“Nếu tôi có vấn đề gì, thằng Bình chẳng biết cậy nhờ ai”

Bà Trần Thị Thìn (tên thường gọi là bà Ba, quê huyện Hải Hậu, Nam Định) cùng con trai Nguyễn Văn Bình (1985) bám trụ mưu sinh ở Hà Nội ngót nghét cũng đã gần 30 năm. Từ ngày lên Hà Nội, hai mẹ con bà lấy bốt hàng Đậu làm nhà. Người mẹ dắt tay con thơ đi lượm nhặt ve chai, kiếm được đồng nào để dành mua bát cơm đồng đó.

“Hai mẹ con đong một cân gạo, thổi nửa cân để ăn trong 2 ngày. Làm thêm chút rau, chút cá khô là xong bữa”

Năm 1985 anh Nguyễn Văn Bình chào đời khỏe mạnh, những tưởng sau này sẽ trở thành người đàn ông trụ cột gia đình, cha mẹ được cậy nhờ, nhưng số phận không mỉm cười với chàng trai ấy. Nhìn con nằm một góc nghe nhạc, bà Ba tâm sự “Lúc mới sinh ra, nom Bình trông khỏe mạnh lắm, nhưng ai ngờ được, lúc chập chững bước đi thì đổ bệnh. Cũng bởi vì ngày đó cả gia đình cái ăn, cái uống không đủ nên anh bị suy dinh dưỡng dẫn tới trí tuệ chậm phát triển. Đến năm 5 tuổi mới bắt đầu biết đi và tập tành nói chuyện. Mới đó mà cũng đã 35 tuổi rồi, chỉ nói được mấy từ, nhưng mà ngoan lắm, ai cho gì cũng đưa về cho mẹ”.

Vượt lên khó khăn, hai mẹ con bà Ba chịu khó đi làm dù mưa hay nắng. Mỗi ngày cũng kiếm được 40.000-50.000 đồng một ngày từ việc nhặt và bán giấy vụn, ve chai. Còn anh Bình, con trai bà nay đã biết đi hốt rác cùng các cô chú môi trường, nếu làm đủ ngày thì mỗi tháng được 2 triệu đồng. Số tiền đó bà dành 1,5 triệu trả tiền nhà, còn lại để dành khi cần tới.

Mãi tới đầu 2020, bà Ba thuê được căn nhà trọ ở “khu ổ chuột” (xóm Bụi, phường Phúc Xá, quận Ba Đình), đây là “ngôi nhà” mà mẹ con bà mơ ước. Hằng ngày “Hai mẹ con đong một cân gạo, thổi nửa cân để ăn trong 2 ngày. Làm thêm chút rau, chút cá khô là xong bữa”, bà cho biết.

Lúc khỏe mạnh là vậy, nhưng khi bệnh tật ập đến thì rất khó lường, bà kể: “Có một lần tôi ốm nặng, nhưng chẳng có tiền thuốc thang, Bình cũng chẳng biết mẹ mệt, chỉ thấy mẹ cứ nằm li bì. May hôm đó có đoàn từ thiện tới thăm, họ đưa tôi đi viện chuyền nước rồi lấy thuốc. Kể từ đó tôi thấy sợ, nếu tôi có vấn đề gì, thằng Bình chẳng biết cậy nhờ ai. Giờ dịch đến, tôi lo lắm. Mỗi lần đi ra ngoài, 2 mẹ con không có khẩu trang lấy khăn bịt mặt mới an tâm được”.

Trong những ngày dịch bệnh bùng phát, sáng bà Ba ra chợ phụ giúp người ta rửa con tôm, con cá “nhà họ cho gì thì mình lấy cái đó. Có khi cho mình con cá, mình mua thêm 10.000 dưa kho lên thế là xong bữa”, chiều tranh thủ cùng con đi lượm ve chai.

Chia sẻ với ánh mắt đầy vui vẻ, bà nói "Đợt dịch lần trước ông chủ không giảm tiền nhà, cũng may có các hội từ thiện giúp đỡ gạo và các đồ lặt vặt khác. Tôi chia cho mọi người một xíu, còn lại cất để dành khi đau yếu. Với tôi chẳng mong gì thêm, chỉ mong thằng con khoẻ mạnh, ngày ăn 2-3 bát cơm, không có bệnh tật gì, như thế là đủ rồi”.

Biết bao lần “thần chết” rượt đuổi

Bà Lưu Thị Bình (quê huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) năm nay đã gần 80 tuổi. Bà lên Hà Nội sinh sống cũng đã được 14-15 năm, công việc chủ yếu là bán nước ở điểm xe buýt trước cổng chợ Long Biên. Cuộc đời bà là chuỗi ngày ám ảnh bởi bom đạn và cuộc sống mưu sinh vất vả, biết bao lần thần chết rượt đuổi.

Nghĩ về ngày xưa, bà Bình thêm bùi ngùi “Năm 27 tuổi mẹ mất, tôi ở cùng với bố và 2 người em. Rồi bố đi bước nữa, một mình tôi (lúc đó 8 tuổi) làm “mẹ” của 2 đứa em. Cuộc sống với “dì ghẻ” chẳng sung sướng gì, tôi bế em đến từng nhà xin hồ, rồi đun nước nấu cho em ăn”. Rồi cũng đến tuổi lập gia đình, “Tôi và chồng quen nhau khi ông từ Nam tập kết ra Bắc làm công nhân đường sắt, còn tôi là công nhân đường bộ. Năm 1966 tôi lập gia đình, chúng tôi có một mụm con. Lúc chờ cha về ăn cơm, con bé ra sông tắm thì bị địch thả bom. Sau giải phóng ông về miền Nam, tôi không biết rằng ông đã có vợ trước lúc cưới tôi”.

Bà có quê hương, có họ hàng nhưng số lần về quê cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Em dâu bảo tôi ở quê làm gì ăn nấy, không phải đi xa vất vả, nhưng thật tình em ấy cũng có gia đình riêng, lại đông con cái. Mình độc thân, nhiều lúc nhìn em nó chăm con mà động lòng, thế là quyết định lang bạt lên đây kiếm ăn”, bà Bình chia sẻ.

Bà Bình lên Hà Nội bán nước, 2 lần bị tai nạn giao thông, chân gãy phải điều trị trong bệnh viện Việt Đức một thời gian dài. “Thần chết đã bao lần muốn lấy mạng tôi mà vẫn chưa lấy được”, bà nói. Vượt lên nghịch cảnh, bà lại quay về bán nước, thuê một căn nhà nhỏ ở xóm Bụi để làm chỗ nghỉ ngơi. Cứ 6 giờ tối bà lại kéo xe nước đi bán đến 4 giờ sáng hôm sau mới về

“Tôi bán tồi nhất ở khu này vì già rồi. Có hôm được 30.000-50.000 đồng, hôm nhiều là được 100.000 đồng. Đợt dịch này, lượng người đi chợ ít, kiếm được đồng nào tôi dành dụm để đóng tiền thuê nhà trọ. Cũng may nhờ những túi gạo, chai nước mắm, gói mì chính… của các đoàn làm từ thiện nếu không “tôi cũng trở thành thần chết rồi”, bà Bình tếu táo chia sẻ.

Chỉ biết cầu nguyện để “được sống sót”

Bà Nguyễn Thị Thìn (ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã 85 tuổi lọ mọ một mình trong căn nhà ở “khu ổ chuột” (xóm Bụi, phường Phúc Xá, quận Ba Đình). “Mang tiếng gần quê nhưng vừa đi vừa về, tiền xe, tiền quà cũng mất 300.000 đồng. Mà ở quê cũng có mỗi cậu ruột (em mẹ) chứ chẳng còn ai để mà về”, bà chia sẻ.

Tuổi cao, tai nghe không rõ, đôi mắt lờ mờ, bà vẫn tiếp tục công cuộc mưu sinh với công việc chủ yếu là nhặt giấy, lượm ve chai. Cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, bà lại cầm theo bì bao bố lên đường, ngày nhiều nhất cũng được 20.000 đồng. Với số tiền kiếm được, “tôi chẳng dám ăn thịt, muốn mua 10.000 thịt nhưng người ta không bán được. Thôi thì tôi mua rau lang về ăn, thêm chút nước mắm nữa là xong bữa”, bà ngậm ngùi chia sẻ.

Đợt dịch Covid -19 vừa qua, những người già như bà càng thêm lo lắng. Đó là gánh nặng tiền thuê nhà trọ, đó là nỗi lo sức khỏe khi tuổi cũng đã xế chiều. Với bà Thìn “tôi chẳng đi đâu, chỉ ngồi trong nhà và cầu xin Chúa Giesu, mong mình không bị làm sao, mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến. Cũng may có đoàn từ thiện cho gạo, nên cũng có cái ăn qua ngày”.

Hằng ngày bà Thành kiếm được 20.000-30.000 đồng từ việc nhặt giấy, chai lọ

Lên Hà Nội cũng được 8 năm tròn, bà Kim Thị Thành (quê Vĩnh Phúc) cũng chẳng biết làm gì ngoài nghề nhặt nhạnh chai lọ, bao bì. Công việc này giúp bà thu về 20.000-30.000 mỗi ngày. Sống một mình không người thân thích, con cái mỗi đứa một hướng bà cũng chẳng biết chúng đi đâu, nay "thân cô thế cô" nỗi lo sức khoẻ là điều thường trực hằng ngày. Bà Thành chia sẻ "May quá, đợt dịch vừa rồi tôi không làm sao cả, vẫn khoẻ mạnh, vẫn đi làm bình thường".

Những con người bình thường này chỉ biết lấy lao động làm niềm vui, chẳng ước mong gì hơn ngoài khoẻ mạnh.

(Theo VOV.VN)