn nữa, bởi sự tổn thương quá lớn mà mẹ bạn giống “con chim sợ cành cong” lúc nào cũng sợ hãi người khác sẽ quay lưng, phản bội mình nên bà trở nên cay nghiệt và luôn trì triết, đay nghiến để như một lời nhắc nhở về những lỗi lầm bố bạn đã gây ra. Thế nhưng, điều ấy lại khiến cho bố bạn và những thành viên khác trong gia đình phải hứng chịu. Tôi sợ rằng, nếu tình trạng này kéo dài, có thể sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc của anh trai bạn và sau này sẽ là bạn.
Sự nghi kị sẽ khiến con người ta trở nên xấu xí hơn bao giờ hết. Bằng chứng là mẹ bạn trở nên trơ trọi với thế giới xung quanh. Từ những người thân trong gia đình cho tới những người hàng xóm, người bạn, họ ngại ngần khi phải tiếp xúc với mẹ bạn, với bố của bạn. Bởi nếu chỉ sơ sẩy cười nói vô tư là có thể dẫn tới những tranh cãi nảy lửa. Cho nên thay vì nhắn nhủ những người xung quanh nhất là những người phụ nữ cố gắng né tránh bố bạn càng xa, càng tốt thì hãy động viên mẹ bạn đi điều trị một cách nghiêm túc.
Bạn đã tìm ra được nguyên nhân khiến mẹ bạn trở nên ghen tuông một cách cực đoan như vậy thì chắc chắn sẽ có cách để giải quyết vấn đề đó triệt để. Bạn hãy đưa mẹ bạn đến gặp bác sỹ tâm lý để mẹ bạn có phác đồ điều trị hiệu quả. Cùng với đó, hãy khiến mẹ bạn bận rộn hơn với những kế hoạch cho việc chăm sóc sức khỏe của bản thân, bồi dưỡng tinh thần bằng những chuyến đi, kết thân nhiều hơn với những người bạn đồng niên để mẹ bạn có thể tìm thấy nhiều niềm vui khác trong cuộc sống.
Chỉ khi mẹ bạn được sống vì mình, cho mình và chuyển sự tập trung từ bố bạn sang những công việc khác sẽ giúp mẹ bạn dần thoát khỏi sự ám ảnh đó. Điều cần nhất trong hoàn cảnh này là tha thứ. Tha thứ ở đây không phải chỉ là tha thứ cho người bạn đời đã phản bội mình mà còn là tha thứ cho chính mình để có được cuộc sống thanh thản hơn.
Chúng ta là người ngoài, đôi khi không hiểu được sự ám ảnh, hoang tưởng về tâm lý mà những người bị bệnh đang phải đối diện hàng ngày. Nên hãy giúp họ tháo gỡ từng nút thắt trong lòng để họ không còn cảm thấy sợ hãi, không còn cảm thấy mọi mối nguy hiểm đang rình rập. Bởi, đôi khi những nỗi sợ vô hình nó đáng sợ và khó kiểm soát hơn nhiều những nỗi sợ hữu hình bạn ạ.
Đã là con thì ai cũng mong bố mẹ được hạnh phúc, viên mãn bên nhau trọn đời. Hãy đồng hành với mẹ để cùng nhau vượt qua những khó khăn bạn nhé.