Vừa bước chân vào căn nhà cấp 4 sơn màu vàng, ngói nâu giản dị chúng tôi gặp cụ Trần Thị Sỹ, 103 tuổi đang chống gậy đứng trước bậc thềm, trên tay túi xách bánh kẹo. Khách cất tiếng chào, cụ cười niềm nở mời vào nhà uống nước và không quên giới thiệu mình bị nặng tai không nghe rõ.

Bà Trần Thị Lợi đã 70 tuổi là con gái cụ Sỹ kể, thường ngày cụ Sỹ vẫn đi lại tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân, tuổi đã cao nhưng mọi thứ cụ tự làm cũng không phiền ai cả. Ngày cụ duy trì ăn 3 bữa, mỗi bữa ăn được 2 lưng cơm, bữa sáng cụ thường uống sữa, ăn ngũ cốc và trái cây hoa quả.

Năm 2005 cụ ông mất, cụ Sỹ về ở với người con trai cả và con dâu. Vài năm trước cháu trai út xây dựng gia đình, căn nhà 4 gian nhỏ nhắn bây giờ là nơi sinh sống của 4 thế hệ. Người cháu thứ vừa sinh chắt vào 8 tháng trước, lúc nhà ít người, cần kíp người con dâu cả vẫn nhờ cụ Sỹ bế chắt.

Năm 80 tuổi, cùng với độ tuổi này trong làng, trong xã các cụ đã mắt mờ chân chậm, riêng cụ Sỹ vẫn ra đồng, lúc rảnh cõng chắt đi chơi khắp xóm. Con cháu thấy cụ làm ruộng vất vả nên khuyên nhủ, vận động không được sau đành "cấm vận" mãi cụ mấy chịu bỏ ruộng ở nhà. Tuy ở nhà chơi với các chắt nhưng cụ vẫn không quên những thói quen lao động chăm cây, quét dọn vườn tược, nhà cửa.

Hiện tại ở cái tuổi 103, nhưng cụ vẫn có trí nhớ rất minh mẫn, nhớ được cả Truyện Kiều, thuộc cả những trận đánh của Hai Bà Trưng. Vài tuần trước ông Thỏa, người sinh sống cách nhà cụ vài nhà đi làm ăn xa hàng chục năm không về, vậy mà khi gặp lại chẳng cần giới thiệu cụ đã nhận ra: "Chú Thỏa đúng không". Để sống minh mẫn, khỏe mạnh tới bây giờ theo cụ Sỹ và các con của cụ thì lao động vẫn là số 1, duy trì cho mình tinh thần lạc quan và đặc biệt đừng giận ai quá lâu.

Cách nhà cụ Sỹ không xa là cụ ông Đỗ Minh Tâm, năm nay 92 tuổi, nhưng đôi mắt cụ Tâm vẫn sáng, thời gian rảnh cụ đọc sách, sử dụng điện thoại. Giọng nói của cụ vẫn trong và vang, chân tay khỏe mạnh.

Mỗi ngày, cụ tập thể dục bằng cách đi bộ khoảng 4km hay đạp xe dạo chơi quanh làng. Mặc dù đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng cụ vẫn tích cực tham gia các hoạt động trong Hội người cao tuổi, chưa bỏ một cuộc họp nào. “Cứ 5h sáng, tôi đã dậy đi bộ. Sau đó về đi chợ nấu cơm sáng cho 2 vợ chồng. Ngày nào đi họp thì thôi, còn rảnh là ở nhà đọc báo, đọc sách hoặc chép những tư liệu quý, bài thơ hay từ sách báo vào sổ tay của mình. Ngoài ra đi dạo chơi quanh xóm, đến giờ nấu cơm là về”, cụ Tâm chia sẻ. Ba bữa cơm, cụ Tâm vẫn tự vào bếp nấu. Đồ ăn chẳng cao sang gì, chỉ rau dưa với ít thịt hay con cá nên cũng không tốn thời gian là bao.

Với cụ Tâm, vào mỗi buổi sáng, sau khi ăn cơm xong là phải có cốc cà phê hoặc trà gừng để uống. Cụ bảo, trong túi lúc nào cũng có vài chiếc kẹo gừng, để mỗi khi cảm thấy hơi chóng mặt là cụ cho vào miệng ngậm luôn.

“Cuộc sống của tôi luôn thực hiện phương châm 4 “không” như không thuốc lá, thuốc lào; không rượu bia; không nước ngọt và không hằn thù một ai. Cuộc sống luôn vui vẻ, tâm lý thoải mái, làm việc nhiệt tình”, cụ Tâm nói.

Ông Nguyễn Bá Lịch, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tiên Lữ cho biết, hiện trong xã có 140 cụ trên 80 tuổi, trong đó có 11 người trên 100 tuổi đa phần là nữ giới. Số người cao tuổi tập trung nhiều nhất ở thôn Minh Trụ và thôn Đình. Đại bộ phận người dân trong xã từ trước tới nay đều làm nông nghiệp. “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tới các cụ về cách tự chăm sóc bản thân, sức khỏe, việc ăn uống, giữ gìn vệ sinh cá nhân và ngủ nghỉ”, ông Lịch cho hay.

Theo Vân Anh (Ngày mới online)