Cụ Quỳnh Hoàng sinh năm 1920. Nhờ năng khiếu thẩm âm, cụ nhanh chóng trở thành nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống dân tộc từ năm 20 tuổi. Khèn bè là loại nhạc cụ khó chế tác nhất, đòi hỏi nghệ nhân phải là người thành thạo biểu diễn khèn, nghe và phân biệt chính xác những cung bậc âm thanh phát ra ở từng thanh đồng trên các ống sậy nhỏ, hòa quyện vào nhau thành những âm thanh đặc biệt của núi rừng Trường Sơn.

Ngoài chế tác khèn bè và các loại nhạc cụ dân tộc khác như sáo Tireel, tù và, Căr đook adol (kèn làm bằng sừng sơn dương)… Nghệ nhân Quỳnh Hoàng còn thẩm âm để chỉnh sửa âm thanh cồng chiêng. Công việc này cực kì khó, đòi hỏi người chỉnh sửa cồng chiêng phải thẩm âm tốt, cảm nhận được “thang âm cung bậc”, tiếng ngân dài ngắn, trong đục của từng chiếc cồng, chiêng trong từng vị trí của dàn nhạc cồng chiêng. Tài năng của nghệ nhân Quỳnh Hoàng lan tỏa khắp cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền Trung và Tây Nguyên. Nhiều đồng bào các tộc người ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam đã tìm đến cụ để mua hoặc đặt làm các loại nhạc cụ. Nhiều người còn mang cả cồng chiêng và các loại nhạc cụ bị hư hỏng đến nhờ cụ chỉnh sửa.

Từ lúc còn trẻ đến khi nhận vai già làng, nghệ nhân Quỳnh Hoàng luôn đi đầu trong sinh hoạt lễ hội văn hóa cộng đồng dân tộc Tà Ôi ở A Lưới. Cụ không ngừng truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ cho lớp trẻ, nhiệt tình giúp đỡ những người muốn trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu cách thực hành hoặc chế tác nhạc cụ, dù người đó thuộc tộc người Tà Ôi, Ka Tu, Pa Cô hay Pa Hy.

Vào những dịp liên hoan nghệ thuật quần chúng, hay những lần tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền núi, cụ đều tham gia dàn dựng các tiết mục cho đội văn nghệ xã A Ngo. Đặc biệt trong Liên hoan nghệ thuật “Gặp gỡ Cao nguyên” năm 1994, cụ đã giành Huy chương Bạc với tiết mục độc tấu cồng chiêng. Trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng “Miền Trung và Tây Nguyên” tổ chức tại Huế, cụ cùng các già làng dàn dựng 2 tiết mục dân vũ cho đội văn nghệ A Ngo tham dự, kết quả cả hai tiết mục đều đạt Huy chương Vàng. Không những vậy, cụ còn tìm đến và hòa mình vào lễ hội của các dân tộc anh em khác ở A Lưới, trở thành nghệ sĩ của nghệ thuật trình diễn văn hóa dân gian trong các lễ hội truyền thống cộng đồng.

Ghé thăm Nghệ nhân Nhân dân Quỳnh Hoàng trong căn nhà sàn truyền thống của người Tà Ôi. Dù nay đã ngoài 100 tuổi, đôi chân già yếu không thể tự đứng lên được, nhưng cứ nhắc đến kỉ niệm về những lần tham gia lễ hội làng hay liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc, mắt cụ lại sáng lên. Những Bằng công nhận, Bằng khen, Giấy khen, những tấm hình chụp Nghệ nhân Quỳnh Hoàng đang biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở bản làng hay trên sân khấu hội diễn; những hình ảnh khi cụ nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; Nghệ nhân Nhân dân do Chủ tịch nước tặng đã trở thành kỉ vật quý giá của cuộc đời cụ. Ngôi nhà sàn và những hiện vật phục vụ cho đời sống và hoạt động nghệ thuật do cụ tự tay chế tác đều là những hiện vật gốc quý giá.

Hiện nay, nhiều di sản văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một. May thay, ở huyện A Lưới vẫn còn Pi Kêr Dơ, sinh năm 1973, dân tộc Pa Cô, ở thôn Lê Ninh, xã Hồng Bắc, hiện công tác ở Phòng Văn hóa Thông tin huyện, là người được Nghệ nhân Nhân dân Quỳnh Hoàng trao truyền bí quyết chế tác khèn bè và nhiều loại nhạc cụ dân tộc./.

(Theo Ngày mới Online)