Ai cũng mong muốn có một cuộc sống tuổi già vui vẻ, sung túc. Thế nhưng, phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam vẫn có thói quen lệ thuộc tài chính vào con cái, khiến họ bị hạn chế tham gia các hoạt động tinh thần, tự do cá nhân và chăm sóc sức khỏe.

Cụ bà Trần Thị Màn ở Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội run run lần giở từng đồng bạc lẻ. Bà kể đây là tiền con cháu cho, lúc thì 50 nghìn, khi thì 20 nghìn được bà cóp lại thành một món. Mỗi tháng bà dành số tiền này đi khám và điều trị bệnh máu khó đông.

Người phụ nữ cao tuổi này còn mắc nhiều chứng bệnh tuổi già khác như huyết áp, dạ dày, thấp khớp, đau lưng...nhưng chưa bao giờ bà Màn được khám chữa bệnh tử tế, bởi chi phí điều trị bệnh khiến bà vô cùng chật vật. “Các con đứa cho một trăm nghìn, đứa hai trăm nghìn để ăn với mua thuốc, chúng nó cho đồng nào biết đồng nào. Chứ tôi không tiết kiệm được đồng nào, giờ về già tay trắng” - bà Màn ngậm ngùi khi nghĩ về những năm tháng vất vả cuối đời.

Trước kia ngày trẻ, mỗi tháng bà Màn đi thăm họ hàng tới 4 lần. Lần nào tới chơi bà không mua quà này thì thức nọ. Còn giờ đây, mỗi năm bà chẳng thể đi thăm được một lần bởi bà ngại lại phải nhờ con tiền quà cáp, tàu xe.

May mắn hơn bà Màn, mỗi tháng ông Nguyễn Đức Nhuận còn nhận được tiền trợ cấp của nhà nước cho người già 80 tuổi trở lên. Ngày hạnh phúc nhất của ông chính là ngày được cầm trên tay số tiền 300 nghìn đồng này.

Ông Nhuận không sống cùng con cái mà ở cùng vợ trong mái nhà cũ ở ven đê sông Hồng. Hàng tháng, con cái biếu ông bà một khoản nhỏ để chi tiêu, sinh hoạt. Thế nhưng dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến các con của ông thất nghiệp, đời sống khó khăn nên chẳng hỗ trợ được ông nhiều. Ông Nhuận kể rằng, hồi trẻ hai vợ chồng đều là công nhân bốc vác trong Nhà máy nước, công việc vất vả lương thấp lại đông con, để có thể nuôi lớn các con trưởng thành đã là một chuyện vô cùng khó khăn. Không có tích lũy nên về già hai ông bà cũng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của con cái và cộng đồng dân cư xung quanh.

Tâm lý về già nương nhờ con cái như bà Màn, ông Nhuận... không phải là chuyện hiếm. Theo ông Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, nguyên nhân chính khiến người cao tuổi không có thói quen tích lũy tài chính là quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”. Vì thế, nhiều người già phụ thuộc vào con cháu, không tự lập được. Trong khi đó có tới 70% người cao tuổi vẫn phải lao động để đảm bảo cuộc sống của mình.

Trong số 70% người cao tuổi đang phải lao động kiếm sống có trường hợp của bà Trần Thị Tơ. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi đáng ra được hưởng trọn sự an yên, nhẹ nhàng bên con cháu nhưng bà Tơ vẫn phải lam lũ vất vả. Nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống của bà Tơ phụ thuộc vào gánh hàng rong buôn bán mỗi ngày. Hàng ngày, bà Tơ bán đủ loại mặt hàng để sinh sống như nước chè, nước ngọt, bánh kẹo, thuốc lá...Khách hàng của bà chủ yếu là người lao động quanh đó, nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 ập đến bà không bán được mấy, phần là do mấy lần thành phố giãn cách, phần cũng lo lắng tuổi già chẳng may nhiễm bệnh thì khổ, nhất là khi số ca F0 đang tăng mạnh từng ngày.

Ông Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, tỉ lệ người cao tuổi ở nông thôn không có tích lũy chiếm tới 70% so với thành thị. Khi vẫn phải lao động để mưu sinh, tích lũy với một số người cao tuổi dường như là một điều xa vời.

Có thể thấy khi bước vào tuổi già, không ít người phải đối mặt với nhiều trăn trở, lo lắng khi không đủ tiền bạc để chi tiêu thoải mái, phụ thuộc vào con cái hay thậm chí rơi vào tình trạng nợ nần. Việc lập kế hoạch tài chính không chỉ giúp người cao tuổi có cuộc sống độc lập, không phụ thuộc vào con cháu, mà còn được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần tốt nhất. Ông Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, mỗi người phải tự đặt cho mình câu hỏi: Về già sống bằng gì? Lương hưu, phụ thuộc con cái hay nguồn thu nhập khác? Mỗi người cần nhận thức tuổi già sẽ đi kèm với bệnh tật, sức khỏe suy giảm. Thế nên ngay từ khi còn trẻ phải ý thức sinh hoạt lành mạnh, giữ gìn sức khỏe và phải có kết hoạch chủ động tiết kiệm, tích lũy vật chất.

Dự báo đến năm 2036 Việt Nam sẽ từ già hóa dân số chuyển sang dân số già. Theo Báo cáo Triển vọng thị trường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam, đến năm 2035 Việt Nam sẽ có 20 triệu người già.

Tốc độ già hóa dân số đang diễn ra hết sức nhanh chóng, đòi hỏi mỗi người cần sớm lên phương án tích lũy tài chính. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chuyên gia về an sinh xã hội của Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng: chủ động chuẩn bị cho tuổi già không chỉ mang lại lợi ích lớn người cao tuổi, mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội. Bởi khi người cao tuổi có khả năng lập kế hoạch đảm bảo nguồn thu nhập thì họ sẽ có khả năng độc lập về mặt tài chính, chất lượng cuộc sống nâng lên, góp phần đảm bảo quyền cho người cao tuổi. Bà Quỳnh lý giải, trong không ít gia đình khi người cao tuổi phụ thuộc vào con cái hoặc người khác sẽ bị coi là gánh nặng, đó là một vấn đề lớn. Hơn nữa khi người cao tuổi đảm bảo được về mặt tài chính thì họ sẽ có khả năng chi trả các chi phí khi về già, trong khi những chi phí này lớn hơn rất nhiều so với chi phí của trẻ em hay thanh niên.

Tiết kiệm lúc nào cũng cần thiết. Hãy thực hiện điều này ngay từ khi còn trẻ và biến nó thành thói quen để có một cuộc sống an nhàn khi bước sang con dốc bên kia cuộc đời./.