Ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, khi ngôn ngữ Nôm Dao đang có nguy cơ bị mai một thì bằng tình yêu và đam mê của mình, có một người vẫn dày công nghiên cứu để gìn giữ những nét đẹp truyền thống. Cả cuộc đời ông luôn tâm huyết với việc khơi dậy tình yêu ngôn ngữ, góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc. Đó là ông Triệu Quý Tín – người đã được UBND tỉnh Yên Bái phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Đề cập duyên cớ đến với ngôn ngữ Nôm Dao, nghệ nhân Triệu Quý Tín kể: “Năm 2000, “cái duyên” đã đưa tôi gặp được cụ Lý Tiến Thọ - người ở thôn Khe Lụa, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái truyền dạy cho nhiều kiến thức về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Dao quần chẹt”. Được sự chỉ bảo của người đi trước, ông bắt đầu thích thú và đam mê với ngôn ngữ Nôm Dao.

Không thỏa mãn với những kiến thức được truyền dạy, ông thường xuyên trau dồi, học hỏi kinh nghiệm để làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình. Năm 2016, để bổ sung thêm kiến thức, ông tham gia học lớp bồi dưỡng tiếng và chữ Nôm Dao tại trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa. Sau khóa học, ông củng cố kiến thức để truyền dạy cách phát âm chuẩn tiếng Dao, viết và đọc được một số cuốn sách phục vụ cho các lễ hội bản sắc tâm linh truyền thống. Nhờ vậy, ông được người dân trong và ngoài xã tin tưởng để đứng chủ chân nhang tại các lễ cúng gia tiên, lễ cấp sắc, lễ tạ mộ… và trở thành nghệ nhân có kỹ năng, am hiểu văn hóa, tập quán, ngôn ngữ dân tộc Dao.

Lo lắng “hồn túy” của văn hóa người Dao có nguy cơ thất truyền, nghệ nhân Triệu Quý Tín cùng những người có uy tín tìm đến từng nhà để trò chuyện, vận động lớp trẻ đi học. Ông nói về cái hay, cái đẹp của văn hóa, tập quán và đặc biệt là sự quý giá của ngôn ngữ dân tộc mình. Ông luôn cố gắng khơi dậy và thắp lên ngọn lửa đam mê về tiếng nói, chữ viết trong tâm hồn các bạn trẻ. Việc thành lập và duy trì các lớp học tiếng Nôm Dao không những là chìa khóa để bảo tồn nền văn hóa của dân tộc mà còn giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế dựa vào chính kiến thức mình học được.

Hiểu được nỗi lòng của nghệ nhân cũng chính là những việc mà chính quyền xã Lương Thịnh cần phải làm để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn. Ông Triệu Khánh Thiện - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lương Thịnh cho biết: “Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về việc học hỏi, lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, nghệ nhân Triệu Quý Tín còn là kho tư liệu sống quý báu. Vì vậy, chúng tôi luôn trân trọng, tạo mọi điều kiện để nghệ nhân có thể tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa, thông qua các lễ hội của các dòng họ người Dao hay các lớp học lớp dạy về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết của người Dao”.

Đến nay, ông đã mở 3 lớp dạy cho trên 120 học viên. Nhớ về những ngày đầu vận động mọi người đi học, ông bồi hồi chia sẻ: “Việc vận động đi học không phải dễ dàng bởi địa bàn xã rộng, người dân ở rải rác. Hơn nữa, một khóa học cũng phải kéo dài có khi đến 2 năm. Chưa kể, các lớp học đều phải dạy buổi tối bởi học viên đều là những người lao động chân tay, ban ngày đi làm nên chỉ có thể tranh thủ vào thời gian đó”.

Với tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong tâm khảm nghệ nhân Triệu Quý Tín luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để truyền dạy những gì mình học được thật nhiều cho thế hệ trẻ. Vì thế, ông còn tích cực sao, lưu, soạn giảng những quyển sách cổ có giá trị, những đoạn thơ ca phục vụ cho các lễ hội của cộng đồng dân tộc Dao quần chẹt như: Cuốn “Thông thư tạp lương” xem ngày lành tháng tốt, xem tiết khí hàng năm; 3 cuốn trường ca quyển 36 đoạn ca từ 7 đoạn ca khúc và quyển 24 đoạn ca từ 7 đoạn ca khúc; quyển trường ca “Lưu lạc tam miếu thánh vương”; các quyển sách hát đối, hát phúng của nam nữ dành cho đám cấp sắc; quyển gốc sớ cổ và quyển Đại sư ca chuyên dùng trong các lễ khai đàn tết nhảy, lễ cấp sắc và đám ma, đám tạ mồ mả các dòng họ người Dao quần chẹt. Đặc biệt, tập tài liệu dạy chữ Nôm Dao Việt Nam gồm 9 quyển đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt và lưu hành. Có lẽ, chính tình yêu, sự trăn trở của ông đã tiếp thêm ý chí, động lực cho các học trò, để họ lại tiếp bước ông ngày đêm miệt mài nghiên cứu, rèn luyện để trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc. Còn đó câu nói của cậu học trò Triệu Đức Hà, ở thôn Vực Tròn, xã Lương Thịnh: “Dù nói được thành thạo tiếng của dân tộc Dao nhưng để học viết, học nghi lễ và hiểu các bài cúng để về thực hành tại gia đình thực sự cần rất nhiều thời gian, lòng kiên trì và say mê. Khi đã thực sự yêu thích thì đều có thể thu xếp thời gian, công việc, mọi khó khăn trong quá trình học đều có thể giải quyết”…

Cứ như vậy, thông qua việc nghiên cứu, truyền dạy, nghệ nhân Triệu Quý Tín góp phần giữ gìn và tô thắm cho nét đẹp văn hóa cũng như tri thức quý báu của văn tự người Dao.

Nguồn: baovanhoa.vn