Thống kê cho thấy, chưa bao giờ lực lượng người cao tuổi nước ta lại đông đảo như hiện nay. Ước tính có khoảng 12 triệu người, chiếm 12% dân số cả nước. Đây cũng là lớp người có vốn kiến thức, trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng lao động và nghiệp vụ rất phong phú, đa dạng. GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một điển hình. Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng chẳng mấy khi ông cho đầu óc nghỉ ngơi. Rời công việc tại cơ quan nhà nước ở tuổi 60, về nghỉ hưu theo quy định, ông lại tiếp tục công việc tại các tổ chức xã hội của phường. “Về hưu tôi còn làm việc nhiều hơn hồi còn đương chức. Ngoài viết sách, tham gia giảng dạy về chuyên môn, tôi còn làm việc tại Ủy ban Mặt trận tổ quốc của phường gần 15 năm”, GS.TS Vũ Trọng Hồng chia sẻ.

GS.TS Vũ Trọng Hồng tâm sự, ông làm việc không phải vì mục đích kinh tế. Tuy nhiên, với kiến thức và bề dày kinh nghiệm trong các lĩnh vực đê điều, sông ngòi nên ông thường xuyên được mời tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học. Các công ty truyền thông, báo chí cũng hay mời ông hợp tác trong các chương trình truyền thông. Chính vì vậy, ít có khi nào ông có cảm giác mình đã về hưu. Thu nhập cũng vì thế không chỉ có lương hưu. “Các công ty hay mời tôi giải đáp về những vấn đề khoa học, ví như tại sao lại sinh ra đảo nổi ở Quảng Nam? hay Đồng Bằng Sông Cửu Long không có lũ thì có phải là thảm họa?..nên tôi rất bận”, GS.TS Vũ Trọng Hồng bày tỏ.

Cũng đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ít có hôm nào ông Phạm Tài Chính ở xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình tự dành cho mình một này nghỉ trọn vẹn. Ông cho biết từng chứng kiến cảnh nghèo đói, thiếu việc làm ở quê hương nên khi tuổi cao ông vẫn mạnh dạn vay vốn thành lập xưởng mộc. Mục đích là vừa phát triển kinh tế gia đình vừa tạo việc làm cho người dân địa phương. Công việc thuận lợi, xưởng mộc phát triển tốt, ông tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động. “Hàng ngày tôi vẫn điều hành một hợp tác xã với các hoạt động sản xuất đồ mộc, cơ khí, điện….tạo công ăn việc làm lao động là người địa phương”, ông Chính cho biết.

Với kinh nghiệm và niềm đam mê ngành cơ khí, ông Nguyễn Kim Hùng ở xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũng đã tạo dựng một doanh nghiệp, chuyên sản xuất các loại máy nông nghiệp. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn làm giàu cho gia đình, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục lao động. Công nhân chủ yếu là người địa phương nên họ rất cảm kích khi được hỏi về công việc cũng như “ông chủ” của mình. “Trước đây em làm phụ hồ, công việc không ổn định. Từ khi làm ở công ty của bác Hùng thì việc đều, thu nhập cũng khá. Đặc biệt, làm ở đây rất thỏa mái vì bác Hùng là người dễ gần, quan tâm đời sống công nhân”, anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Kim Hùng quan niệm, ngừng tư duy và không lao động sẽ khiến con người trì trệ. Vì thế, dù đã bàn giao một phần công việc tại công ty cho các con nhưng hàng ngày ông vẫn tiếp tục làm việc theo cách riêng của mình. “Tôi vẫn hay gặp gỡ khách hàng, hỏi xem họ nhận xét về sản phẩm của mình như thế nào. Trên cơ sở đó mình khắc phục nhược điểm và không ngừng cải tiến để sản phẩm đáp ứng mong đợi của người sử dụng”, ông Hùng cho biết.

Đề cập tiềm năng, thế mạnh của người cao tuổi, Tiến sỹ Nguyễn Thế Huệ, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam, cho rằng không chỉ riêng ông Hùng, ông Chính hay Giáo sư Vũ Trọng Hồng mà phần lớn người cao tuổi đều mang trong mình bề dày kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sống. Rất nhiều trong số này vẫn còn sức khỏe và nhu cầu làm việc. “Người cao tuổi đâu chỉ cần được chăm sóc. Họ muốn được tạo điều kiện để tiếp tục phát huy, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.

Ông Đàm Hữu Đắc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng có chung quan niệm: “Người cao tuổi là nguồn nội lực rất quý. Nhiều nước đang khuyến khích người ta làm việc đến tuổi 70. Thậm chí, có nước không tính tuổi nghỉ hưu”

Tuy nhiên, theo ông Đắc, để phát huy được nguồn nội lực này, thì cơ quan chắc năng và cộng đồng phải nhìn nhận đúng về vai trò, thế mạnh của người cao tuổi. “Các cấp, các ngành cần hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề khởi nghiệp quốc gia, hỗ trợ trang bị thêm cho người cao tuổi những kiến thức, kỹ năng nhất định nào đó. Cùng với đó, cộng đồng phải kết nối để người cao tuổi có mong muốn làm việc tiếp cận được với những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng”, ông Đắc nhấn mạnh.

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng cho rằng xã hội cần thay đổi góc nhìn về người cao tuổi. Nhưng theo ông, bản thân người cao tuổi cũng phải chủ động hơn trong vấn đề này. “Tôi nghĩ bản thân các cụ phải thay đổi nhận thức. Nhiều người vẫn cứ nghĩ mình phải được chăm sóc! Giờ phải nghĩ khác, phải làm sao để được phát huy. Với kinh nghiệm, trí tuệ thì phải nghĩ làm sao mình có thể tiếp tục đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước”, ông Cừ nêu quan điểm.

Thực tế cho thấy, với nguồn tri thức, kỹ năng và kinh nghiệm, đông đảo người cao tuổi vẫn đang tiếp tục tạo ra của cải, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Song những đóng góp ấy có lẽ vẫn còn khiêm tốn. Nếu bản thân mỗi người cao tuổi thay đổi tư duy, các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng nhìn nhận đúng hơn về người cao tuổi, thì chắc chắn lớp người này sẽ còn đóng góp nhiều hơn thế vào sự phát triển của đất nước.

Nghe bài viết dưới đây: