Hơn hai thập niên trước, có một nhóm bạn hẹn nhau đến quán rượu sau khi nghe một hội thảo về sắp xếp cuộc sống chung cho phụ nữ lớn tuổi ở Hà Lan. Từ cảm hứng này họ quyết định thành lập cộng đồng của riêng mình.
Bà Shirley Meredeen, một trong những phụ nữ có mặt tại quán rượu ngày hôm đó cho biết, nhóm của bà thành lập Nhà ở chung cho Phụ nữ Lớn tuổi (OWCH) vì không muốn kết thúc cuộc đời trong viện dưỡng lão và từ đó sinh hoạt định kỳ.
Do những rào cản về chính sách đất đai tập thể cho người cao tuổi cùng hàng loạt khó khăn khác, phải mất 18 năm kế hoạch này mới trở thành hiện thực. New Ground Cohousing khai trương tháng 12/2016 tại High Barnet, phía bắc London, trở thành cộng đồng đầu tiên cho người lớn tuổi ở Anh.
Tại đây có 25 ngôi nhà theo phong cách Victoria cổ kính. Trong số này có 17 căn bán cho cá nhân, 8 căn cho thuê để bất cứ ai có nhu cầu đều bình đẳng. Khu vườn riêng tư và yên tĩnh hòa hợp với không gian xung quanh. Mỗi căn hộ đều có ban công hoặc sân thượng, hướng ra khu vườn. Kiến trúc thiết kế thân thiện với người già, xe lăn có thể dễ dàng đi qua, sử dụng vật liệu cách nhiệt để giảm dùng điều hòa.
Các cư dân nữ ở độ tuổi từ ngoài 50 đến 90 đến từ nhiều thành phần khác nhau. Họ có căn hộ khép kín nhưng dùng chung phòng sinh hoạt, bếp, vườn và phòng giặt là. Họ cùng nhau uống cà phê vào buổi sáng, tập Thái cực quyền và Yoga vào buổi chiều, nấu ăn chung hai tuần một lần và có nhiều cuộc gặp gỡ khác.
Cư dân có thể có bạn trai, nhưng thời gian cư trú của nam giới không quá 6 tuần. Nếu cả hai quyết định sống cùng nhau, họ phải rời khỏi cộng đồng.
Ở tuổi 85, bà Rachel sống trong một căn hộ tiện nghi có phòng ngủ chính và hai phòng cho khách. Trước khi vào đây bà buôn bán đàn và là một nghệ sĩ đàn Cello.
Ngôi nhà chứa đầy bộ sưu tập cuộc sống của bà. Chiếc đồng hồ treo tường 175 tuổi, cây vĩ cầm do bà tự làm. Trên tường phòng khách đầy sách, còn tường phòng ngủ bao phủ bởi tranh. Bà Rachel cho biết, con trai bà sống ở California (Mỹ) rất xa, nhưng đến thăm bà vào mùa hè, còn con gái và đứa cháu trai sống ở Cambridge nên đến đây thường xuyên. Bà chọn căn hộ lớn này để con cháu có thể ở lại qua đêm.
Bà Rachel gia nhập Nhà ở chung cho Phụ nữ Lớn tuổi năm 2002, khi chồng qua đời, lúc đó bà 61 tuổi và các con đã lớn. Khi nhìn thấy tờ rơi, bà không biết “sống chung” nghĩa là gì. Sau khi tham dự một cuộc gặp mặt của nơi đây, bà biết chính xác những gì mình muốn đó là việc được sống một mình, có không gian riêng, có bạn bè vây quanh và gia đình dễ dàng đến thăm.
Ở đây họ có một khu vườn lớn. Mọi người không cắt cỏ để khu vườn bao phủ những bông cúc trắng mỏng manh. Họ có vườn rau trái, mùa hè đủ các loại rau quả.
Bà Hillary, một thành viên của Nhà ở chung cho Phụ nữ Lớn tuổi cho biết, không phải việc đặt một nhóm người xa lạ dưới cùng một mái nhà sẽ tạo ra cái gọi là cảm giác cộng đồng, mà bởi vì mọi người đều tham gia vào mọi thứ tạo ra cảm giác cộng đồng.
Vài tuần trước, bà Judy, 72 tuổi bị gãy tay khi làm vườn. Kể từ đó, mỗi sáng người hàng xóm Charlotte 70 tuổi đến gõ cửa mỗi sáng với bánh sừng bò tươi. Mọi người cũng sẽ đến để xem bà Judy cần gì nữa. Điều này đã giảm bớt gánh nặng cho gia đình của các cụ như chia sẻ của bà Judy. Khi bà ốm đau, hàng xóm mang cho bà sách và hoa, khiến bà cảm thấy mọi chuyện rồi sẽ ổn. Ở một thành phố lớn như London hiếm có những mối quan hệ như thế này.
Còn theo bà Charlotte, tại đây mỗi cụ bà đều có một “đối tác chăm sóc sức khỏe”, giống như Judy nhưng các bà không có mối quan hệ chăm sóc lẫn nhau mà đó thực sự là quan tâm đến nhau.
Cả Judy và Charlotte đều tham gia vào “Nhóm PR” và “Nhóm bảo trì tòa nhà”, để xử lý truyền thông, điều hành các hội thảo để giúp những người muốn xây dựng cộng đồng của riêng họ. Đội bảo trì tòa nhà cũng rất bận rộn. Khi bước vào nơi đây, mọi người sẽ thấy khuôn viên rất dễ thương và ngăn nắp. Để duy trì trạng thái này thực sự tốn nhiều công sức như chia sẻ của bà Charlotte.
Ngoài ra còn có các ủy ban và nhóm như ủy ban tài chính, ủy ban quản lý, nhóm làm vườn, nhóm nội trợ, mỗi người tham gia ít nhất một nhóm.
Mỗi thứ 7 tuần thứ hai hàng tháng họ sẽ tham gia “Hội nghị các vấn đề cộng đồng”, mọi người đề xuất tại cuộc họp và ít nhất 80% người dân phải đồng ý với đề xuất đó thì mới được thông qua. Các bà không đưa ra quyết định bằng lá phiếu và quyết định dựa trên sự đồng thuận để mọi người đều có tiếng nói.
Nếu ai đó không đồng ý, họ có thể phủ quyết và đợi cuộc họp tiếp theo đưa ra một đề xuất thay thế hoặc sửa đổi. Theo chia sẻ của bà Charlotte tất cả mọi người đều đã đến độ tuổi nhận ra rằng cách duy nhất để tiến về phía trước là thông qua đối thoại.
Khi sống ở đây, bà Vivian, 78 tuổi mời giáo viên yoga của mình đến dạy cho mọi người mỗi tuần trong suốt 6 năm qua. Mọi người cũng sẽ giới thiệu cho nhau những người làm vườn, thợ làm tóc, bác sĩ vật lý trị liệu đáng tin cậy và chia sẻ những thông điệp cuộc sống.
Vivian là một thư ký văn phòng trước khi nghỉ hưu. 9 năm trước bà mắc một căn bệnh hiểm nghèo và sau khi xuất viện không thể sống tự lập. Hai con trai đều có công việc, nên họ thay nhau đêm về chăm mẹ. Trong ngày, bạn bè của bà từ nhiều nơi đến hỗ trợ. Đó là lúc bà thực sự nhận ra ý nghĩa của việc sống một mình.
Sau khi khỏi bệnh, bà đã chuyển đến đây. Các con đến thăm mỗi cuối tuần. Con trai của bà Vivian cho biết, từ khi mẹ abg sống ở đây, anh cảm thấy mình hơi dư thừa. Cuộc sống của mẹ anh rất phong phú và anh không còn là trung tâm trong cuộc sống của bà nữa.
Cuộc sống chung cũng có nhiều thách thức, nhất là khi họ đều là những phụ nữ độc lập. Theo chia sẻ của bà Judy, trước đây bà nghĩ mình là người bao dung, nhưng vào đây bà thấy rằng mình cần phải bao dung hơn nữa.
Bà Rachel cho biết, có thể nhóm của bà là thế hệ phụ nữ độc lập đầu tiên. Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào sự chăm sóc của một người đàn ông như trước, họ muốn tự chủ, tạo dựng cuộc sống của chính mình, tự lập cho chính mình. Bà tin xu hướng sống tập thể tuổi về già sẽ ngày càng lan rộng khắp thế giới. Vì vậy, điều rất quan trọng đối với thế hệ như bà và các thế hệ sau là xây dựng một cộng đồng xung quanh.
Theo Vnexpress