Do chậm phát triển về trí tuệ nên dù đã ở tuổi trường thành, Nguyễn Nhật Lệ, nhà ở phố Trần Hữu Tước, quận Đống Đa, Hà Nội vẫn chưa thể tự lo cho bản thân. Niềm vui của em chẳng có gì nhiều ngoài việc được tới nhà sinh hoạt cộng đồng ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội vào mỗi cuối tuần. Tại đây, dưới sự hướng dẫn và khích lệ của bà Phan Thị Phúc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ khuyết tật Hà Nội, Nhật Lệ được thể hiện khả năng của bản thân. “Em biết đến và tham gia câu lạc bộ này từ lúc em 10 tuổi đến giờ, rất là vui. Em có thể múa và hát”, Nhật Lệ kể với nét mặt đầy tự hào.

Chị Võ Thị Ánh Tuyết, phụ huynh của Nhật Lệ cho biết, trước đây chị không nghĩ con mình có thể múa và hát. Không khí trong gia đình vì thế nên thường rất trầm lắng. Nhưng từ khi biết đến bà Phan Thị Phúc cũng như Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ khuyết tật Hà Nội, không chỉ Nhật Lệ mà đời sống tinh thần của các thành viên trong gia đình đều sang một trang mới. “Mỗi khi được đi học con thích lắm. Kể cả những hôm trời mưa, con cũng rất hăng hái đi học. Cháu vui thì bố mẹ cũng nhẹ lòng”, chị Tuyết chia sẻ.

Trí tuệ của Nguyễn Quốc Tuấn, nhà ở phố Sơn Tây cũng chậm phát triển. Đã hơn 30 tuổi mà phải rất cố gắng Tuấn mới có thể nói được những câu đơn giản. Nhưng rất lạ, Tuấn lại có thể thuộc lời và hát đúng nhạc một bài hát dài. “Ở nhà buồn lắm, đến đây em được tập hát cùng các bạn nên vui”, Tuấn thổ lộ.

Người đem lại cuộc sống mới cho Tuấn cũng không ai khác bà Phan Thị Phúc. Bà Phúc là người phát hiện ra khả năng tiềm ẩn trong những đứa trẻ bị khuyết tật trí tuệ. Rồi chính bà đứng ra xin thành lập CLB Văn nghệ trẻ khuyết tật Hà Nội và trực tiếp thực hiện các hoạt động trợ giúp các em. “Trước đây, tôi công tác ở Nhà hát tuổi trẻ. Trong những lần đi diễn, tôi phát hiện một nhóm trẻ thiệt thòi, chưa được quan tâm đúng mức. Sau khi nghỉ hưu, có thời gian thì tôi lập Câu lạc bộ Văn Nghệ trẻ khuyết tật trí tuệ Hà Nội. Hoạt động chính là múa, hát nhằm mang cải thiện đời sống tinh thần cho các em”, bà Phúc chia sẻ.

Bà Phúc cho biết Quốc Tuấn và Nhật Lệ chỉ là hai trong số nhiều trẻ bị khuyết tật về trí tuệ đã làm được những điều mà chính các phụ huynh từng nghĩ con mình không có khả năng. Thậm chí, các em còn đạt được một số thành tích hơn cả sự mong đợi của bà. “Các em đã diễn được một vở kịch không lời. Khi chúng tôi mang tiết mục này đi tham dự một festival ở Thụy Điển, họ rất ngạc nhiên”, bà Phúc tự hào kể.

Chưa dừng lại ở đó, những năm qua, bà Phúc còn kêu gọi sự hỗ trợ về kinh phí từ các mạnh thường quân, rồi tổ chức dạy nghề cho một số em còn khả năng lao động. Cô Nguyễn Thị Ánh Hồng, giáo viên của một cơ sở dạy nghề do bà Phúc mời về dạy cho biết, do nhận thức kém nên cô dạy bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” cho từng bạn nhỏ. Các em cũng rất kiên trì học khi được động viên, khích lệ. Vì thế, dù chậm phát triển về trí tuệ nhưng các em vẫn làm được một số sản phẩm đơn giản. Ngô Đức Trung là một ví dụ. “Cô Hồng hướng dẫn, giờ con có thể làm ra một số bông hoa”, Trung cho biết.

Nhìn con nắn nót cắt và uốn những cánh hoa, chị Nguyễn Thị Thủy - mẹ của Ngô Đức Trung, tin rằng con mình và các bạn trong Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ khuyết tật sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. “Cứ nói đến đi học là con rất hào hứng. Tôi hy vọng sau này các con sẽ có một cái nghề để tự nuôi sống bản thân. Chúng tôi cũng yên tâm hơn về con mình”, chị Thủy chia sẻ.

Với tình cảm đặc biệt dành cho trẻ kém may mắn nên khi chứng kiến sự đổi thay về tinh thần của các thành viên trong CLB Trẻ khuyết tật trí tuệ Hà Nội và người thân, bà Phan Thị Phúc cũng vui mừng không kém. Cũng vì lẽ đó nên dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hàng tuần bà vẫn dành thời gian đồng hành với với các em.

Nghe bài viết dưới đây