Tại hội thảo, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL cho biết, mục tiêu tổng quát của “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm năm 2045” là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng. Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa để tăng cường tính quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy giao lưu, hội nhập quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, hướng đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP quốc gia.

Lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa bình quân tăng 8%/năm, chiếm tỷ trọng 6% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa bình quân đạt 8%/năm. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng về giá trị xuất khẩu của các ngành công nghiệp văn hóa bình quân đạt 6%/năm. Mạng lưới các trung tâm công nghiệp văn hóa, không gian sáng tạo được quy hoạch đồng bộ, đầu tư hiện đại, tôn vinh điểm đặc sắc, độc đáo, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương, quốc gia; tăng cường tỉnh liên kết vùng và liên kết các hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa. Phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đến năm 2030, có từ 5 đến 10 thương hiệu quốc gia tham gia sâu rộng và khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ để thúc đẩy phát triển và gia tăng giá trị.

Đặc biệt, đến năm 2045, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP và thu hút 6 triệu lao động để trở thành quốc gia phát triển về công nghiệp văn hóa trong khu vực châu Á; đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới.

Ngày 26 tháng 12 năm 2024 dự thảo quyết định phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045 gồm: 2 Điều, 5 quan điểm, 7 mục tiêu chung, 10 Mục tiêu cụ thể, 6 Định hướng phát triển, 5 ngành công nghiệp văn hóa, trọng tâm gắn với các giải pháp phát triển, tổ chức thực hiện trong từng giai đoạn.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết, việc xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đưa ra những giải pháp, chiến lược cụ thể để tạo "sức bật" cho các ngành công nghiệp văn hóa của nước ta trong thời gian tới.

Để dự thảo “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đạt kết quả đề ra, Chiến lược cũng xác định tập trung phát triển có trọng tâm vào 5 ngành: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; phần mềm và các trò chơi giải trí; du lịch văn hóa.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho rằng: "Để văn kiện này ban hành ra thì phải nâng cao nhận thức xã hội với một tầm nhìn mới. Thứ hai là làm sao để tăng cường vị thế của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong đời sống kinh tế xã hội. Làm thế nào để thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; làm thế nào để huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực, nguồn lực ở đây không phải chỉ hiểu đơn giản là vật chất, nguồn lực. Vì vậy, cần phải xác định một số ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm, có những chủ trương, chính sách, có những cơ chế cụ thể, có những nguồn lực nhất định, để thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam mạnh lên được".

Tại hội thảo, các đại biểu cùng các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước đã tập trung làm rõ những vấn đề được đưa ra trong dự thảo “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bên cạnh đó, cũng đóng góp nhiều ý kiến hay, tập trung những vấn đề trọng tâm, cốt lõi… để góp phần thực hiện thành công Chiến lược. Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội cho rằng, 3 cấu phần của công nghiệp văn hóa là: sản phẩm, vấn để tiêu thụ sản phẩm công nghiệp văn hóa và tiếp là dịch vụ để kết nối thị trường và với các sản phẩm văn hóa công nghiệp văn hóa, là điều Sở rất quan tâm.

Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Đây là việc làm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người Việt Nam, tạo sức mạnh nội sinh, trở thành động lực quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển bền vững đất nước…