Xã Bính Xá, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đất rộng người thưa, thế nhưng nhắc tới ông Bế Văn Túc hầu như ai cũng biết. Ông là người được bà con nơi đây tín nhiệm bầu làm thủ từ đền Pò Háng - di tích được coi là “pháo đài” tâm linh ở nơi biển ải từ hàng chục năm nay. Bản thân ông Túc cũng rất tự hào khi được giao trọng trách trông coi, giữ gìn một trong những nơi tôn nghiêm nhất của xã. “Tôi được chính quyền giao cho chìa khóa, trông coi, quản lý Đình Pò Háng từ năm 1996. Phải là người có uy tín, được chính quyền và người dân tin tưởng thì mới có được vinh dự này”, ông Túc tự hào.

Khuôn viên đình Pò Háng có diện tích khoảng 1 nghìn mét vuông. Hàng ngày, bên cạnh việc hương khói, ông Túc còn cùng với một số thành viên trong Ban Quản lý di tích thay nhau quét dọn trong và ngoài đình nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm, sạch sẽ. Đặc biệt, là người am hiểu về lịch sử của ngôi đình, ông Túc còn thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu với khách tham quan, nhất là các bạn trẻ trong xã về giá trị cũng như những câu chuyện về truyền thống cách mạng của dân tộc gắn liền với ngôi đền.

Tương tự, những năm qua, ông Nguyễn Danh Hà - Thủ từ Đình Dương Liễu, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội cũng coi việc gìn giữ và phát huy những giá trị về văn hóa, lịch sử của địa phương là niềm vinh hạnh lớn lao. Bởi theo ông, không phải ai cũng dễ dàng có được niềm vinh dự ấy. “Các cụ ra trông nom Đình được lựa chọn rất kỹ. Phải là người còn đủ đôi, tức là còn đủ cả ông và bà, gia đình gương mẫu, chấp hành đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mới được bầu làm thủ từ”, ông Hà cho biết.

Với niềm tự hào ấy nên hàng ngày, ông Hà thực hiện việc hương khói tại Đình Dương Liễu với tất cả lòng thành kính. Công việc lau chùi, dọn dẹp cũng được tiến hành với cái tâm và trách nhiệm. Vì thế, không chỉ các hiện vật bên trong mà cảnh quan ở khu vực Đình Dương Liễu lúc nào cũng sạch đẹp. Về điều này, ông Hà chia sẻ. “Ngoài nhiệm vụ trông coi, quét dọn, mình còn phải tham gia việc hỗ trợ bà con thực hiện nhu cầu về tâm linh và một số việc khác. Tất cả phải làm với cái tâm vô tư, trong sáng, đặt lội ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết”, ông Hà tâm sự

Ông Nguyễn Danh Tuấn, Phó Chủ tịch xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội cho biết, không chỉ ông Hà mà đông đảo các cụ cao tuổi trong xã cũng tham gia tích cực vào việc bảo tổn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Bởi hơn ai hết, các cụ là những người am hiểu về lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương. Lại có ưu thế về thời gia, uy tín nên các cụ trở thành lực lượng chính của Ban quản lý di tích, đặc biệt là trong việc thực hiện các hoạt động về tín ngưỡng. “Ban Quản lý các di dích của xã có sự tham gia của người cao tuổi. Các cụ vừa thực hiện việc trông coi, bảo quản vừa giúp bà con thực hiện nhu cầu về tâm linh. Đặc biệt, vào các Tết, ngày lễ, các chụ là lực lượng nòng cốt, tổ chức các nghi lễ, rồi giới thiệu về lịch sử, văn hóa để nhân dân hiểu sâu hơn về di tích”, ông Tuấn đánh giá.

Bảo tồn và phát huy các các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là nhiệm vụ không của riêng ai. Tuy nhiên, với nhận thức về giá trị và trách nhiệm của mình đối với các di sản vô giá này nên đông đảo người cao tuổi trong cả nước vẫn đang lặng lẽ, miệt mài tham gia vào gìn giữ, phát huy. Những cá nhân như ông Nguyễn Danh Hà và ông Bế Văn Túc chỉ là hai trong số ấy.

Nghe bài viết dưới đây: