5 rưỡi chiều quả thực là khung giờ “thần thánh” của lũ trẻ trong xóm tôi. Đúng giờ đó, đứa nào cũng ngồi nghiêm trang trước ti vi để “đắm đuối” với những Ưsagi khóc nhè, Tuxedo mặt nạ - hoàng tử Endymion, mèo Luna… của phim “Thủy thủ mặt trăng”. Đám con gái, đứa nào cũng bắt chước để kiểu tóc giống Ưsagi. Mà để sở hữu kiểu tóc này rất chi là kỳ công. Đầu tiên phải cắt mái thật dày, đứa nào có chiếc trán dô là lợi thế vì tóc mái sẽ phồng lên. Sau đó phải rẽ ngôi giữa, thường xuyên dấp nước để tạo dáng tóc hình trái tim. Để giống Ưsagi hơn thì vo tròn hai búi tóc hai bên và đôi mắt phải trợn tròn hết cỡ ra vẻ long lanh, ngây thơ.

Đùng một cái, nhà tôi có người lạ, mà gọi là lạ cũng không đúng, chỉ có điều là phải mấy năm nay tôi không gặp. Người ấy là cậu Hiệp, em trai của mẹ. Mẹ tôi là con gái thành phố, theo như bố nói là “Vì phải lòng vẻ đẹp trai lãng tử của bố nên theo không về thành tiểu thư nông dân”. Chính vì điều này mà ông bà ngoại giận mẹ. Mười năm lấy bố, số lần mẹ về nhà ngoại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn tôi, lần về nhà ngoại gần đây nhất là hai năm trước, lúc ông ngoại qua đời. Hồi ấy, cậu Hiệp trắng trẻo, hiền lành chứ không râu ria lởm chởm và ánh mắt lầm lì, hăm dọa như bây giờ, may nhờ kiểu tóc hai mái nên tôi mới nhận ra cậu.

Cậu về, mẹ tôi sắp xếp cho ra ở riêng ở căn nhà tre trong vườn nhãn để không lâu ngày từ hồi ông bà nội dọn vào Nam ở với bác cả. Dọn dẹp tinh tươm, mẹ còn bê luôn chiếc ti vi quý giá sang bên ấy, bảo “Để cậu xem đỡ buồn”. Thế là cứ chiều chiều, lũ chúng tôi lại phải sơ tán qua vườn nhãn, lấm la lấm lét hóng xem cậu có bật ti vi không. Lần nào cũng vậy, thấy cậu nằm khểnh trên chõng, thỉnh thoảng làm bi thuốc lào (Từ hồi về đây, cậu tôi đâm nghiện món này). Trông thế mà cậu dễ tính lắm, chỉ một lần dò hỏi, lần sau hễ sang là cậu đã bật sẵn ti vi. Ban đầu chúng tôi còn tản mác mỗi đứa một góc cốt xem được phim sau đó quây lại trên chõng, tôi còn ngồi trong lòng cậu, dán mắt vào màn hình. Dần dà, tôi nhận ra quyền lực của mình với cậu rất lớn. Thí dụ như hôm nào tôi hắt xì liên tục khi ngồi trong lòng cậu rồi cằn nhằn mùi hôi thuốc lào là hôm sau cậu không hút thuốc nữa, lại chăm tắm giặt hơn hẳn. Rồi khi mang cơm mẹ nấu sang mà cậu chỉ đụng đũa một tý xong bỏ dở mà tôi có xị mặt thì y như rằng cậu lại phải cố ăn dù trông thật khổ sở như bò nhai cỏ.

Dần dà, tôi thích chơi với cậu. Hôm nào không phải đi học, hai cậu cháu chơi với nhau cả buổi chiều không chán. Cậu cháu tôi còn vỡ một khoảnh đất trồng rau tăng gia cho mẹ, còn đạp xe thể dục mỗi chiều và tắm máng ngày ngày không biết chán. Thế nhưng, trò thú nhất của tôi là tạo kiểu tóc Thủy thủ mặt trăng cho cậu Hiệp. Công việc này tôi làm nhẫn nại không biết chán, một phần cũng vì mê tít mái tóc vừa xanh, rậm lại mượt mà như tóc con gái của cậu. Những buổi trưa, khi cậu bận ngủ hoặc đọc sách, tôi lại tha lôi đủ thứ cặp, tỷ mẩn ngồi tạo dáng kiểu tóc hình trái tim với thứ keo sẵn có là nước miếng. Không phụ lòng người, sản phẩm cuối cùng cậu sở hữu mái tóc Ưsagi không chê vào đâu được.

Nửa năm trôi vèo như chớp mắt, cậu béo ra, trắng ra, nói chuyện nhiều hơn so với ngày đầu về đây và cũng thấm thoắt cũng đến ngày cậu phải trở về thành phố. Trước ngày về, canh trước giờ ti vi chiếu phim nửa tiếng, cậu gọi bác thợ ảnh vào, bấm máy cho cậu cháu tôi với lũ trẻ trong xóm mấy kiểu ảnh. Lên thành phố rồi, thỉnh thoảng cậu viết thư về, bảo hễ ai gặp cậu cũng chết cười với “kiểu tóc mái hình trái tim kỳ quặc”. Cậu còn hứa sẽ giữ mãi kiểu tóc ấy làm kỷ niệm.

Y lời, mấy chục năm nay cậu tôi không cắt tóc mái. Tóc cậu dài, buộc thành túm như con gái, vết dấu kiểu tóc Ưsagi nếu để ý kỹ chỉ còn thấy mơ hồ. Cậu đã trở thành một doanh nhân thành đạt, mẹ và bà ngoại cũng hết giận nhau. Nhưng những tấm ảnh kỷ niệm vẫn còn lại đó và câu chuyện cậu phải về quê để cai nghiện mà tôi nghe lén bố mẹ nói với nhau ngày nào vẫn mãi là bí mật.