Người lính trên nương rẫy

Bước qua tuổi 75, già làng Hồ Văn Hạnh (thôn A Niêng Lê Triêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Giọng nói của già khảng khái, rắn rỏi, nhất là khi nhắc lại chuyện “ngày xưa”. Những năm tháng khói lửa chiến tranh chống Mỹ, A Lưới từng là căn cứ địa cách mạng quan trọng của quân và dân tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thời điểm 1968, biết bao người con ưu tú của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy đã lên đường góp sức mình cho cách mạng, trong đó có cái tên Hồ Văn Hạnh. Ông được giao tham gia vào lực lượng du kích tại địa phương, làm dân công vận chuyển, gùi lương tải đạn cho bộ đội, sau đó gia nhập đoàn quân chiến đấu. Là người lính kiên trung, một lòng xả thân cho đất nước, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi đất nước hòa bình, ông phục viên trở về quê hương, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, từng giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cũng như thời trẻ được giác ngộ cách mạng, hoạt động năng nổ trong kháng chiến, khi về hưu, ông luôn tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông Hạnh bảo, đánh giặc gian khổ thế mình còn thắng được, sao có thể chịu thua trước đói nghèo. Nghĩ là làm, ông bắt tay vào thực hiện những sáng kiến của “cây đại thụ” trên dãy Trường Sơn mình nhờ kinh nghiệm làm nương rẫy bao nhiêu năm và thông tin nằm lòng từ những lần tham gia tập huấn. Không chỉ tự thiết kế đường dẫn nước cả vài cây số để có nước trồng lúa, trồng hoa màu, ông còn khai hoang đất rừng để trồng keo, nuôi trâu, gà, vịt. Nhờ áp dụng đúng phương pháp khoa học kỹ thuật và chăn nuôi, nên đàn gia súc và gia cầm của ông có khả năng phòng ngừa dịch bệnh, sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đi qua những ngày đầu khó khăn và thách thức, bây giờ, mỗi năm, mô hình của già Hạnh mang lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Với nhiều người, có thể con số này là không lớn, nhưng ở miền biên viễn, ông được xem là “triệu phú”, là ước mơ của bao người, quanh năm giúp con cháu có được cuộc sống no đủ. Một điển hình nhất là cả 6 người con của già Hồ Văn Hạnh đều thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Cũng ở nơi này, người dân còn nhớ đến già Hạnh như tấm gương của một người rộng lòng bao dung. Nhờ sự tận tình hướng dẫn, giúp đỡ của già làng Hồ Văn Hạnh, hàng chục gia đình ở thôn A Niêng Lê Triêng đã thoát nghèo bền vững bằng mô hình phát triển kinh tế vườn đồi, ao chuồng, như: Trồng sắn, trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi dê, gà và đào ao thả cá. Với những gì đã và đang làm, già Hồ Văn Hạnh được đông đảo bà con tin tưởng, yêu mến và bầu là người có uy tín nhất của xã.

Giữ nghề truyền thống

Ở huyện A Lưới, đồng bào Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy bao đời nay vẫn nhắc nhở cháu con giữ gìn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Không ai khác, lớp già làng, trưởng bản luôn là người đi đầu nêu gương. Với già làng Hồ Văn Hạnh, không chỉ nói mà còn có những hành động cụ thể. Nhiều năm qua, già Hạnh được biết đến là nghệ nhân văn hóa dân gian thực thụ. Trong nhà, già Hạnh luôn gìn giữ bộ sưu tập các nhạc cụ của người Pa Cô và coi đó là báu vật không thể đong đo bằng vật chất. Với già, đó là linh hồn của dân tộc và của bản làng. Nhiều năm liền, già làng Hồ Văn Hạnh cất công sưu tầm, ghi chép tỉ mẩn các điệu múa cổ như: Cha chấp, Boi bói, Ca lơi...

Không những vậy, già còn dành thời gian chế tác nhạc cụ của người Pa Cô như Câr dóc Adoll, A bel, khèn, sáo. Đặc biệt, già luôn vận động bà con biết trân trọng, giữ gìn và bảo tồn nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhưng đồng thời phải biết từ bỏ các hủ tục lạc hậu.“Mất văn hóa thì mờ dấu dân tộc. Nên cùng với việc phát triển kinh tế để tiến kịp văn minh miền xuôi thì tôi luôn nhắc nhở con cháu nêu cao tinh thần giữ gìn truyền thống văn hóa bản sắc của đồng bào mình. Đó là thứ quý giá không thể để mất”- già làng Hồ Văn Hạnh bộc bạch.

Từ nhiều năm trước, già làng Hạnh đã không ngại ngần cất công đi đến nhiều bản làng để gặp gỡ, nói chuyện với những bậc tiền bối. Trải qua thời gian, những bài hát, điệu múa của người Pa Cô dần mai một vì lớp trẻ thích các thể loại nhạc mới. Già quyết tìm gặp lại những vị cao niên ở các bản làng để hỏi rồi ghi chép lại những câu chuyện, khúc hát, điệu múa của dân tộc mình. Cứ thế, nay già Hạnh có cả “kho báu” văn hóa của người Pa Cô ở A Lưới. Không chỉ đề nghị chính quyền địa phương đưa các tiết mục dân tộc vào lễ hội truyền thống, hoạt động cộng đồng mà mỗi khi có dịp, già làng Hồ Văn Hạnh lại hát, chơi các nhạc cụ cho con, cháu và những người xung quanh nghe như nhắc nhở phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Hầu như ai đến thăm và nghe chuyện làm kinh tế, dồn hết tâm huyết, âm thầm cống hiến cho sự giàu đẹp của bản làng biên cương,…cũng đều trỗi lên những cảm xúc lạc quan khó tả. Đó chính là sự biết ơn về bậc cao niên - già làng Hồ Văn Hạnh. Hình mẫu của già đã và đang là sợi chỉ niềm tin chạy liền mạch từ trang sử hào hùng của dân tộc cho đến ngày cây cối xanh lại trên miệng những hố bom sâu.

Nguồn: cand.com.vn